A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ "nhịp đập" bình yên cho phố cổ

Ngày 10/10/1954, trên khắp các con đường Hà Nội, người dân hân hoan, chào đón đoàn quân giải phóng tiến vào Thủ đô. Những tuyến đường huyết mạch của thành phố đã đi vào lịch sử ghi dấu từng bước chân và hành trình tiếp quản Thủ đô của quân giải phóng. Tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông xưa, những chiến sỹ Công an quận Hoàn Kiếm ngày nay “bám” đường, bám dân, giữ gìn an ninh trật tự, giữ bình yên cho phố cổ, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô Anh hùng, thành phố vì hoà bình.

Về nhận nhiệm vụ ở phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chưa lâu, nhưng người dân phố cổ đã quen với hình ảnh chỉ huy trẻ nhất của Công an thành phố, Thượng uý Ngô Quang Phúc, Trưởng Công an phường Hàng Bạc. Người cán bộ trẻ này thường đi bộ xuống các tổ dân phố, bám địa bàn, nắm bắt thông tin, qua đó kịp thời giải quyết những mâu thuẫn phát sinh, giữ gìn mối đoàn kết hàng phố trong quần chúng Nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự.

Từ mâu thuẫn nhỏ như tranh nhau chỗ bán hàng vỉa hè, hay chuyện vợ chồng đánh cãi nhau vì sinh hoạt bức bối trong căn nhà vẻn vẹn vài thước vuông. Do nắm rõ thông tin, gốc tích nên Thượng uý Ngô Quang Phúc giải quyết sự vụ nào dù lớn hay bé cũng thấu tình đạt lý, giữ gìn nét ứng xử văn hoá phố cổ nhất là khi nhịp sống trở lại bình thường sau đại dịch COVID - 19.

Dù là cán bộ có tuổi đời rất trẻ nhưng Thượng uý Ngô Quang Phúc luôn chín chắn trong từng tác phong, cử chỉ hàng ngày khi tiếp xúc với Nhân dân nên được nhiều người cảm mến. Người dân phố Hàng Bạc, Đinh Liệt, Hàng Bè… khi tiếp xúc đều ngợi khen vị chỉ huy Công an phường trẻ tuổi.

Các chiến sỹ Công an quận Hoàn Kiếm tuần tra bảo đảm an ninh trật tự không gian đi bộ và khu vực phụ cận
Các chiến sỹ Công an quận Hoàn Kiếm tuần tra bảo đảm an ninh trật tự không gian đi bộ và khu vực phụ cận

Trước những lời khen để xin tạo điều kiện nhưng Thượng uý Phúc khéo léo đối đáp: “Đẹp trai hiền lành nhưng các chị, các cô cứ phải chấp hành không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cho con mới được”.

Theo Thượng uý Phúc, nếu linh động cho người này thì người khác cũng lấn ra, một nhà lấn được thì cả phố sẽ lấn nên phải nghiêm khắc nhưng có lý, có tình. Từ đó, người dân tự giác chấp hành chứ không phải theo kiểu đối phó, khi có bóng dáng lực lượng chức năng thì kéo vào, lúc đi thì lại bày ra.

Giống như phường Hàng Bạc, địa bàn phường Hàng Buồm cũng loanh quanh vài con phố hẹp và chủ yếu là những ngôi nhà ống nhỏ trong ngõ sâu hun hút. Diện tích sinh hoạt chật hẹp, một số nhà có vài chục hộ dân sinh sống mà hộ dân nào cũng coi vỉa hè là thiên đường làm kinh tế, nên có khi chỉ cần kê xích chiếc ghế sang hàng xóm cũng thành mâu thuẫn truyền đời.

Để giải quyết những vấn đền nhỏ nhặt này, Đại uý Phạm Văn Bá, Phó Trưởng Công an phường Hàng Buồm đã nảy “sáng kiến” khuyên bảo 2 nhà hàng xóm cùng bán nước giải khát ngồi cạnh nhau mua 2 màu bàn ghế để phân biệt và biết nhường nhịn nhau cùng giữ hình ảnh đẹp với du khách.

