Đồng bộ nhiều giải pháp giải bài toán CSVC trường lớp
Tốc độ tăng dân số cơ học ở các thành phố lớn đang ngày càng cao, kéo theo số học sinh tăng mạnh...
Ảnh minh họa INT |
Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn cơ sở vật chất (CSVC) các trường học vừa ban hành được ngành Giáo dục các địa phương, nhất là điểm nóng về trường lớp, đặc biệt hoan nghênh.
Trước đó, Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT dù đã quy định các tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học khá rõ ràng, chi tiết nhưng khi áp dụng vào thực tiễn gặp không ít khó khăn, bất cập.
Theo đó, các tỉnh thành có mật độ dân số cao, quỹ đất giáo dục hạn hẹp đã gian nan khi thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới công trình trường học. Nhiều dự án nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới trường lớp bị đình trệ vì phải cân đo đong đếm giữa tiêu chuẩn quy định và nhu cầu thực tế.
Do không được giảm tiêu chí, không nâng tầng tăng thêm phòng học, nhiều khu vực nội đô buộc phải tăng sĩ số học sinh/lớp, giảm bớt các trường, lớp tổ chức dạy học hai buổi/ngày để tăng chỗ học. Chuyện có những lớp học trên 50 học sinh, trường tiểu học trên 100 lớp không phải hiếm.
Thực tế này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học, đặc biệt khi toàn ngành đang triển khai Chương trình GDPT mới. Việc đánh giá công tác kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia của một số trường nội đô theo đó cũng thiệt thòi, vì vướng tiêu chí cơ sở vật chất. Để tháo gỡ khó khăn về áp lực trường lớp, nhiều cơ sở giáo dục đã kiến nghị điều chỉnh tiêu chuẩn, cho phép xây thêm tầng nhằm đáp ứng nhu cầu về khối phòng học, sân chơi, phụ trợ…
Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT với việc bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu theo hướng phù hợp với thực tế triển khai, hứa hẹn sẽ gỡ rối cho nhiều địa phương trong công tác sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới trường lớp đáp ứng nhu cầu.
Đặc biệt, quy định trường tiểu học, trường phổ thông được xây tối đa 5 tầng, tăng 1 - 2 tầng so với quy định cũ sẽ giúp các trường có cơ hội tăng thêm nhiều phòng học và số lớp, góp phần giải quyết tình trạng quá tải tại một số địa bàn.
Tuy vậy, tốc độ tăng dân số cơ học ở các thành phố lớn đang ngày càng cao, kéo theo số học sinh tăng mạnh. Chỉ riêng năm học 2024 - 2025, so với cùng kỳ, Hà Nội tăng khoảng 48 nghìn học sinh, TPHCM tăng khoảng 24 nghìn, Đồng Nai tăng khoảng 17 nghìn em...
Thực tế này cho thấy việc sửa đổi vài tiêu chí như giảm chuẩn diện tích đất/học sinh hay nâng tầng theo Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT cũng chỉ giải quyết được phần nào nhu cầu trường lớp ở các điểm nóng. Đấy là chưa kể việc nâng tầng còn đi kèm với một số rủi ro, cần phải thực hiện thêm nhiều biện pháp khác nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên.
Cùng với sửa chữa, cải tạo, xây dựng theo tiêu chí mới của Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác để phát triển trường lớp vùng nội đô như: Quy hoạch quỹ đất giáo dục phù hợp, tăng cường xã hội hóa, khai thác chính sách đặc thù, chính sách ưu đãi của địa phương dành cho giáo dục... Đặc biệt, cần quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển các lớp học trực tuyến theo tỷ lệ quy định của ngành.
Gần đây TPHCM đã mạnh mẽ chỉ đạo các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giúp học sinh tham khảo, tự học; thực hiện dạy học buổi hai qua hệ thống trực tuyến, hệ thống số, giảm bớt thời gian trên lớp do thiếu điều kiện về chỗ học. Cách làm này có thể được xem là giải pháp chia lửa hiệu quả trong việc giải bài toán trường lớp ở điểm nóng, cần nghiên cứu và nhân rộng.