A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có gì đặc sắc trong những phong tục đón Tết của Nam Bộ?

Nói về đón Tết ở Nam Bộ, vùng đất này vừa mang đậm văn hóa truyền thống nhưng cũng vừa mang những nét đặc trưng rất riêng.

Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống lớn nhất của người Việt Nam. Thời điểm này trong năm, mọi người đều tạm gác tất cả các công việc để sum vầy, đoàn tụ, vui Xuân cùng gia đình. Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền của Việt Nam lại có những nét đặc trưng đón Tết rất riêng, từ ẩm thực, trang trí nhà cửa cũng như các quan niệm sinh hoạt, tâm linh. Nói về đón Tết ở Nam Bộ, vùng đất này vừa mang đậm văn hóa truyền thống nhưng cũng vừa mang những nét đặc trưng rất riêng.

Ý nghĩa của những sự khác biệt

Một điều thấy rõ nhất có lẽ là hoa chưng Tết ở Miền Nam sẽ là hoa mai vàng rực rỡ, thay vì những cành đào hồng tươi, đỏ thắm. Trong văn hóa dân gian, hoa mai biểu trưng cho phú quý, cao thượng, nằm trong 4 loại cây thuộc hàng tứ quý: Tùng, cúc, trúc, mai.

Người dân lặt lá mai để chuẩn bị đón Tết
Người dân lặt lá mai để cây ra hoa chuẩn bị đón Tết

Theo Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo - Đạo đức trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM: “Thứ nhất, theo phát âm Nam Bộ, hoa mai đồng âm với từ “may mắn” (mai/may). Thứ hai, trong quan niệm ngũ hành Á Đông, hoa mai có màu vàng, tượng trưng cho hành thổ và là trung tâm ngũ hành. Thổ là đất đai, sự sống, đặc biệt với cư dân nông nghiệp còn là phương tiện nuôi sống, nhờ đất mà con người ngày càng phát triển, sung túc và thịnh vượng. Thổ sinh Kim, Kim tức là tiền bạc. Do đó chưng hoa mai mang ý nghĩa như báo hiệu cho một năm mới may mắn, có tiền bạc, thịnh vượng, an vui trọn vẹn”.

Hoa mai được chia thành nhiều loại: Mai châu, mai sẻ, mai huỳnh tỉ, mai cánh nhọn, mai cánh tròn, mai chùm gửi, mai liễu… Mai vàng thông thường nhất là loại trổ hoa 5 cánh, màu vàng. Ngoài ra người Nam Bộ còn phân biệt mai thành nhiều loại dựa vào cánh hoa: 5 cánh, 8 cánh, 12 cánh, 18 cánh, 24 cánh… thậm chí đến 120 - 150 cánh. Mai trổ hoa càng nhiều cánh càng quý. Từ ngày 10 đến trước ngày 20 tháng Chạp, chủ nhân cẩn thận lặt từng lá để mai trổ đúng dịp Tết, kịp nở đầu xuân.

Bên cạnh đó, mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên cũng là phần không thể thiếu ở mỗi gia đình dịp Tết cổ truyền. Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc cho biết thêm: “Mâm ngũ quả gồm 5 loại trái, mỗi trái một màu biểu trưng cho ngũ hành. Thứ 2, ngũ quả của Miền Nam thường có các loại như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung... là những trái dễ hái ở vườn, mộc mạc chân chất trong cây trái làng quê. Điều này thể hiện cho triết lý sống nhân sinh quan của người dân Nam Bộ, mong ước vừa đủ, trung dung không thiếu cũng không quá dư. Cầu bình an, đầy đủ, hạnh phúc”.

Với việc chủ yếu chọn ý nghĩa, mâm ngũ quả Miền Nam hiếm khi có chuối, lê hay cam... vì phát âm giống với “chúi nhủi”, “lê lết”, “cam chịu”... là những điều không may mắn. Chỉ những quả gắn với đầy đủ, sung túc, bình an, may mắn... thường mới được đưa vào mâm ngũ quả ở Nam Bộ.

Ẩm thực mỗi vùng miền khác nhau, mâm cỗ Tết Miền Nam cũng sở hữu những đặc trưng riêng. Bánh tét là loại bánh không thể thiếu và là nét văn hóa ẩm thực tiêu biểu của Nam Bộ, đặc biệt là dịp xuân về. Vì thế, cách gọi bánh tét có thể được đọc trại từ bánh Tết mà ra.

