A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Nhiều khu vực trên cả nước đang bước vào đợt nắng nóng kéo dài. Đây cũng chính là thời điểm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Do nhiều nguyên nhân

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4/2023, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 117 người bị ngộ độc, trong đó có một người tử vong. Tính chung bốn tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 25 vụ ngộ độc với 344 người bị ngộ độc, trong đó có 8 người tử vong.

Trong thời gian tới, thời tiết nắng nóng cùng với độ ẩm cao càng là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại, các loại virus gây bệnh đường ruột phát triển. Bên cạnh đó nhiều người có thói quen xử lý thực phẩm hoặc nấu ăn không đúng cách hoặc bảo quản chưa đúng… Điều này càng làm gia tăng nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Khi để thực phẩm quá lâu trong môi trường, nhất là khi nhiệt độ nắng nóng dễ khiến thực phẩm bị phân hủy, vi khuẩn xâm nhập. Bên cạnh đó, nhiều người có thói quen trữ đủ thứ thức ăn sống - chín, rau củ, thịt cá trong tủ lạnh cũng là nguy cơ dẫn đến ô nhiễm chéo do tiếp xúc giữa các thực phẩm.

Thực phẩm đường phố  không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, bao bì, rất khó kiểm chứng về nguồn gốc và an toàn thực phẩm

Thực phẩm đường phố không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, bao bì, rất khó kiểm chứng về nguồn gốc và an toàn thực phẩm

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm có thể do nhiều nguyên nhân, từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, cho đến bảo quản, bày bán…

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận các trường hợp rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Một bênh nhân nam 40 tuổi (ở TP HCM) ăn hải sản chế biến ngoài quán, vài tiếng sau ói mửa, đau bụng, tiêu lỏng... Tình trạng ngày càng nặng hơn nên anh đến bệnh viện. Bác sĩ siêu âm thấy viêm ruột, xét nghiệm máu cho thấy phản ứng viêm tăng, đi kèm rối loạn điện giải do nôn ói và tiêu lỏng.

Trước đó, trên địa bàn huyện Phước Sơn (Quảng Nam), hai vụ ngộ độc Botulinum xảy ra do ăn cá chép muối ủ chua khiến 9 nạn nhân phải nhập viện cấp cứu, một nạn tử vong.

Ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn thức ăn nhiễm độc vài phút, vài giờ hoặc vài ngày. Tùy theo tác nhân gây độc tố mà các triệu chứng ở dạ dày, ruột, thần kinh... có thể khác nhau.

Người tiêu dùng thông thái

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thức ăn qua thực phẩm đặc biệt trong mùa hè, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm.

Các thông tin trên nhãn sản phẩm cần lưu ý bao gồm tên và địa chỉ thương nhân, thành phần nguyên liệu, phụ gia, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất…

Tránh mua sử dụng các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được che đậy hay bao gói hợp vệ sinh, sản phẩm có màu sắc lòe loẹt, dòn dai bất thường, sử dụng giấy báo, giấy có chữ viết, mực in để bao gói thực phẩm… vì nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp tính, mãn tính trên nhóm thực phẩm này là rất cao, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Bảo quản đúng cách vừa tránh được nguy cơ ngộ độc vừa giữ giá trị dinh dưỡng của thực phẩm

Bảo quản đúng cách vừa tránh được nguy cơ ngộ độc vừa giữ giá trị dinh dưỡng của thực phẩm

Thực tế cũng cho thấy tay bẩn là một trong những cách phổ biến nhất khiến thực phẩm bị ô nhiễm. Vì thế, ngoài việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm thì cần phải chắc chắn rửa tay sạch trước khi sờ hoặc chạm vào thực phẩm. Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch giúp thực phẩm an toàn hơn.

Trong quá trình chế biến, hãy nhớ rửa tay sạch sau khi bạn chạm vào thực phẩm sống rồi mới chạm vào thực phẩm đã được làm chín, để tránh nhiễm khuẩn chéo.

Để có thực phẩm an toàn, tốt nhất cần chế biến vừa đủ và ăn ngay sau khi chế biến, nếu chưa sử dụng cần che đậy bảo quản cẩn thận (dùng màng bọc PE, hộp nhựa, lồng bàn, tủ lạnh...). Nếu để sau 2 giờ phải hâm nóng lại trước khi sử dụng. Không nên để thực phẩm qua đêm và hâm đi hâm lại nhiều lần. Chỉ nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh trong một thời gian nhất định.

Ngoài ra, cần phải phân loại thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh. Để riêng thực phẩm chín và thực phẩm sống; rau quả tươi phải được rửa sạch, để ráo nước mới được cho vào tủ lạnh. Tất cả thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh phải được gói kín hoặc để trong khay, hộp có nắp đậy kín. Thức ăn chín bảo quản trong tủ lạnh phải được đun sôi lại trước khi dùng.

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn không ít dịch vụ nấu ăn lưu động chưa được cấp phép, chưa đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vẫn hoạt động chui. Do đó, để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng khi tổ chức tiệc nên thuê các nhà hàng, dịch vụ nấu ăn lưu động có giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền cấp, đồng thời ký kết hợp đồng cụ thể với chủ cơ sở để đảm bảo an toàn sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...