Tiếp viên hàng không Việt Nam nếu bị phát hiện rửa tiền ở nước ngoài sẽ bị xử lý thế nào?
Từ vụ việc 9 tiếp viên Vietnam Airlines bị nhà chức trách của Úc xét hỏi vì mang nhiều tiền mặt, nhiều người quan tâm đặt ra câu hỏi, nếu tiếp viên hàng không của các hãng bay Việt có hành vi rửa tiền ở nước ngoài, thì sẽ xử lý như thế nào?
Mới đây, hãng tin 7 News của Úc đăng tải việc 9 tiếp viên của một hãng hàng không bị bắt giữ trong chiến dịch truy quét được phối hợp thực hiện bởi lực lượng biên giới và cảnh sát Úc. Nhóm tiếp viên bị cáo buộc rửa tiền. Số tiền 60.000 đô la Úc đã chia nhỏ và cất giấu trong hành lý.
Hãng tin này cũng đăng tải hình ảnh được cho là tang vật của vụ việc gồm tiền và nhiều hộ chiếu mang quốc huy Việt Nam đang bị lực lượng chức năng thu giữ.
Hộ chiếu mang quốc huy Việt Nam được cho là liên quan đến vụ việc trong video của 7 News - Ảnh cắt từ clip của 7 News
Sáng 18/6, Dân Trí dẫn lời ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho hay, ngay khi tiếp nhận thông tin, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Vietnam Airlines báo cáo, muộn nhất đầu tuần tới hãng phải gửi văn bản.
"Bước đầu xác minh, sự việc diễn ra từ ngày 23/5 tại sân bay Melbourne (Úc). Tổ bay của Vietnam Airlines bị lực lượng chức năng thẩm vấn, trong đó 8 người sau khi thẩm vấn nhanh đã lên chuyến bay về Việt Nam, một người bị giữ lại đến 18h cùng ngày và về nước trên chuyến bay sáng hôm sau" - ông Thắng thông tin.
Cũng theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, hiện tại Cục chưa nhận được thông báo nào từ phía nhà chức trách Úc.
"Tôi cho rằng đây là hoạt động kiểm tra, kiểm soát bình thường qua đường hàng không. Khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ, cơ quan chức năng sẽ thực hiện thẩm vấn hành khách, thành viên tổ bay… Nếu có vấn đề gì nghiêm trọng thì phía nhà chức trách Úc đã gửi thông báo tới cơ quan chức năng Việt Nam" - ông Thắng đánh giá.
Chiều tối cùng ngày, Người lao động đưa tin, Vietnam Airlines đã có báo cáo gửi Cục Hàng không Việt Nam về việc nhà chức trách Úc đã kiểm tra tổ tiếp viên khi chuẩn bị thực hiện chuyến bay VN780 Melbourne - TP.HCM ngày 23/5.
Theo đó, sau khi kiểm tra báo cáo các chuyến bay trong giai đoạn tháng 5/2022, Vietnam Airlines ghi nhận việc nhà chức trách Úc đã thực hiện kiểm tra đối với tổ tiếp viên thực hiện nhiệm vụ trên chuyến bay VN780 hành trình Melbourne đi TP.HCM ngày 23/5, gồm 9 tiếp viên.
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, đây là quy trình kiểm tra ngẫu nhiên đối với hành khách, tổ bay khi xuất cảnh của nhà chức trách Úc. Sau khi kiểm tra, nhà chức trách Úc đã trả hộ chiếu, cho phép các tiếp viên ra về trong ngày và không đưa ra bất kỳ cáo buộc nào.
Đến thời điểm này Vietam Airlines chưa nhận được thêm thông báo nào từ nhà chức trách Úc. "Vietnam Airlines đang tiếp tục theo dõi thông tin vụ việc"- đại diện Vietam Airlines cho biết.
Sau sự việc này, nhiều người quan tâm đặt ra câu hỏi, nếu tiếp viên hàng không của các hãng bay Việt có hành vi rửa tiền ở nước ngoài, thì sẽ xử lý như thế nào?
Báo Infonet dẫn lời luật sư Hoàng Tùng - Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội), cho hay trong trường hợp hành vi của tiếp viên cấu thành Tội rửa tiền theo quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Tuy đây là hành vi phạm tội xảy ra ở ngoài lãnh thổ nước ta nhưng theo quy định tại Điều 6 BLHS 2015, công dân Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà BLHS quy định là tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này.
Luật sư Hoàng Tùng. Ảnh Internet
Trong trường hợp đó, các tiếp viên hàng không có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 324 BLHS 2015 về Tội rửa tiền. Mức phạt đối với tội danh này có thể là phạt tù có thời hạn từ 1 năm đến 15 năm, nếu ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu trong luật của nước nơi phát hiện hành rửa tiền, cũng có quy định về Tội rửa tiền và có hình phạt là tù có thời hạn thì các tiếp viên có thể được dẫn độ. Dẫn độ tội phạm là hành vi tương trợ pháp lý, được thỏa thuận giữa các quốc gia hữu quan dựa trên cơ sở các quy định của luật quốc tế - đây là một trong số những nội dung của hợp tác quốc tế chống tội phạm.
Dẫn độ tội phạm chỉ được thực hiện nếu theo luật của hai quốc gia hữu quan đều khẳng định hành vi của cá nhân bị dẫn độ là hành vi tội phạm hình sự và mức hình phạt cần là hình thức tù giam, với thời hạn được xác định.
Nếu rơi vào trường hợp là tội phạm theo pháp luật Việt Nam nhưng nước phát hiện hành vi không quy định đó là hành vi phạm tội và bị phạt tù có thời hạn thì sẽ không được dẫn độ mà xử lý theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015", luật sư Hoàng Tùng nêu quan điểm.