Bánh tét được người dân Nam Bộ chia thành bánh tét mặn và bánh tét ngọt. Bánh tét mặn có nhân đậu xanh, mỡ, thịt ba rọi, một số nơi còn thêm hột vịt muối. Còn bánh tét ngọt gồm bánh tét nước tro, bánh tét nhân chuối, nhân đậu xanh, nhân dừa…

Theo Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc: “Một đòn bánh tét tròn trịa, đầy đặn phản ánh khát vọng về một cuộc sống no đủ của người dân Nam Bộ - cư dân vùng đất mới. Mặt khác, hột vịt muối - nguyên liệu chế biến thức ăn phổ biến của người Hoa có mặt trong nhân bánh tét hay sự tiếp thu từ cách làm bánh của người Khmer (bánh tét Trà Cuôn) đã phản ánh rõ nét sự giao lưu văn hóa ở vùng đất Nam Bộ”.

Bánh tét thường được dùng chung với dưa kiệu, dưa muối để đỡ ngán, chan nước thịt kho tàu dầm tí ớt, trộn thêm dưa giá hay dưa kiệu để ăn chung. Có người thích ngọt, khi ăn còn cho thêm đường trên mặt bánh.

Hoa mai và nhiều laoi5 hoa khác từ các tỉnh Miền Tây được chở về TP Hồ Chí Minh
Hoa mai và nhiều loại hoa khác từ các tỉnh Miền Tây chở về TP Hồ Chí Minh phục vụ Tết

Những kiêng kỵ dần được giản lược để phù hợp với cuộc sống hiện đại

Giao thừa được xem là thời khắc thiêng liêng đối với đời sống tâm linh của người Việt, bởi quan niệm “đầu xuôi đuôi lọt”. Đầu năm mọi điều suôn sẻ thì năm mới sẽ được như ý muốn.

Người dân tại các vùng quê Nam Bộ kiêng để cối xay gạo trống vào ngày đầu năm vì điều đó tượng trưng cho thất bát, mất mùa năm tới. Do đó, họ thường đổ một ít lúa vào cối xay, ngụ ý cầu mong năm mới lúa gạo đầy tràn. Nhiều gia đình cũng kiêng để thùng gạo, hủ đường, muối,... thiếu hụt vì sợ cả năm thiếu thốn.

Giếng nước hay những nơi chứa nước cũng là nơi quan trọng, được xem là gắn với long mạch ngôi nhà. Vì thế, khoảng chiều 30, các lu, khạp đều sẽ được đổ đầy với mong ước đầy đủ, sung túc như câu “tiền vô như nước”. Một số nơi còn quy định từ mùng 1 đến hết mùng 3 không được múc nước từ dưới giếng lên.

Đồng thời, với quan niệm đất cát bên ngoài thổi vào nhà dịp Tết được ví như tài lộc tìm đến, nên người dân Nam bộ kiêng quét nhà ngày đầu năm, nếu quét thì sẽ quét vào chứ không được quét ra, để tránh quét tiền tài tốt đẹp ra ngoài.

Bánh tét và bánh lá dừa Nam Bộ
Bánh tét và bánh lá dừa Nam Bộ

Theo tín ngưỡng của người miền Nam, đêm 30 Tết dù đi đâu cũng phải về nhà trước thời khắc giao thừa. Nếu không về kịp thì năm mới sẽ phải bôn ba, vất vả.

Ngoài ra, một điều được chú trọng khi gói bánh Tét đó là phải gói thật chặt. Nếu không gói chặt, bánh cắt ra bị xì, bị nhão thì sẽ không được may mắn.

Mai vàng tượng trưng cho may mắn, thịnh vượng, tốt lành. Do đó với một số gia đình khó tính, họ giữ gìn mai rất cẩn thận, tuyệt nhiên không cho ai xin cành, bẻ nhánh vì tin rằng sẽ bị lấy đi sự may mắn cả năm của chủ nhà.

Có gì đặc sắc trong những phong tục đón Tết của Nam Bộ?
Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo - Đạo đức trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM

Tuy nhiên, Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc cho biết, những điều kiêng kỵ từ ngày xưa đã được giản lược, điều chỉnh để phù hợp với nhịp sống hiện tại theo năm tháng. Ví dụ như việc ngày xa xưa người Miền Nam kiêng kỵ, không được mặc quần áo màu đen, màu tối vào ngày Tết nhưng ở hiện tại đã thoáng hơn. Hay như tục quét nhà và múc nước cũng chỉ cần kiêng vào ngày mùng 1.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết