Hà Nội: Gần 400 y, bác sĩ của 15 bệnh viện tổ chức khám sức khỏe cho người cao tuổi
Ngày 15/5, gần 400 y bác sĩ của 15 bệnh viện tại Hà Nội đã khám sức khỏe và triển khai chương trình quản lý sức khoẻ điện tử cho nhân dân huyện Mê Linh.
Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 5/2023, huyện Mê Linh tổ chức khám sức khỏe lập hồ sơ quản lý sức khoẻ cho trên 180.000 người dân (chiếm khoảng 75% dân số huyện).
Có 5 đối tượng được khám và tư vấn, quản lý sức khỏe đợt này, bao gồm: Trẻ em dưới 5 tuổi; học sinh tiểu học, THCS, THPT; người cao tuổi, hưu trí; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước và người dân lao động tự do.
Hoạt động khám sức khỏe được thực hiện bởi hơn 400 y, bác sĩ giỏi đến từ 15 bệnh viện lớn như: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhiệt đới TW, Bệnh viện Medlatec, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Bệnh viên phổi Hà Nội, Bệnh viện Việt Nam Cu Ba, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn…
Theo đó, người dân có thể đến Trung Tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Mê Linh để được đo huyết áp, nhịp thở, thị lực; khám nội tổng quát (tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần); Khám ngoại tổng hợp (da liễu, vận động);
Khám chuyên khoa (tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, mắt); khám cận lâm sàng đối với các trường hợp cần thiết có chỉ định, bao gồm các danh mục: Test đường huyết mao mạch cho người trên 45 tuổi và các trường hợp khác theo chỉ định của Bác sĩ; Siêu âm ổ bụng tổng quát: theo chỉ định của Bác sĩ.
Tại lễ phát động, ông Nguyễn Thanh Liêm, Bí thư huyện Mê Linh cho biết, chương trình nhằm cụ thể hoá chủ trương từ Chương trình số 08 của Thành ủy Hà Nội khóa 17 về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025".
Trong chiến dịch khám sức khỏe lần này, bên cạnh hoạt động khám sức khỏe, người dân sẽ được lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử.
Theo ông Liêm, hiện đã có khoảng 41.352 người dân trên địa bàn thị xã Quang Minh, xã Chi Đông, Kim Hoa, Thanh Lâm, Tiền Phong, Thạch Đà, Liên Mạc, Tự Lập, Tiến Thịnh, Chu Phan, Đại Thịnh… đã được lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, tạo đà thuận lợi để triển khai ở các địa bàn tiếp theo.
Ông Liêm cho biết, trong quá trình khám bệnh, bác sĩ có thể phát hiện những nguy cơ khác hoặc có chỉ định thêm với các trường hợp cần thiết. Đặc biệt, từ kết quả khám sàng lọc, nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh nan y, huyện sẽ chỉ đạo cơ sở y tế quan tâm kiểm tra, tư vấn cho người bệnh, trường hợp cần chuyển tuyến thì giúp đỡ bệnh nhân liên hệ với các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên để điều trị kịp thời.
Ngay sau khi khám xong, người dân được hướng dẫn cài App (ứng dụng) trên điện thoại thông minh để có thể tra cứu ngay kết quả và theo dõi thông tin sức khỏe của bản thân. Hồ sơ sức khỏe này sẽ được sử dụng cho những lần khám bệnh sau và theo người dân trọn đời.
Đặc biệt, huyện sẽ đồng bộ hóa những dữ liệu này vào hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân, qua đó làm cơ sở để kiểm soát, sàng lọc, tư vấn, chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn được tốt hơn.
Qua một thời gian ngắn triển khai tập trung, khẩn trương và chu đáo, bước đầu ghi nhận người dân hết sức vui mừng, phấn khởi khi lần đầu tiên được các y, bác sĩ của các bệnh viện lớn, có uy tín của Trung ương và Thành phố về khám sức khoẻ miễn phí cho toàn thể người dân.
Đánh giá cao hiệu quả chương trình, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị TP Hà Nội khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân và cập nhật vào hệ thống dữ liệu quốc gia theo Đề án 06 của Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, hệ thống dữ liệu này không chỉ dành các cơ sở y tế khai thác mà còn làm sao để người dân sử dụng thành thạo các hồ sơ điện tử này.
"Từ kết quả khả quan ban đầu của huyện Mê Linh, Hà Nội cần tổ chức rút kinh nghiệm xem cái gì làm được, cái gì chưa làm được và khẩn trương, khẩn trương triển khai đồng loạt tại các quận, huyện, thị xã", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Một số hình ảnh phóng viên đã ghi nhận: