Dấu hiệu đau ruột thừa ai cũng nên biết để phòng nguy hiểm
Cơn đau do viêm ruột thừa gây ra thường bắt đầu với dấu hiệu quặn nhẹ ở vùng bụng trên hoặc rốn, sau đó di chuyển xuống phần tư phía dưới bụng phải.
Đau ruột thừa là bệnh cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp do chủ quan nên đưa đến viện muộn gây hậu quả rất khó lường.
Gần đây, các bác sĩ BV Trẻ em Hải Phòng cho biết đã tiếp nhận bệnh nhi 8 tuổi trong tình trạng đau bụng liên tục, sốt, nôn. Trước đó, bé bắt đầu đau bụng từ 3 ngày trước nhưng cả gia đình đi du lịch nên chưa cho đi khám.
Gia đình đã đưa bé đi khám tại một cơ sở y tế nhưng chưa phát hiện ra bệnh. Ngày hôm sau, trẻ được chẩn đoán viêm phúc mạc do viêm ruột thừa vỡ, chỉ định mổ mở.
Bệnh nhi được phẫu thuật cấp cứu nội soi cắt ruột thừa viêm, rửa sạch và đặt dẫn lưu ổ bụng. Đến nay, trẻ đã được xuất viện. Tuy nhiên, do đến viện muộn nên việc điều trị kéo dài, diễn biến phức tạp, phải dùng kháng sinh đắt tiền, tốn kém.
Bác sĩ khuyến cáo, viêm ruột thừa là căn bệnh không thể xem nhẹ, bởi phát hiện muộn có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.
Thực hư chức năng của ruột thừa với sức khỏe
Chức năng thật sự của ruột thừa đến nay vẫn còn bàn cãi. Có giả thiết cho rằng, ruột thừa đóng vai trò như 1 kho chứa các lợi khuẩn có ích, nhằm giúp khôi phục lại hệ tiêu hóa sau các đợt tiêu chảy do nhiễm trùng tiêu hóa. Cũng có giả thiết khác, ruột thừa chỉ là 1 tàn tích của ống tiêu hóa trong quá trình tiến hóa của con người.
Các dấu hiệu đau ruột thừa dễ nhận biết nhất
- Cơn đau do viêm ruột thừa gây ra thường bắt đầu với dấu hiệu quặn nhẹ ở vùng bụng trên hoặc rốn, sau đó di chuyển xuống phần tư phía dưới bụng phải.
- Các triệu chứng điển hình có thể kể đến như: Cơn đau bắt đầu một cách đột ngột. Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi ho hoặc di chuyển. Đau dữ dội khiến người bệnh mất ngủ. Triệu chứng đau đớn tiến triển nghiêm trọng chỉ trong vòng vài giờ.
- Một số triệu chứng khác có thể gặp phải gồm: Ăn không ngon, khó tiêu, buồn nôn, nôn.
- Vùng bụng sưng bất thường. Có hiện tượng sốt nhẹ, táo bón, tiêu chảy và nhu cầu đi tiểu cao hơn.
- Trong trường hợp xuất hiện dấu hiệu táo bón và nghi ngờ bị viêm ruột thừa, người bệnh nên tránh dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ. Những phương pháp này có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, điển hình là vỡ ruột thừa.
Khi nhận thấy các triệu chứng viêm ruột thừa cấp kể trên, bệnh nhân nên đi khám ngay bởi diễn tiến của bệnh rất nhanh. Nếu không được điều trị kịp thời, ruột thừa từ viêm sẽ có nguy cơ chuyển sang vỡ khiến phân tràn vào ổ bụng và đe dọa tính mạng.
Người sau khi mổ ruột thừa cần làm gì để nhanh lành bệnh
Điều trị viêm ruột thừa thông thường bằng phẫu thuật chủ yếu là nội soi sẽ giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, vết thương ít đau và ít để lại sẹo. Vì vậy, việc chăm sóc và phục hồi sau phẫu thuật rất cần được quan tâm.
Sau khi mổ ruột thừa, người bệnh cần:
- Ăn các thức ăn lỏng như cháo, súp, sữa.
- Nên vận động nhẹ và không được bưng bê vật nặng hoặc tham gia vào hoạt động có gắng sức.
- Mặc quần áo thoải mái, vì nếu mặc đồ bó sát có thể gây kích ứng da xung quanh vị trí vết mổ
- Dùng miếng đệm sưởi ấm hoặc túi nước đá chườm trên vết mổ để giúp giảm đau.
- Chia bữa ăn thành những phần nhỏ trong ngày.
- Nên tận dụng thời gian rảnh rỗi trong ngày để đi bộ.
- Hãy uống nhiều nước. Tránh thức uống chứa caffeine, tránh các thức ăn nhiều chất béo, dầu mỡ.
- Tái khám đúng hẹn theo lịch của bác sĩ. Nếu gặp các triệu chứng như: sốt cao, nhịp tim tăng, khó thở, xuất hiện các cơn đau, vết mổ hở miệng, rỉ nước, có mùi, sưng đỏ... bạn phải gọi cho bác sĩ để xử lý kịp thời.