Thời tiết lạnh sâu với sức khỏe người già, trẻ nhỏ: Mối nguy hàng đầu
Các tỉnh, thành miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm của mùa Đông 2024, với nền nhiệt trung bình từ 14 - 16 độ C.
Nhiệt độ môi trường xuống thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ sơ sinh. Ảnh minh họa |
Nhiệt độ xuống thấp khiến người dân có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, xương khớp, tim mạch... Các bệnh viện cũng ghi nhận số bệnh nhân nhập viện tăng do trời lạnh.
Bệnh nhân nhập viện do đột quỵ chiếm 70%
Các tỉnh, thành miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm của mùa Đông 2024, với nền nhiệt trung bình từ 14 - 16 độ C. Thậm chí, ở một số vùng núi cao, nhiệt độ chỉ còn 10 - 11 độ C, có thể thấp hơn. Thời tiết giá lạnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Trong bối cảnh này, số lượng bệnh nhân tới khám gia tăng tại các cơ sở y tế như Bệnh viện E, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Thanh Nhàn…
Tại Bệnh viện E, những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám về các bệnh hô hấp, xương khớp và tim mạch đều tăng cao. Theo số liệu thống kê từ cơ sở y tế này, lượng bệnh nhân đến khám gia tăng từ 10 - 20%. Đồng thời, bệnh nhân phải nhập viện do đột quỵ cũng chiếm tỷ lệ cao.
Theo bác sĩ Phạm Xuân Hiếu, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện E, vào mùa lạnh, số bệnh nhân nhập viện thường tăng khoảng 15% so với trước, đặc biệt là những người có tiền sử đột quỵ hoặc tai biến.
TS.BS Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin, thời tiết chuyển lạnh sâu, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp mắc các bệnh lý tim mạch. Trong đó, bệnh nhân chủ yếu là người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch từ trước.
Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, lượng bệnh nhân gia tăng mạnh trong những ngày trời giá rét. TS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương lý giải, thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong, nếu không xử trí kịp thời. Trung bình, số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70 - 80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.
Cũng theo bác sĩ Thắng, thời tiết lạnh làm thay đổi nhiệt độ đột ngột, các mạch máu ngoại vi co lại, dồn máu vào các tạng và não, gọi là hiện tượng trung tâm hóa tuần hoàn. Từ đó, dẫn tới tình trạng huyết áp tăng vọt, gây ra xuất huyết não.
Ngoài nguy cơ về bệnh tim mạch, không khí lạnh cũng là yếu tố thuận lợi để một số virus phát triển như cảm lạnh thông thường (rhinovirus), cúm (influenza), Respiratory syncytial virus-RSV... Các virus này là căn nguyên gây viêm phổi, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Triệu chứng phổ biến thông thường là ho, sốt, mệt mỏi.
Tuy nhiên, các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể gây khó thở, suy hô hấp thậm chí tử vong. Trời lạnh còn có thể làm trầm trọng thêm các cơn đau khớp, đặc biệt là ở những người mắc bệnh viêm khớp hoặc thoái hóa khớp. Cảm giác đau và cứng khớp làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và giảm khả năng vận động của người cao tuổi.
Biện pháp vượt qua mùa lạnh an toàn
Để người dân, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ nhỏ vượt qua mùa lạnh an toàn, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh có các bệnh lý mạn tính cần cố gắng tái khám định kì và duy trì thuốc đều đặn để tránh các bệnh lí trở nặng hơn.
Trẻ nhỏ và người cao tuổi, đặc biệt là người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền như bệnh phổi mãn tính, tim mạch, tiểu đường nên tiêm vắc-xin cúm và phế cầu hằng năm để giảm nguy cơ mắc bệnh do chủng loại này gây ra.
Người dân cũng cần giữ ấm cơ thể bằng cách mặc đủ ấm, đặc biệt là vùng cổ, tay, chân. Sử dụng chăn ấm khi ngủ và tránh để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh. Cung cấp cho cơ thể những thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và protein giúp tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, cần chú ý đến lượng nước uống để tránh mất nước trong mùa lạnh.
Nhằm duy trì sức khỏe, tăng cường sự dẻo dai và linh hoạt của cơ thể, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính như tim mạch, tiểu đường và các vấn đề về cơ xương khớp… việc tập thể dục thường xuyên còn giúp giảm căng thẳng, lo âu và nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Bác sĩ Trần Quang Thắng nhấn mạnh, khi phát hiện người cao tuổi có dấu hiệu tai biến, đột quỵ, tuyệt đối không sơ cấp cứu bằng cách cạo gió, xức dầu, chích máu 10 đầu ngón tay, chân hoặc di chuyển quá mạnh... Thay vào đó, cần gọi cấp cứu đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Bởi, “thời gian vàng” để bệnh nhân nhồi máu não được tái thông mạch não bằng thuốc là trong vòng 4,5 giờ kể từ khi khởi phát.
Bệnh nhân tắc mạch máu lớn có thể can thiệp trong 6 giờ kể từ khi khởi phát, nếu để muộn hơn, bệnh nhân có nguy cơ hôn mê, tử vong, nhẹ hơn có thể bị liệt, tàn tật sau này...
Đối với trẻ nhỏ mắc các bệnh tim bẩm sinh, TS.BS Ngô Tuấn Anh khuyến cáo, thời tiết lạnh dễ làm bệnh tim nặng hơn, ngoài ra còn dễ khiến trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp, như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi.
Đối với những trẻ này, cần lưu ý giữ ấm cổ và cơ thể, quàng khăn, đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài trời lạnh, cung cấp đủ dinh dưỡng. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần được thăm khám và điều trị tại các chuyên khoa về tim mạch.
Nhiệt độ môi trường xuống thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ sơ sinh. Do không có lượng mỡ cơ thể cần thiết để giữ ấm, nên trẻ sơ sinh dễ bị hạ thân nhiệt. Theo các chuyên gia tại Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ sơ sinh dễ bị hạ thân nhiệt nhất và có nguy cơ tử vong khi ngủ trong phòng lạnh. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng, nếu nhiệt độ quá ấm có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Khi nhiệt độ môi trường thấp, trẻ em trên một tuổi có thể an toàn chơi ngoài trời lạnh. Tuy nhiên, trẻ chỉ nên ở ngoài trời khoảng 20 - 30 phút mỗi lần. Nếu nhiệt độ dưới 5 độ C, không nên cho trẻ ra ngoài. Cần chú ý những dấu hiệu sớm của hạ thân nhiệt ở trẻ lớn như: Run rẩy tay chân, mất phương hướng, nói lắp, da trắng hoặc xám tái…