A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lớp học miễn phí ở nhà văn hóa: Gieo đam mê cho học sinh nghèo

Ba năm qua, những ngày cuối tuần không kể mưa hay nắng, hai nữ sinh Phan Thị Phương và Nguyễn Thị Thúy, sinh viên năm ba Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam vẫn miệt mài lên lớp giảng dạy, truyền kiến thức.

Điều đáng quý ở chỗ học trò là những em nghèo ở thôn Đoài, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội.

Trưởng thành từ lớp học nhà văn hóa

Nguyễn Thị Thúy sinh ra trong gia đình khó khăn, một mình mẹ tần tảo nuôi 10 miệng ăn. Sớm thấy được cảnh vất vả của mẹ, Thúy cố gắng học hành với ước mơ trở thành bác sĩ. Lên cấp ba, khi bạn bè được bố mẹ tìm thầy cô giỏi để ôn luyện  riêng Thúy chỉ có bộ sách giáo khoa và ít tài liệu tham khảo được anh chị khóa trước cho.

Thúy nhớ lại: “Mỗi lần học em lại nghĩ, liệu tự học có thể đỗ đại học không? Đang hoang mang thì biết tin nhà văn hóa thôn Đoài có lớp học thêm miễn phí cho học sinh lớp 12. Lúc đến, thấy các anh chị sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội giảng bài say sưa, em đã xin vào lớp học dẫu lúc đó mới học lớp 11”.

Vốn ham học nên Thúy luôn cố gắng làm hết những bài tập trong sách giao khoa, phần nào không hiểu em ghi lại cuối tuần nhờ anh chị giảng bài thêm. Hai năm gắn bó với lớp học nhà văn hóa cộng thêm sự nỗ lực của bản thân, Nguyễn Thị Thúy trở thành tân sinh viên của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam.

Sau khi ổn định cuộc sống tại môi trường mới, Thúy tâm sự với mẹ cuối tuần sẽ dành toàn bộ thời gian sau khi ổn định tại trường mới để dạy học tại nhà văn hóa. Thấm thoát, ba năm đồng hành cùng lớp, Thúy nắm khá rõ năng lực của mỗi thành viên. Vì thế, song song với dạy học, nữ sinh tổ chức một số hoạt động hướng nghiệp nhằm trao đổi, định hướng nghề nghiệp. Đối với mỗi giai đoạn học Thúy có phương pháp tiếp cận khác nhau, từ đó định hướng mục tiêu cho các em rõ ràng hơn.

Thúy chia sẻ: “Năm nay sẽ vất vả hơn, đặc biệt là giai đoạn ôn nước rút. Bởi hai năm qua thời gian học trực tuyến dài, trong quá trình học nhiều em không tập trung, dẫn đến hổng kiến thức, do vậy, mỗi khi chữa bài tập em luôn nhắc lại kiến thức lý thuyết. Bên cạnh đó, quá trình làm đề còn nhiều câu sai những lúc như vậy, em thường hỏi han về việc học trên lớp, quá trình học ở nhà và những dự định tương lai nhằm giúp giảm áp lực”.

Trong quá trình dạy Thúy hướng dẫn các em chia nhỏ khối lượng kiến thức, học đến đâu chắc đến đó. Qua mỗi phần Thúy sẽ ra bài tập để kiểm tra, đánh giá năng lực. “Như vậy sẽ giúp các em nắm chắc mỗi phần học, không bị quên kiến thức lý thuyết”, Thúy nói.

 Lớp học nhà văn hóa thôn Đoài đến nay đã thành lập được hơn 5 năm

Cùng bạn gieo đam mê cho học sinh nghèo

Phan Thị Phương biết đến lớp học nhà văn hóa thôn Đoài từ năm nhất đại học thông qua Thúy. Phương kể lại: “Hồi đầu mới vào ký túc xá thấy Thúy ngày học trên giảng đường, đêm về miệt mài đến 1 giờ sáng, hỏi ra mới biết bạn đang nghiên cứu tài liệu để dạy học”.

Khi thân thiết hơn, Phương biết để đến với giảng đường đại học, Thúy được các anh chị ở lớp học nhà văn hóa thôn Đoài kèm cặp, hướng dẫn rất nhiều. Do vậy, cuối tuần Thúy muốn quay về để hỗ trợ các chị đứng lớp.

Thế rồi, trong một lần về quê Thúy chơi, thấy được sự hăng say của Thúy khi giảng bài, Phương nảy ra ý tưởng hỗ trợ học sinh nơi đây. Mới đứng lớp, Phương dạy cho các em học sinh lớp 9. Phương kể: “Vì không có nghiệp vụ sư phạm nên em phải nghiên cứu, lập kế hoạch giảng dạy từng giai đoạn, lâu dần cũng bắt nhịp được”.

Là một trong những người đầu tiên tham gia vận động học sinh đến nhà văn hóa học, bác sĩ Phạm Quang Khải, Bệnh viện E (TP Hà Nội) cho biết: “Mùa hè năm thứ 4, sau khi nghe thầy giáo Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ về mong muốn mở một lớp học miễn phí ở thôn Đoài (quê thầy) nhằm khuyến khích phong trào học trong dân làng nhưng thiếu người dạy. Thấy việc làm ý nghĩa, tôi đã cùng thầy tham gia mở lớp dạy”.

Giai đoạn đầu, để học sinh đến lớp, bác sĩ Khải cùng bác cao tuổi trong thôn và cô giáo dạy Ngữ văn đi vận động từng nhà cho con đi học. Buổi đầu tiên có 6 học sinh đến học, vài tháng sau, khi tiếng lành đồn xa, số học sinh ngày càng nhiều.

Bác sĩ Khải nói: “Khi mới thành lập, chúng tôi chỉ dạy cho học sinh lớp 12 ôn thi đại học. Nhưng sau thời gian dạy hiệu quả học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 xin vào học, chúng tôi cũng đồng ý và sắp xếp lịch dạy. Hiện, các sinh viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đang duy trì lớp học với quy mô gần 30 học sinh từ lớp 9 đến lớp 12”.

Hiện là sinh viên ngành Y khoa, ngoài giờ học trên giảng đường, trực ở bệnh viện, hễ có nhắn tin, điện thoại của các em nhỏ ở lớp hỏi bài, Thúy lại tranh thủ giờ nghỉ gọi điện giảng. Thúy chia sẻ: “Nhờ gắn bó với lớp học, em có cơ hội thay đổi bản thân, biết bao dung, kiễn nhẫn hơn”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...