Phát hiện quái vật biển lớn nhất thế giới ở dãy Alps
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Những con thằn lằn cá khổng lồ thuộc hậu kỷ Trias này rõ ràng là một trong những loài động vật lớn nhất từng sinh sống trên hành tinh của chúng ta”.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Cổ sinh vật có xương sống, mặc dù thân răng bị mất một phần, nhưng chân răng của chiếc răng nanh hóa thạch này rộng gấp đôi so với bất kỳ chiếc răng nào khác từng được biết đến. Các tác giả nghiên cứu cho biết, kẻ giữ kỷ lục trước đây về chiếc răng lớn nhất là một con ichthyosaur (loài bò sát tạm dịch là “thằn lằn cá”) dài gần 15 mét vậy nên chủ nhân của chiếc răng mới phát hiện này có thể là một trong những động vật lớn nhất từng sống trên đất liền hoặc trên biển.
Tuy nhiên, vì các nhà khoa học chỉ có một nửa chiếc răng để làm cơ sở nghiên cứu, nên không thể phân biệt được loài bò sát biển cổ đại có phải là một leviathan (đại thủy quái) thực sự hay đơn giản là một trong nhiều quái vật biển có kích thước tương tự thống trị các vùng biển Trias.
Tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư P. Martin Sander, thuộc Đại học Bonn, Đức, cho biết: “Khó có thể nói chiếc răng đó là từ một con ichthyosaur lớn với những chiếc răng khổng lồ hay từ một con ichthyosaur khổng lồ với những chiếc răng cỡ trung bình”.
Thằn lằn cá, xuất hiện trong kỷ Trias giữa (khoảng 252 triệu đến 201 triệu năm trước), không lâu sau khi sự tuyệt chủng cuối kỷ Permi xóa sổ khoảng 95% sự sống trong các đại dương trên Trái đất.
Các loài bò sát dưới nước đã có sự phát triển rất tốt trong những vùng biển đang thay đổi này; Trong khoảng 5 triệu năm kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên, Thằn lằn cá đã tăng trưởng lên kích thước khổng lồ và thống trị tất cả các đại dương trên thế giới.
Loài thằn lằn cá lớn nhất được biết đến là Shastasaurus sikanniensis - một sinh vật giống cá voi dài tới 21m và có thể còn phát triển dài hơn. Để so sánh, cá voi xanh hiện đại thường dài từ 24 đến 30 m, trong khi khủng long bạo chúa T. rex dài trung bình 12 m, theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ.
Theo các nhà nghiên cứu, nhiều loài ichthyosaurs lớn, bao gồm cả Shastasaurus khổng lồ, dường như đã trở thành những kẻ săn mồi hàng đầu mà không hề có răng. Chỉ có một loài ichthyosaur khổng lồ - Himalayasaurus dài 15m, được phát hiện ở Tây Tạng - được biết đến là có miệng đầy răng.
Vì vậy, khi các nhà khoa học phát hiện ra hóa thạch một chiếc răng ichthyosaur đơn độc với kích thước ngoại cỡ trong Hệ tầng Kössen trên dãy Alps của Thụy Sĩ – ngọn núi cao 2.800 m từng tồn tại dưới đáy biển Trias, họ đã phải đối mặt với một bí ẩn mới.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Những con thằn lằn cá khổng lồ thuộc hậu kỷ Trias này rõ ràng là một trong những loài động vật lớn nhất từng sinh sống trên hành tinh của chúng ta”.
Tuy nhiên, do mỗi mẫu vật chỉ còn lại một ít xương, nên không thể phân loại chúng thành một loài cụ thể một cách đáng tin cậy. Các phép đo về xương cũng có thể bị sai lệch một chút, vì một số hóa thạch dường như đã bị đè bẹp bởi sự chuyển động của các mảng kiến tạo đã nâng dãy Alps lên khỏi biển trong hàng trăm triệu năm.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã quy ba mẫu vật này vào họ Shastasauridae - cùng một họ với những con ngư long Shastasaurus, Shonisaurus và Himalayasaurus.