Tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ trong thanh, kiểm tra tài chính
Để phát huy hiệu quả công tác thanh, kiểm tra tài chính, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đề nghị mỗi cán bộ, công chức Thanh tra Bộ tiếp tục tích cực, hăng say trong thực hiện nhiệm vụ, gặt hái nhiều kết quả tốt hơn nữa trên tất cả các mặt công tác, có bước tiến mạnh mẽ hơn nữa trong 6 tháng cuối năm 2024 cũng như các năm tiếp theo.
Toàn cảnh hội nghị
Sáng ngày 5/7, Thành tra Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường chủ trì hội nghị.
Kiến nghị xử lý tài chính hơn 50.000 tỷ đồng
Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Ngọc Thuỷ - Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Thanh tra Bộ Tài chính) cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Bộ Tài chính đã bám sát các chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, Thanh tra Bộ Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao từ công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý sau thanh tra và quản lý tài khoản tạm giữ; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến công tác tham mưu giúp Bộ trong chỉ đạo, xây dựng thanh tra ngành Tài chính...
Đặc biệt, trong công tác thanh tra, kiểm tra, ngay từ đầu năm 2024, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã quán triệt, thực hiện xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai Quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2024. Đồng thời, bố trí lực lượng, tổ chức triển khai kịp thời các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ và ngành Tài chính.
Thanh tra Bộ Tài chính đã tham mưu Lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; chủ động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra. Cùng với đó, tích cực trao đổi, phối hợp, nắm thông tin từ các cơ quan liên quan; tập trung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung các vấn đề quản lý của ngành Tài chính; áp dụng nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro.
Do có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra và các nhiệm vụ đột xuất được giao nên chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được nâng cao. Các kiến nghị, đề xuất mang tính thiết thực, phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý điều hành tài chính ngân sách của Bộ Tài chính cũng như công tác quản lý tài chính của các đơn vị được thanh tra, kiểm tra.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 31.195 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 380.146 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế; kiểm tra 580 hồ sơ sau thông quan; kiến nghị xử lý về tài chính 50.034 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 1.771 tỷ đồng. Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước trong kỳ là 6.124 tỷ đồng.
Riêng Thanh tra Bộ đã ban hành 15 kết luận thanh tra và 09 thông báo kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính 15.264 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi nhiều cơ chế chính sách tài chính tại các bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị...
Tại Hội nghị, đại diện các phòng thuộc Thanh tra Bộ Tài chính đã tham gia đóng góp ý kiến vào báo cáo chung của đơn vị, làm nổi bật các kết quả đã đạt được trên mặt công tác của Thanh tra Bộ Tài chính cũng như đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm.
Tích cực, hăng say trong thực hiện nhiệm vụ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Phạm Văn Tình đánh giá, 6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều nhiệm vụ nổi bật. Điển hình, Thanh tra Bộ đã kịp thời tổ chức tập huấn triển khai các quy định mới trong lĩnh vực thanh tra; trình Bộ tăng một số tổ chức thanh tra; các kết luận thanh tra được các đơn vị đón nhận, coi đó vừa là kiến nghị vừa là hướng dẫn; công tác phối hợp, tham gia ý kiến với các đơn vị cũng được triển khai hiệu quả...
Kết luận hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường đề nghị tiếp tục rà soát hoàn thiện chức năng nhiệm vụ của các phòng để đảm bảo thực hiện được ngay khi Thanh tra Bộ được phê duyệt chức năng nhiệm vụ mới.
Nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới khối lượng công việc rất nhiều, Chánh Thanh tra đề nghị các cán bộ, công chức tập trung cao độ, triển khai các cuộc thanh tra kiểm tra theo kế hoạch, nâng cao chất lượng các cuộc thanh kiểm tra.
Liên quan đến công tác soạn thảo văn bản, Chánh Thanh tra cho biết, hàng ngày Thanh tra Bộ xử lý trung bình khoảng 1500 văn bản. Đây là số lượng rất lớn, do đó, Lãnh đạo Thanh tra Bộ chỉ đạo các cán bộ, công chức nâng cao chất lượng, chặt chẽ ngay từ khâu soạn thảo đầu tiên đến các khâu tiếp theo để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Đặc biệt, cần tập trung hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra mới và nghị định về thanh tra chuyên ngành để đảm bảo triển khai thống nhất, đồng bộ.
"Các cán bộ, công chức của Thanh tra Bộ cần tiếp tục tích cực, hăng say trong thực hiện nhiệm vụ để có nhiều kết quả tốt hơn nữa trên tất cả các mặt công tác từ thanh tra, kiểm tra; xử lý sau thanh tra, quản lý tài khoản tạm giữ; giải quyết khiếu nại, tố cáo đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Từ đó có bước tiến mạnh mẽ hơn nữa trong 6 tháng cuối năm 2024 cũng như các năm tiếp theo", Chánh Thanh tra Trần Huy Trường chỉ đạo.