Sao Mộc chuẩn bị đến gần Trái Đất nhất trong vòng 60 năm
Vào ngày 26/9, Sao Mộc sẽ ở vị trí gần với Trái Đất nhất trong vòng 59 năm. Khi ấy, người dân sẽ được nhìn thấy hành tinh này sáng hơn và lớn hơn trên bầu trời đêm.
Bắt đầu từ cuối tuần này, những người thích ngắm sao sẽ có cơ hội hiếm hoi được chiêm ngưỡng Sao Mộc một cách rõ nét nhất, khi hành tinh này ở vị trí gần với Trái Đất nhất trong vòng hàng thập kỷ.
Vào ngày 25/9, Sao Mộc - hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời - sẽ nằm cách Trái Đất khoảng 590 triệu km, gần nhất trong vòng 59 năm qua. Đến ngày 26/9, ngôi sao khổng lồ này sẽ nằm ở vị trí đối diện với Mặt Trời nếu nhìn từ Trái Đất.
Điều đó có nghĩa là, khi Mặt Trời lặn ở hướng Tây, Sao Mộc sẽ xuất hiện ở chân trời phía Đông. Theo NASA, hai sự kiện này diễn ra đồng thời sẽ khiến Sao Mộc sáng và lớn hơn, với tầm nhìn rõ nét nhất vào đêm 26/9. Hành tinh này sẽ tiếp tục như vậy trong vòng vài tuần tới.
Nếu tính riêng lẻ, mỗi sự kiện trên không hẳn là hiếm gặp. Sao Mộc đạt đến vị trí đối diện Mặt Trời sau mỗi 13 tháng, giúp nó sáng hơn và lớn hơn nếu nhìn từ Trái Đất. Hành tinh này cũng đến gần Trái Đất nhất sau mỗi 12 năm - khoảng thời gian Sao Mộc cần để hoàn thành một vòng quay quanh Mặt Trời.
Một bức ảnh về Sao Mộc được chụp bởi kính viễn vọng James Webb hồi tháng 7. Ảnh: AP.
Nhưng việc hai sự kiện này diễn ra đồng thời sẽ còn rất lâu nữa mới lặp lại. Theo các nhà khoa học, lần tiếp theo sự kiện này diễn ra sẽ vào năm 2139.
"Đây là điều thú vị khi sống trên một hành tinh đang chuyển động. Mọi thứ được sắp đặt để bạn có thể nhìn thấy Sao Mộc xuất hiện lớn nhất trên bầu trời trong vòng 59 năm", bà Michelle Thaller, nhà thiên văn học công tác tại NASA, chia sẻ.
Theo bà Thaller, những nhà quan sát vũ trụ nghiệp dư chắc chắn sẽ nhìn thấy sự khác biệt. Chỉ cần sử dụng ống nhòm hay kính viễn vọng, mọi người sẽ nhìn thấy những chi tiết của Sao Mộc mà bình thường khó có thể phát hiện, bao gồm dải bụi bao bọc và các mặt trăng của hành tinh này.
Vị trí quan sát tốt nhất là từ một điểm cao, nơi ít bị ô nhiễm ánh sáng và có thời tiết khô ráo.
Thêm vào đó, các kính thiên văn trong không gian cũng sẽ có cơ hội ghi lại hình ảnh rõ nét hơn về người khổng lồ trong hệ Mặt Trời, theo bà Thaller. Kính viễn vọng không gian James Webb mới được phóng lên gần đây đã chụp được một loạt hình ảnh về Sao Mộc với độ chi tiết đáng kể.
Những hình ảnh này cho thấy các cực quang phía trên cực bắc và cực nam của Sao Mộc. Bên cạnh đó là Vết Đỏ Lớn - cơn bão bụi khổng lồ trên hành tinh này, và những đám mây màu trắng khi chúng phản chiếu nhiều ánh sáng Mặt Trời.
Sao Mộc từ hàng trăm năm nay đã là một đề tài thu hút sự chú ý của các nhà thiên văn học, và nhiều chuyên gia cho rằng nó có thể cung cấp manh mối về lịch sử ban đầu của Trái Đất.
Sao Mộc được cho là hành tinh đầu tiên hình thành trong hệ Mặt Trời, được tạo ra từ đám bụi và khí còn sót lại trong quá trình xuất hiện của Mặt Trời cách đây 4,6 tỷ năm.
Trong giai đoạn này, Sao Mộc bay quanh Mặt Trời và trên đường đi của nó đã phá hủy các hành tinh khác đang hình thành. Các mảnh vụn đó chính là những vật liệu tạo nên Sao Kim, Trái Đất, Sao Hỏa và Sao Thủy.