A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khẳng định tính đúng đắn chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK

Xã hội hóa sách giáo khoa (SGK) là chủ trương mới, lớn, có tính đột phá khi triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo.

Trao tặng sách giáo khoa cho học sinh nghèo, khó khăn tại Đắk Lắk. Ảnh minh họa: INT
Trao tặng sách giáo khoa cho học sinh nghèo, khó khăn tại Đắk Lắk. Ảnh minh họa: INT

Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội ghi rõ “thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học”. Luật Giáo dục 2019 quy định “mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK…”.

Để thực hiện xã hội hóa SGK, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc ban hành chương trình, tổ chức việc biên soạn, tổ chức thẩm định, lựa chọn và các văn bản hướng dẫn tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK phục vụ đổi mới chương trình, SGK…

Đến nay, có 7 nhà xuất bản và 12 công ty tham gia biên soạn, liên kết biên soạn SGK. Lần đầu tiên, một lực lượng hùng hậu gồm chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo với 261 giáo sư, 816 phó giáo sư, 1.390 tiến sĩ, 1.305 thạc sĩ và 343 giáo viên được huy động tham gia biên soạn SGK. Kết quả, có 826 bản mẫu SGK được biên soạn. Bản mẫu được lấy ý kiến giảng viên sư phạm, giáo viên 63 tỉnh, thành (245.700 lượt giáo viên, 3.120 lượt giảng viên góp ý).

Để bảo đảm chất lượng SGK thực hiện theo phương thức xã hội hóa, Bộ GD&ĐT đã tăng cường chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ quá trình biên soạn. Trong đó, đưa ra tiêu chuẩn của cá nhân biên soạn sách và tăng cường công tác kiểm soát việc lựa chọn tác giả biên soạn sách theo các quy định hiện hành. Bộ GD&ĐT tham gia tập huấn về Chương trình GDPT 2018 cho đội ngũ biên soạn; kiểm soát các khâu trong quá trình biên soạn của tổ chức, cá nhân; kiểm soát việc biên soạn, góp ý, thảo luận bài học mẫu, dạy thực nghiệm, thẩm định nội bộ, lấy ý kiến các nhà khoa học về bản mẫu SGK trên cơ sở hồ sơ thẩm định.

Bộ GD&ĐT cũng thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK với số lượng thành viên (từ lớp 1 - lớp 12) là 1.404 người đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trường phổ thông các vùng miền khác nhau, bảo đảm tính đa dạng.

Tính đến nay, việc xã hội hóa biên soạn sách đã bảo đảm mỗi môn học, hoạt động giáo dục đều có SGK để tổ chức dạy - học, kể cả các sách có nhu cầu, thị phần nhỏ trên thị trường, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người học, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và tổ chức giảng dạy khác nhau giữa các vùng miền.

Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15: Hệ thống SGK, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu dạy - học. Nội dung SGK bám sát yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT mới, phù hợp yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh…

Kết quả từ thực tiễn khẳng định tính đúng đắn của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK; từ đó cho thấy cần tiếp tục thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, một số hạn chế trong giai đoạn vừa qua cần được khắc phục, như việc một vài ngữ liệu đưa vào SGK ở một số môn học còn xuất hiện những quan điểm khác nhau, gây băn khoăn trong dư luận khi đưa vào sử dụng; lựa chọn sách ở một số nơi, thời điểm còn có khó khăn trong tổ chức thực hiện; tập huấn giáo viên sử dụng sách với một số môn học thực hiện bằng hình thức trực tuyến nên trao đổi, tương tác hai chiều giữa giáo viên và học viên có hạn chế...

Triển khai cái mới luôn khó và không tránh khỏi ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, thước đo cuối cùng vẫn là lợi ích đổi mới đó đem lại cho người học, sự phát triển của giáo dục. Thực hiện tốt công việc này giai đoạn tiếp theo cần sự quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT, UBND cấp tỉnh, sở GD&ĐT và sự nỗ lực, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm của các đơn vị biên soạn, phát hành SGK.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...