A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình lần thứ IV

Ban Tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình lần thứ IV, năm 2024 vừa tổ chức hội nghị triển khai công tác chuẩn bị Đại hội.

Đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Ninh Bình sống tập trung trên địa bàn huyện Nho Quan (với trên 29.000 người), thôn Khánh Ninh, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp (khoảng 700 người), còn lại rải rác ở các huyện, thành phố với số lượng ít.

Theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc tại Công văn số 1302/UBDT-DTTS ngày 27/7/2023, tỉnh Ninh Bình chỉ có 01 huyện (đơn vị hành chính cấp huyện có từ 5000 người dân tộc thiểu số trở lên sinh sống thành cộng đồng tại địa bàn) đủ điều kiện tổ chức Đại hội cấp huyện. Do đó, tỉnh không tổ chức Đại hội cấp huyện mà tổ chức Đại hội cấp tỉnh (một cấp), địa điểm tổ chức Đại hội cấp tỉnh đặt tại huyện Nho Quan.

ke hoach to chuc dai hoi dai bieu cac dan toc thieu so tinh ninh binh lan thu iv hinh 1

Quang cảnh hội nghị

Để chuẩn bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình lần thứ IV, năm 2024, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Ban Tổ chức Đại hội. Ban Tổ chức Đại hội đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.

Với chủ đề "Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững", Đại hội dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày 19-20/9/2024, tại Hội trường UBND huyện Nho Quan.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, thống nhất một số nội dung về công tác tổ chức Đại hội như: công tác tuyên truyền; quy mô, đối tượng, thành phần tham dự Đại hội, công tác hậu cần, kịch bản điều hành…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn, Trưởng Ban Tổ chức Đại hội đề nghị: Việc tổ chức Đại hội cần đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi, tự hào trong các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội; tổ chức các gian trưng bày sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các cơ quan chức năng của huyện Nho Quan phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng chương trình văn nghệ chào mừng Đại hội, bảo đảm phong phú, sinh động…

Lưu ý về công tác chuẩn bị Báo cáo trình Đại hội, kịch bản điều hành, các tham luận, công tác trang trí khánh tiết, công tác hậu cần…, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm phối hợp tổ chức Đại hội, tạo tính lan tỏa. Thông qua Đại hội tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong hội nhập và phát triển đất nước.

Việc tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ghi nhận đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc.

Đại hội cũng là dịp để tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong sự nghiệp xây dựng, hội nhập, phát triển và bảo vệ đất nước giai đoạn 2019 - 2024, thiết thực chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết