A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo nguy hiểm từ những ca ngộ độc botulinum

Chỉ trong vòng ít ngày, ít nhất 6 người tại TP Hồ Chí Minh (bao gồm 3 trẻ em và 3 người lớn) bị phát hiện ngộ độc botulinum, phải nhập viện điều trị. Trong khi đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, thuốc giải độc tố botulinum là loại thuốc rất hiếm.

Ngộ độc botulinum do đâu?

Theo thông tin từ Sở Y tế TP HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng với Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đã hội chẩn cùng nhau và phát hiện thêm được 3 trường hợp nghi ngờ ngộ độc botulinum.

Cả 3 bệnh nhân đều sống tại TP Thủ Đức, thuộc 2 gia đình khác nhau. Bệnh nhân lớn nhất là người đàn ông 45 tuổi, tiếp theo là 2 anh em 26 tuổi và 18 tuổi. Ba trường hợp này thực tế là sự nối tiếp của chùm ca bệnh là 3 em bé bị ngộ độc botulinum tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM.

Cảnh báo nguy hiểm từ những ca ngộ độc botulinum

Một trong 3 bệnh nhi ngộ độc botulinum, đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: BVCC)

Trước đó, ngày 13/5, hai anh em này ăn bánh mì chả lụa từ người bán dạo. Trong khi đó, người đàn ông 45 tuổi ăn loại mắm để lâu ngày. Đến ngày 14/5, cả 3 đều có triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, đau bụng và tiêu chảy rồi bắt đầu yếu cơ, khó nuốt.

Cụ thể, bệnh nhân 18 tuổi có diễn biến sớm nhất, yếu sức cơ và nhập vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Chiều cùng ngày, người đàn ông 45 tuổi cũng nhập Bệnh viện Nhân dân Gia Định và bệnh nhân 26 tuổi bị nhẹ hơn cho nên tự đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Qua khai thác bệnh sử từ gia đình và các triệu chứng, các bác sĩ hội chẩn và nghi ngờ bệnh nhân bị ngộ độc botulinum. Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã lấy mẫu thức ăn đi xét nghiệm, Viện Vệ sinh Dịch tễ TP HCM xác định có độc tố botulinum.

Ngộ độc botulinum là do một loại vi khuẩn botulinum gây ra, vi khuẩn này sống trong yếm khí, có nghĩa là môi trường không có không khí, nồng độ oxy rất thấp thì con vi khuẩn này mới hoạt động được.

Do đó, tất cả thức ăn được chế biến, đóng gói, đóng hộp hay đưa vào bao kín không có oxy, vi khuẩn botulinum đều có khả năng phát triển, nên nguy cơ nhiễm độc là luôn rình rập trước mắt.

Tuy nhiên, botulinum không chịu được nhiệt, nếu đun ở 100⁰C, sau 2 phút chất độc bắt đầu biến tính và giảm độc lực, đun đến 10 phút có thể bị phá hủy. Một số thức ăn có thể sử dụng bằng cách nấu sôi 100 độ trong 10-15 phút để diệt vi khuẩn, giảm nguy cơ gây ngộ độc.

Chạy đua tìm thuốc giải độc

Liên quan đến vụ việc ngộ độc botulium này, ngay sau khi nhận được thông tin có người ngộ độc botulium do ăn chả lụa từ người bán dạo, cơ quan chức năng đã yêu cầu cơ sở sản xuất chả lụa này đóng cửa và ngưng ngay hoạt động.

Theo kết quả điều tra, người bán dạo giò lụa gây ra các trường hợp bị ngộ độ botulinum xảy ra trên địa bàn là người làm công cho một chủ lò bánh mì. Chủ lò bánh mì này đã lấy giò lụa tại một cơ sở sản xuất giò lụa ở phường Trường Thọ, TP Thủ Đức.

Qua kiểm tra, cơ sở sản xuất giò lụa này hoạt động được gần hai tháng và không có bất kỳ giấy tờ đăng ký nào, cũng không có biển hiệu.

Vụ ngộ độc botulinum do bánh mỳ và giò chả xảy ra một lần nữa khiến nhiều người rất hoang mang và đặt nhiều câu hỏi về vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 38/CP trước đây cũng như Nghị định 15/CP gần đây, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện công bố thực phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó. Tuy nhiên, những thực phẩm theo kiểu “thực phẩm nhà làm” hoặc những loại thực phẩm bán online hiện rất khó kiểm soát chất lượng.

Thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) giúp kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum

Thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) giúp kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum

Đáng lo ngại hơn, hiện thuốc duy nhất trung hòa độc tố botulinum là thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT). Tuy nhiên, đây là loại thuốc rất hiếm và đắt đỏ, chỉ có một hãng dược ở Canada sản xuất và có giá lên đến 8000 USD/lọ.

TP HCM và cả nước đã gần như hết tthuốc giải độc tố botulinum. Hai lọ giải độc BAT cuối cùng đã dùng cho 3 bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 vào ngày 16/5. Hai lọ thuốc này được điều phối từ bệnh viện ở Quảng Nam sau khi cứu bệnh nhân ngộ độc do ăn món cá chép muối ủ chua.

Thuốc BAT giải độc đặc hiệu nhưng không còn sẽ rất nan giải. Nếu được sử dụng thuốc BAT sớm, bệnh nhân ngộ độc botulinum có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt trong 48 đến 72 giờ, không phải thở máy. Không có thuốc giải, bác sĩ chỉ có thể điều trị triệu chứng, thở máy.

Kinh nghiệm cho thấy, thời gian điều trị của bệnh nhân ngộ độc botulinum không có thuốc giải sẽ kéo dài nhiều tháng. Người bệnh gặp nhiều biến chứng như nhiễm trùng, suy dinh dưỡng do thở máy kéo dài, liệt cơ.

Để nhanh chóng có thuốc giải độc tố botulinum phục vụ điều trị 3 bệnh nhân ngộ độc botulinum, Bệnh viện Chợ Rẫy đã liên hệ với nhà nhập khẩu và nhà nhập khẩu cũng đã trao đổi với nhà cung ứng phía nước ngoài để làm các thủ tục nhập khẩu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...