Tăng hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp
Thực hiện Phiên họp thứ 38, sáng 07/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Dự án Luật được xây dựng nhằm tăng hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn trình bày tờ trình về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp
Trình bày tờ trình về Dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Chính phủ trình dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế. Đồng thời, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật số 69/2014/QH13.
Phạm vi điều chỉnh tại dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng không quy định cụ thể nội dung “sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp” như tại Luật số 69/2014/QH13. Theo đó, việc sử dụng vốn, tài sản được quy định theo hướng “đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”; các quy định về huy động vốn; mua, bán, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ phải thu, phải trả được giao cho doanh nghiệp quyết định nhằm xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, quản lý theo phần vốn góp tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Chính phủ thống nhất dự thảo Luật không đưa đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác vào trong phạm vi điều chỉnh của Luật và giao cho doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước chịu trách nhiệm. Theo đó, đối tượng áp dụng Luật gồm: Doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên; Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn và tổ chức tín dụng có vốn đầu tư của Nhà nước; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Về nguyên tắc, thứ tự phân phối lợi nhuận sau thuế, Chính phủ đề xuất trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp để đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh, dự án tăng cường năng lực quản trị của doanh nghiệp. Số dư Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp khi doanh nghiệp không có nhu cầu, chưa có kế hoạch sử dụng được nộp về ngân sách nhà nước hoặc điều chuyển giữa các doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Phần còn lại sau khi sử dụng, trích lập các quỹ theo quy định, doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước.
Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, tiếp thu ý kiến về phân cấp mạnh hơn cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, doanh nghiệp, dự thảo Luật quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định chủ trương dự án đầu tư thuộc nhóm A theo quy định của Luật Đầu tư công hoặc có tổng mức đầu tư bằng mức từ 50% vốn điều lệ ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước 100% vốn điều lệ hoặc có ý kiến để người đại diện vốn biểu quyết quyết định chủ trương dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ. Doanh nghiệp quyết định phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư còn lại.
Giải quyết những vướng mắc hiện nay
Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13. Đồng thời, đa số ý kiến đều thống nhất trình Quốc hội xem xét dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 8.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh sửa đổi những vấn đề “đủ chín, đủ rõ” để làm sao Luật sửa đổi tốt hơn Luật cũ. Đồng thời, cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng dự án Luật.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc sửa đổi Luật lần này cần đảm bảo giảm chi phí cho doanh nghiệp, hạn chế cơ chế xin cho; đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đặc biệt, cần xử lý triệt để những vướng mắc hiện nay liên quan đến đầu tư vốn tại doanh nghiệp.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là một luật hết sức quan trọng, có nhiều nội dung khó, mới và phức tạp. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự án Luật.