Cũng nhờ cách làm này, hình ảnh phố cổ thêm sinh động. Mỗi ngày cuối tuần khi bước trong không gian sinh hoạt phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến… du khách rất vui mắt bởi dãy bàn ghế xanh, đỏ, vàng xen kẽ như bức tranh lập thể của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái.

Chia sẻ về công việc vất vả nhọc nhằn như nuôi “con mọn”, Đại uý Phạm Văn Bá nói vui, có được bản lĩnh mềm mỏng luôn thích ứng mọi tình huống là nhờ được rèn luyện đi bộ quanh bờ hồ mỗi ngày khi còn làm Cảnh sát 113 quận Hoàn Kiếm. Nhân câu chuyện này, một điều ít ai ngờ, chính Đại uý Phạm Văn Bá là người khuyên can một đối tượng bơi ra tháp Rùa làm động tác “nàng tiên cá” chỉ để nổi tiếng trước đây. Bức ảnh nổi tiếng này đăng tải trên báo chí và lan toả trên mạng xã hội cũng khiến Đại uý Phạm Văn Bá trở nên nổi tiếng, khiến ai buôn bán trên vỉa hè cũng biết mặt và muốn làm thân.

Đã là công việc thì phải thực hiện nghiêm, khi nghe phản ánh quán trà chanh số 3 Trần Nhật Duật tập trung đông người vi phạm quy định phòng dịch, chính người chỉ huy này đã có mặt yêu cầu lập biên bản xử phạt tới 2 lần với mức phạt lên đến 15 triệu đồng/1 lần dù nhiều người trong số nhà thuộc diện thân quen.

Ngoài khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố ẩm thực Tống Duy Tân, phố chợ đêm Hàng Đào - Hàng Giấy trở thành không gian đi bộ cuối tuần khu vực Ô Quan Chưởng cửa ô duy nhất còn sót lại của Hà Nội cũng được xây dựng thành tuyến phố đi bộ. Công việc “con mọn” như đè nặng lên vai những người làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự từ việc ổn định hành quán, bố trí nơi trông giữ xe đến việc tuần tra hàng ngày…

Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý đối tượng lạng lách đua xe khu vực phố cổ
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý đối tượng lạng lách đua xe khu vực phố cổ

Theo lãnh đạo Công an quận Hoàn Kiếm, để bảo đảm an ninh trật tự không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Công an quận đã triển khai thêm nhiệm vụ phối hợp cùng Tổ công tác 141 hoá trang và công khai ngăn chặn các biểu hiện càn quấy ngay trên đường phố. Đây được coi như “nhiệm vụ kép” khi phải tập trung nhân lực, vật lực cắm chốt và tuần tra nhưng công an 18 phường trên địa bàn đều được quán triệt sẵn sàng cán bộ để tiếp nhận vụ việc bàn giao từ các tổ công tác.

Tính đến nay, các tổ công tác 141 triển khai phương thức bí mật hoá trang, sử dụng phương tiện cá nhân chủ động tuần tra trên khu vực quận Hoàn Kiếm đã đã phát hiện chặn giữ hàng trăm đối tượng và phương tiện có hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Kịp thời ngăn chặn, giải tán nhiều đám đông tập trung không cần thiết; điều tra bắt giữ nhiều đối tượng trộm cắp, cướp giật tài sản, ma tuý, bóng cười và nhiều xe gian…

Cùng với việc đưa các không gian đi bộ hoạt động trở lại, đưa nhịp sống phố cổ trở về bình thường, những bước chân lặng thầm của cán bộ, chiến sỹ Công an quận Hoàn Kiếm đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn an ninh trật tự vừa thực hiện ứng xử văn minh, thanh lịch mỗi ngày, góp phần phát triển kinh tế, du lịch Thủ đô.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...