Bạo lực học đường: Nỗi trăn trở của xã hội
Bức xúc về tình trạng bạo lực học đường vẫn tái diễn, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất cần có giải pháp chấm dứt tình trạng này; trong đó cần đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường.
“Bắt mạch” nguyên nhân
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, cũng cần nhìn thẳng vào sự thật rằng, một số phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến giáo dục kỹ năng sống của con em mình. Đó không chỉ đơn thuần hướng dẫn học sinh thực hành hàng ngày, mà cả việc ứng xử với thầy cô, bạn bè, cộng đồng. Một số em con nhà khá giả, có điều kiện thì càng được phụ huynh o bế. Thực ra, cha mẹ rất quan tâm và mong muốn đem đến cho con điều kiện tốt nhất, nhưng lại vô tình tước đi nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng sống của con. Vì thế, kỹ năng ứng xử của các em với cộng đồng hơi kém.
Những ngày qua, dư luận không khỏi bức xúc về vụ bạo lực học đường ở Trường quốc tế American Academy (TP Hồ Chí Minh). Trao đổi với báo chí, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn ĐBQH Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – nhìn nhận, bạo lực học đường không phải là vấn đề mới, dư luận đã phản ánh rất nhiều. Song vụ việc tại TP. Hồ Chí Minh khiến dư luận bức xúc, bởi nó xảy ra trong chính môi trường quốc tế danh giá, với mức học phí “khủng” mà nhiều người nghĩ rằng sẽ không xảy ra sự việc như vậy.
Theo đại biểu, bạo lực học đường có thể diễn ra từ những trường vùng sâu, vùng xa đến trường quốc tế ở các thành phố lớn. Dù không mới, nhưng đây vẫn là trăn trở của xã hội. Thực tế, ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung đã và đang nỗ lực để giảm tình trạng này.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó có nguyên nhân từ tác động của đại dịch Covid-19. “Đại dịch ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của con người, ở tất cả các lứa tuổi. Học sinh là 1 trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, khi các em phải học trực tuyến kéo dài, không được giao lưu với bạn bè, thầy cô; từ đó kỹ năng sống cũng bị ảnh hưởng” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhìn nhận.
Nâng cao chất lượng tư vấn học đường
Nữ đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, điều kiện xã hội phát triển, nên việc học sinh sở hữu một chiếc điện thoại thông minh rất dễ dàng. Ngay từ khi còn rất nhỏ, nhiều em đã thành tạo với việc tạo ra các tài khoản mạng xã hội cá nhân và đăng tải thông tin trên đó.
Đây cũng là nguyên nhân khiến xã hội có cảm giác: ngày càng có nhiều vụ bạo lực học đường và những vấn đề tiêu cực khác. Điều này bao gồm cả mặt lợi và hại. Điểm tích cực là, ngày càng có nhiều vụ việc được phanh phui, có sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng.
Nhưng mặt khác, các video, hình ảnh bạo lực học đường xuất hiện tràn lan trên mạng cũng ảnh hưởng xấu đến xu hướng phát triển. Vô hình trung đã tiêm nhiễm vào nhiều học sinh những cách ứng xử lệch lạc.
Chưa kể, với các nạn nhân, nhiều vụ bạo lực học đường được phát trực tiếp trên mạng, thu hút hàng nghìn, thậm chí hàng triệu lượt xem, thu về những ý kiến trái chiều. Điều này, có thể khiến nạn nhân trong các vụ việc càng bị tổn thương sâu sắc hơn, hoảng loạn về mặt tinh thần.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, để hạn chế vấn đề bạo lực học đường, rất cần đẩy mạnh truyền thông, kiểm soát tốt hơn nữa các nội dung đăng tải trên mạng xã hội; đặc biệt là cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái.
Đại biểu Hà Ánh Phượng – Đoàn ĐBQH Phú Thọ viện dẫn: Theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ mỗi 40 giây có 1 người tự tử. Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai đối với nhóm người từ 15 đến 29 tuổi - chỉ sau tai nạn giao thông.
Tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều. “Nhưng thông tin đau lòng là, ngay cả với trường công, trường tư hay trường quốc tế cũng xảy ra những hậu quả đáng buồn về bạo lực học đường. Cùng với đó là vấn nạn bắt nạt, bạo lực trên không gian mạng” - Đại biểu Hà Ánh Phượng nêu thực trạng.
Theo đại biểu đoàn Phú Thọ, hiện nay, việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam thuộc quản lý của các bộ, ngành liên quan bao gồm: Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ GD&ĐT.
Đối với Bộ GD&ĐT, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần được đáp ứng thông qua công tác tâm lý học đường trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, học sinh, sinh viên, giáo viên, nhân viên trong nhà trường là người thụ hưởng; thậm chí, một số hoạt động còn hỗ trợ cho phụ huynh.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hà Ánh Phượng, chất lượng hoạt động tư vấn tâm lý học đường chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Hiện, hầu hết các trường đều gặp khó khăn trong việc bố trí cơ sở vật chất, nhân lực chuyên trách, không gian tham vấn tâm lý cho học sinh.
Kinh phí chi cho hoạt động tư vấn còn hạn chế, chính sách hỗ trợ cho giáo viên tư vấn chưa thỏa đáng. Việc triển khai còn nặng về hình thức, mới dừng lại ở việc đáp ứng các quy định như: có biển phòng hoặc các chương trình đào tạo chớp nhoáng để lấy chứng nhận mà thực tiễn chưa thực sự hiệu quả. Về phía học sinh, các em còn ngần ngại khi tiếp cận với phòng tư vấn và không sẵn sàng chia sẻ hoặc tâm sự với những thầy, cô giáo của mình.
Vì vậy, để xây dựng trường học an toàn, trường học chất lượng, trường học hạnh phúc, đại biểu Hà Ánh Phượng cho rằng, các địa phương cần chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên môn, nâng cao năng lực tư vấn cho giáo viên. Đặc biệt, cần có sự phối hợp của phụ huynh.
“Tôi mong muốn, trong thời gian tới sẽ có các chính sách tuyển nhân viên làm công tác tâm lý toàn thời gian và họ là những được được đào tạo bài bản” - đại biểu Hà Ánh Phượng đề xuất.