A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ôn thi tốt nghiệp THPT: Giữ chân học sinh ở lại trường

Giữ chân học sinh ở lại ôn thi, các trường học đều dành mọi điều kiện tốt nhất trong sinh hoạt, học tập để các em có tâm lý thoải mái trước ngày thi. 

Tập trung cho mục tiêu “chống liệt”

Từ nay đến sát ngày thi tốt nghiệp THPT, các lớp ôn tập của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nước Oa (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) ngoài việc chia theo tổ hợp môn, còn chia theo nhóm đối tượng. Dù tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên chỉ có 2 học sinh đăng ký, nhà trường vẫn tổ chức riêng một lớp ôn tập, có thời khóa biểu cố định.

Phân tích kết quả thi thử theo đề thi của cụm trường THPT đứng ra xây dựng, thầy Nguyễn Xuân Ảnh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nước Oa, cho biết: “Đối với bài thi tổ hợp môn Khoa học Xã hội thì yên tâm nhưng điểm đa phần chỉ đạt ở mức trung bình. Mặc dù chỉ có một em không đủ điểm nhưng chúng tôi lo lắng nhất là môn Toán. Có vài em điểm thi chỉ đạt ở mức đủ để thoát điểm liệt nên sự an toàn không cao”.

Chính vì vậy, trong thời gian còn lại, giáo viên sẽ bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng để ôn tập cho học sinh. Tập trung ôn tập nhiều hơn cho những em có học lực yếu. Việc ôn tập sẽ theo hướng giúp các em nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản. Giáo viên không quá ôm đồm, không lan man, dàn trải mà phải tập trung làm sao cho học sinh nắm vững kiến thức ở mức độ nhận biết, thông hiểu.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nam Trà My (Nam Trà My, Quảng Nam) dự kiến sau 2 tuần ôn tập tăng cường, sẽ tổ chức cho học sinh làm bài thi thử. Thời gian còn lại sau đó, ngoài hệ thống lại kiến thức theo chuyên đề, giáo viên sẽ dành một khoảng thời gian để học sinh ôn tập dưới dạng các đề thi theo đúng cấu trúc đề của Bộ GD&ĐT.

Thầy Bùi Ngọc Luận - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: “Ngoài việc tập dượt cho học sinh làm quen với các kỹ năng phân tích đề và làm bài thi, giúp cho các em làm quen với tâm lý, môi trường thi cử cũng được nhà trường quan tâm. Các em sẽ cân đối được thời gian làm bài phù hợp với từng kiểu đề thi, câu hỏi nào thì nên trả lời ở lượt 1, lượt 2… những câu hỏi nào nên lựa chọn đáp án theo kiểu loại trừ…”.

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nước Oa (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) theo dõi giờ tự học của học sinh

Ưu tiên tối đa cho học sinh

Kinh phí hỗ trợ ôn tập cho học sinh lớp 12 ở 6 huyện miền núi dự thi tốt nghiệp THPT đã được đưa vào Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam. Theo đó, 100% học sinh lớp 12 các trường THPT ở 6 huyện miền núi sẽ được ôn thi miễn phí tại trường. Riêng học sinh người dân tộc được hỗ trợ tiền ăn, gạo để ở lại trường ôn tập cho đến sát ngày dự thi tốt nghiệp THPT.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nam Trà My ngay từ đầu năm học đã cho học sinh lớp 12 mượn máy tính cầm tay để sử dụng trong quá trình học. “Những máy nào hư hỏng, hết pin… các em được đổi máy khác để sử dụng. Nhà trường hỗ trợ thay pin, sửa máy, miễn sao ưu tiên cho học sinh có máy tốt nhất phục vụ việc học” – thầy Bùi Ngọc Luận thông tin.

Ngoài thời gian học sinh ôn tập theo thời khóa biểu chung, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nước Oa sẽ mở cửa các phòng học để học sinh có thể sử dụng máy tính để hỗ trợ ôn tập. “Đối với môn thi theo hình thức trắc nghiệm, các đề thi thử được giáo viên gửi lên hệ thống, học sinh có thể tải về để tự làm, không phải in đề ra giấy như những năm trước đây. Điều này giúp các em có thể làm đi làm lại một đề nhiều lần trong thời gian tự học, giúp khắc sâu kiến thức” - thầy Nguyễn Xuân Ảnh cho biết.

Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) sẽ tổ chức ôn tập cho đến hết tháng 6. 19 học sinh lớp 12 người dân tộc Cơ Tu được hỗ trợ ôn tập cho đến sát ngày thi. Theo thầy Nguyễn Bá Hảo - Hiệu trưởng nhà trường, học sinh nội trú cùng tham gia ôn tập với các bạn theo lớp đã đăng ký trước đó. Ngoài ra, ban giám hiệu đã phân công giáo viên theo dõi, hướng dẫn cho học sinh ôn tập trái buổi và giờ tự học buổi tối tại ký túc xá. Trước đó, ngay khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, nhà trường đã phân công giáo viên dạy kèm vào các buổi tối trong tuần cho các em.

Trong một tháng còn lại, Trường THPT Phạm Phú Thứ dành khoảng 1/3 thời gian để giúp học sinh hệ thống, củng cố lại kiến thức. Tiếp đó, giáo viên sẽ hướng dẫn  học sinh phương pháp làm bài, tiếp xúc với một số dạng đề cụ thể.

Em Hồ Thị Hồng - học sinh lớp 12/2, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nam Trà My - tâm sự: “Ở lại trường cho đến sát ngày thi tốt nghiệp THPT, em và các bạn sẽ tập trung cao độ cho việc ôn tập, hệ thống, củng cố lại kiến thức. Trong thời gian tự học, chúng em được gần thầy, cô giáo nên có thể hỏi thêm. Nhìn các bạn tự giác học tập, mình có muốn chây lười cũng ngại nên càng phải nỗ lực hơn. Ngoài giờ học, còn có các hoạt động khác như tập thể dục buổi sáng, chơi các môn thể thao tự do nên chúng em cũng đỡ căng thẳng”. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...