Khơi dậy niềm tự hào dân tộc thông qua môn Lịch sử
Lịch sử là môn học có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc mà còn hình thành thái độ sống cho mỗi học sinh.
Khơi dậy niềm tự hào dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Câu nói của Người đã khẳng định việc dạy và học lịch sử không chỉ để cho người dân Việt Nam biết rõ cội nguồn của mình, mà còn góp phần bồi dưỡng, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự tôn và niềm tự hào dân tộc.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy một bộ phận giới trẻ đang cảm thấy môn Lịch sử là môn học khô khan, nặng sự kiện, khó học thuộc…nên nhiều bạn chỉ học một cách thụ động, đối phó “thi thì học, không thi không học”. Vậy, sẽ ra sao nếu chúng ta không ý thức đủ về cội nguồn, về Lịch sử hào hùng của dân tộc mình? Do đó, học Lịch sử là điều rất cần thiết, Lịch sử giúp hình thành thái độ trân trọng, sự biết ơn, tri ân đối với các bậc “khai quốc công thần”, các anh hùng, liệt sĩ và các thế hệ đi trước. Am hiểu lịch sử sẽ khiến cho mỗi học sinh thêm yêu và tự hào về truyền thống của dân tộc và lịch sử còn là môn học giúp các em trang bị kiến thức để vững vàng bước vào đời.
Trao đổi với báo GD&TĐ, cô giáo Hoàng Thị Kiên, giáo viên môn Lịch sử, trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc chia sẻ: Bộ môn Lịch sử có đặc thù khác hơn so với các môn học trong chương trình chính khoá. Học Lịch sử không chỉ để hiểu về truyền thống quý báu của dân tộc mà còn bồi dưỡng, vun đắp tình yêu với quê hương, nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân với Tổ quốc. Lịch sử không chỉ là quá khứ mà còn là một phần tất yếu của hiện tại; không có quá khứ cũng sẽ không có tương lai, không biết về Lịch sử, không học Lịch sử sẽ không giải thích được bản chất của các hiện tượng, sự việc đang tồn tại, vận động và biến đổi không ngừng.
Để học sinh có niềm yêu thích, đam mê học Lịch sử, vai trò đầu tiên, quan trọng chính là người giáo viên phải truyền được sự yêu thích, đam mê học sử cho các em học sinh thông qua việc thiết kế, tổ chức các tiết học nội khoá và ngoại khoá.
Giáo viên cần phải chắt lọc các kiến thức cần thiết, khắc sâu bằng hệ thống kiến thức, kiến thức thực tiễn có liên quan; cần giải toả cho các em áp lực thi cử, không phải học để thi mà cho các em thấy được học bởi vì yêu thích, để hiểu thêm về Lịch sử của dân tộc, để hiểu biết xã hội của mình; nhiều bài học Lịch sử có tính giá trị thực tiễn rất cao thông qua sự hướng dẫn của giáo viên. Từ đó, Lịch sử không chỉ đơn thuần là một môn học mà trở nên hấp dẫn, gần gũi hơn, hơn hết đó là sự yêu thích lớn, để mỗi học sinh được nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, ý chí tự tôn và niềm tự hào dân tộc ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Hình thành thái độ sống tích cực cho mỗi học sinh
Không lựa chọn theo đuổi khối tự nhiên, nhiều học sinh tìm đến với các môn học khối xã hội như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Đối với Triệu Thị Giang, học sinh lớp 12A11K62 trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Lịch sử được Giang đặc biệt yêu thích và dành nhiều thời gian, tâm huyết cho môn học này.
Chia sẻ về cơ duyên đến với môn Lịch sử, Giang cho biết, ngay từ khi còn học cấp 2 em đã được cô giáo dạy Lịch sử truyền cảm hứng thông qua các bài giảng, rồi từ đó em lại càng muốn tìm hiểu và dành nhiều thời gian để đọc sách, tài liệu, xem phim về lịch sử. Năm học lớp 9, Giang được cô giáo bộ môn lựa chọn đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt giải Nhì. Kết quả này là khởi đầu và cũng là động lực để em tiếp tục chinh phục môn học hấp dẫn này.
Càng tìm hiểu càng thấy cuốn hút, rồi sở thích ấy cứ lớn dần thành niềm đam mê, suốt những năm học phổ thông trung học, Giang lại có cơ hội được bồi dưỡng, trau dồi kiến thức về môn lịch sử, đã tham gia và đạt giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia môn Lịch sử.
Chia sẻ về bí quyết để học tốt môn Lịch sử, Giang cho biết: Đầu tiên phải có niềm yêu thích và đam mê với môn học, cần có sự kiên trì, cố gắng đọc nhiều sách báo, tài liệu xem phim về lịch sử. Đối với riêng em, em không học thuộc lòng mà học theo sơ đồ tư duy, phác thảo các sự kiện và nội dung chính. Trong quá trình làm bài thi môn lịch sử cần có phần trình bày logic, khoa học gồm mở bài, thân bài và kết bài. Quan trọng nhất là nhớ chính xác các sự kiện và nêu đúng tính chất của vấn đề. Đồng thời, trong mỗi bài thi viết về lịch sử em cũng bày tỏ thêm các suy nghĩ, cảm xúc của mình đối với sự kiện.
Đặc biệt, học Lịch sử còn giúp em có thái độ sống tích cực, biết yêu thương, trân trọng quá khứ, phát huy truyền thống yêu nước bằng chính sự cố gắng, nỗ lực, chăm chỉ trong học tập. Đồng thời, lịch sử còn góp phần thôi thúc mỗi thế hệ học sinh nỗ lực phấn đấu vươn lên sao cho xứng đáng với sự mong đợi, kỳ vọng của thế hệ cha ông.
Như vậy, có thể nói Lịch sử không chỉ là quá khứ mà còn là nơi chứa đựng giá trị văn hóa, là nguồn dữ liệu quý báu mà cha ông đã để lại, đây cũng là hồn cốt của dân tộc cần được phát huy, trao truyền qua các thế hệ. Với ý nghĩa đặc biệt đó, thế hệ trẻ hôm nay cần hiểu rõ giá trị các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, từ đó các em sẽ tự hào với truyền thống, có ý thức trách nhiệm với tương lai và tiền đồ của đất nước.