A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy tiêu thụ xăng sinh học E5: Để người dân, doanh nghiệp thấy rõ lợi ích

Để hướng tới mục tiêu phổ cập loại xăng sinh học, cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành các cơ chế hỗ trợ giảm giá, chiết khấu…

Sử dụng xăng E5 vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người sử dụng, vừa mang lại lợi ích cho môi trường.

Sử dụng xăng E5 vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người sử dụng, vừa mang lại lợi ích cho môi trường.

Để hướng tới mục tiêu phổ cập loại xăng sinh học, cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành các cơ chế hỗ trợ giảm giá, chiết khấu… nhằm khuyến khích tiêu dùng và bảo đảm lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu…

Vẫn kén người dùng

Ban đầu còn e ngại khi Nhà nước chủ trương thay thế xăng Ron 92 bằng xăng sinh học E5 vào năm 2018, anh Trần Minh Khoa (Đống Đa, Hà Nội, hiện đang là tài xế taxi công nghệ) đã quyết định sử dụng loại xăng mới sau khi tìm hiểu về những ưu điểm như thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, sau vài lần đổ xăng sinh học E5 để trải nghiệm, anh Khoa cảm nhận xe chạy không êm như trước. Vì đó, anh Khoa đã chuyển sang dùng xăng A95, dù giá loại xăng này cao hơn xăng sinh học E5.

Giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu tại Hà Nội chia sẻ, xăng E5 ngày càng giảm tiêu thụ do doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Thời gian qua, thuế bảo vệ môi trường giảm, nhưng không chênh lệch nhiều với xăng A95. Giá xăng sinh học E5 với các loại khác chênh nhau không đáng kể nên chưa khuyến khích được người dân sử dụng.

“Kinh doanh xăng E5 doanh nghiệp phải đầu tư trạm trộn, hệ thống hạ tầng hàng trăm tỷ đồng. Nhưng với mức chiết khấu như hiện nay, doanh nghiệp hầu như không có lãi và chậm thu hồi vốn. Cả người bán và người mua đều thấy chưa hấp dẫn. Vì đó, hầu hết các cửa hàng đều chọn phương án tốt nhất là tạm ngừng. Có đơn vị duy trì bán thì cũng rất nhỏ giọt”, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng chia sẻ.

Báo cáo đánh giá của Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công Thương) cho thấy, dù Chính phủ rất quyết tâm và đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, song, xu hướng sử dụng nhiên liệu này đang giảm dần ở những năm gần đây.

Nguyên nhân, chênh lệch giá giữa xăng sinh học và xăng khoáng truyền thống không đủ hấp dẫn để người tiêu dùng chuyển đổi sử dụng xăng sinh học. Hiện nay, người tiêu dùng còn định kiến dùng xăng sinh học vì cho rằng có thể ảnh hưởng tới động cơ. Đặc biệt là đối với những người dùng xe máy.

Thực tế, việc tuyên truyền sử dụng xăng E5 giúp bảo vệ môi trường chưa hiệu quả. Vì đó, người dân cho rằng, sử dụng xăng E5 có thể gây ảnh hưởng đến động cơ xe, cháy nổ. Một điều quan trọng nữa là chênh lệch giá giữa xăng E5 các loại và xăng Ron 95 không có sự khác biệt lớn, không hấp dẫn người tiêu dùng.

Xăng E5 ngày càng giảm tiêu thụ do doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Thuế bảo vệ môi trường có giảm, nhưng cũng không chênh lệch nhiều với xăng Ron 95. Giá giữa xăng sinh học E5 so với xăng khoáng (lấy từ nhiên liệu hóa thạch) không lớn được xác định là nguyên nhân chính không được người dân ưu tiên sử dụng.

Bên cạnh đó, việc nhập ethanol (nguyên liệu sản xuất xăng E5) từ nước ngoài rẻ hơn so với trong nước. Do đó, doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất ethanol gần như không hiệu quả. Đây là những lý do khiến việc thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng không đạt kết quả như mong muốn.

Tạo những cơ chế, chính sách hấp dẫn

Thống kê từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, hiện cả nước có khoảng 23/30 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bán xăng E5 Ron92; khoảng 80% cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã và đang kinh doanh 2 sản phẩm xăng là xăng sinh học E5 Ron92 và xăng khoáng Ron95/63 tỉnh, thành phố.

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, trong năm 2024 hiệp hội đặt vấn đề với Bộ Công Thương về việc hiện nay phải kinh doanh nhiên liệu sinh học, kinh doanh các loại diezel đạt tiêu chuẩn khí thải mức 5 để đến năm 2050 đưa phát thải nhà kính ròng bằng 0 như cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP 26.

“Nếu muốn kinh doanh hiệu quả mặt hàng xăng sinh học, chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, để người dân nhận thấy nếu chạy xăng E5 là tốt cho môi trường. Về cơ chế kinh tế, cần xây dựng mức giá hấp dẫn để người dân dễ dàng chấp nhận”, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam thông tin.

Qua 6 năm triển khai thực tế cho thấy, doanh nghiệp đã đầu tư các nhà máy sản xuất, pha trộn xăng sinh học và có sản phẩm xăng E5 tốt, tuy nhiên, xăng E5 chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu. Sắp tới, Chính phủ có chiến lược thay thế ô tô chạy xăng bằng ô tô điện theo xu hướng thế giới.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị, Nhà nước cần có nghiên cứu đánh giá toàn diện, nếu cần thiết thì giữ lại bởi chủ trương phát triển xăng sinh học là tốt. Nếu chứng minh chất lượng xăng E5 không ảnh hưởng đến động cơ máy móc, giúp giảm phát thải khí ra môi trường, tiết kiệm chi phí... thì nên có chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy sản phẩm này phục hồi.

Ngày 26/12/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.

Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường, theo dõi, đôn đốc các địa phương, các thương nhân kinh doanh xăng dầu đẩy mạnh kinh doanh xăng nhiên liệu sinh học (E5 Ron92, E100) cung cấp cho thị trường.

Chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo bộ định kỳ 3 tháng/lần về việc triển khai kinh doanh xăng E5 Ron92 để nắm bắt những khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng cơ chế về giá để bảo đảm mức hấp dẫn sử dụng nhiên liệu sinh học E5 Ron92; phối hợp với Vụ Khoa học & Công nghệ kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học.

Đối với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, tham gia đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhiên liệu sinh học, bao gồm ưu đãi về thuế, phí hoặc các hình thức hỗ trợ khác để giảm giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh của nhiên liệu sinh học nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ nhiên liệu sinh học, đặc biệt tại các địa phương, khu vực có tiềm năng tiêu thụ lớn.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để khuyến khích sử dụng xăng sinh học như: Điều hành giá xăng dầu một cách linh hoạt nhằm tạo mức chênh lệch giá giữa giá xăng khoáng và xăng sinh học ở mức hợp lý; tăng cường và đổi mới tuyên truyền, khuyến khích sử dụng xăng sinh học...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...