A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi thay trong đời sống của người Mường tại Quốc Oai

Những năm gần đây, bà con dân tộc Mường tại huyện Quốc Oai càng thêm vui sướng khi trở thành công dân của Thủ đô và đời sống kinh tế, văn hóa được cải thiện rõ rệt.

Bừng sáng một vùng quê

Những ngày cuối năm 2022, tỉnh lộ 446 từ cầu Vai Réo qua xã Đông Xuân (Quốc Oai, Hà Nội) rực rỡ sắc màu của cờ Đảng, cờ Tổ Quốc như hân hoan đón chào mùa xuân đến. Với dân số chỉ vỏn vẹn hơn 5.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, xã Đông Xuân vốn thuộc về huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Mãi đến năm 2008, vùng đất này mới sáp nhập thành một phần của thành phố Hà Nội và những người dân nơi đây trở thành công dân Thủ Đô.

Lễ hội của đồng báo Mường tại Quốc Oai

Lễ hội của đồng báo Mường tại Quốc Oai

Sự thay đổi đó mang lại những khởi sắc to lớn cho người dân. Hệ thống cơ sở vật chất được thành phố đầu tư đồng bộ, kéo theo các giá trị văn hóa, đời sống mỗi lúc một nâng cao. Tại Đông Xuân, sau hơn 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40% xuống chỉ còn hơn 2%. Từ địa phương dựa chủ yếu vào nông lâm nghiệp, nay trong cơ cấu kinh tế xã, ngành này chỉ còn chiếm 50%. Nhà nhà có điện, có xe máy, ti vi. Trẻ em có thêm những lớp học có mái xi măng, có đèn, có quạt.

Mặt khác, hàng năm, UBND huyện Quốc Oai tổ chức nhiều hội thi, sự kiện văn hóa như: Hội thi nét đẹp bản Mường, hội thi thể thao dân tộc thiểu số; ngày hội văn hóa thể thao dân tộc thiểu số; biểu diễn cồng chiêng, dân ca… thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Ông Bùi Văn Sâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân phải thốt lên rằng: “Cuộc sống của người dân Đông Xuân chưa bao giờ tốt đẹp như lúc này!”.

Bảo tồn nét đẹp văn hóa Mường

Không chỉ chuyển biến về mặt vật chất, các giá trị tinh thần - văn hóa của đồng bào người Mường tại Quốc Oai cũng được bảo tồn, phát triển. Sau khi đưa đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn huyện Quốc Oai (Hà Nội) vào thực tiễn, đời sống tinh thần của đồng bào trên địa bàn huyện đã chuyển biến đáng kể.

Đổi thay trong đời sống của người Mường tại Quốc Oai

Qua triển khai đề án, huyện đã mở được 6 lớp tập huấn truyền dạy cồng chiêng trong đồng bào dân tộc thiểu số, thu hút trên 300 lượt học viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau tham gia. Hai xã Đông Xuân và Phú Mãn thành lập được các câu lạc bộ cồng chiêng và dân ca.

Đặc biệt, thôn Lập Thành, thôn Cửa Khâu (xã Đông Xuân) và thôn Đồng Vỡ (xã Phú Mãn) thành lập được Câu lạc bộ cồng chiêng trẻ với các thành viên trong độ tuổi học sinh phổ thông.

Được biết, nhằm tạo điều kiện cho công tác bảo tồn, phát huy văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Quốc Oai cũng trang bị 18 bộ cồng chiêng cho hai xã (mỗi thôn 1 bộ), trang bị trang phục truyền thống cho hai đội cồng chiêng, dân ca nòng cốt của hai xã. Đồng thời, địa phương này cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để người dân tộc Mường giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa đến đông đảo công chúng.

Ông Bùi Văn Sâm (Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân)

Ông Bùi Văn Sâm (Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân, bên phải) nói về những đổi thay trong đời sống người dân địa phương

Ông Bùi Văn Sâm (Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân) hồ hởi cho hay: "Hằng năm, Ủy ban Nhân dân huyện Quốc Oai tổ chức nhiều hội thi, sự kiện văn hóa như: Hội thi nét đẹp bản Mường, hội thi thể thao dân tộc thiểu số; Ngày hội văn hóa thể thao dân tộc thiểu số; Biểu diễn cồng chiêng, dân ca… thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc".

Cùng với đó, chính quyền các xã có đồng bào dân tộc cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống như: Tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hằng năm; Hội Xuân với nhiều trò chơi dân gian như ném còn, bắn nỏ…; Lồng ghép hoạt động văn hóa dân gian trong các ngày hội, đại hội thể dục thể thao.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết