A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Tài chính lên kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu đợt cao điểm Tết Giáp Thìn 2024

Dự báo dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hoạt động buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đã lên kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp này.

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính vừa ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính vừa ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi - Trưởng Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính vừa ký ban hành Kế hoạch Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Theo Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa, với phương thức thủ đoạn mới và tinh vi hơn.

Dự báo thời gian tới, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hoạt động buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng buôn lậu sẽ lợi dụng chính sách tạo thuận lợi thương mại để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận, giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa để trốn thuế, đánh lừa người tiêu dùng.

Mặt hàng trọng điểm các đối tượng buôn lậu hướng tới chủ yếu là hàng tiêu dùng, thiết yếu như xăng dầu, khoáng sản, phân bón, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư y tế, điện tử, điện thoại di động, vàng, ngoại tệ, rượu bia, sữa, đường cát, thuốc lá, bánh kẹo... và các mặt hàng cấm như ma túy, vũ khí, pháo nổ, động vật hoang dã...

Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường trong nước và phát triển xã hội; đồng thời để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Thanh tra Bộ Tài chính, Vụ Pháp chế Bộ Tài chính, Văn phòng Bộ Tài chính tăng cường công tác chỉ đạo, quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm đến các đơn vị nghiệp vụ, chủ động tổ chức lực lượng, tập trung nguồn lực, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đạt hiệu quả cao. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Các đơn vị làm tốt công tác nghiệp vụ, tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm như khu vực cửa khẩu: đường bộ, khu kinh tế cửa khẩu, khu tập kết hàng hóa gần biên giới, cảng biển, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện, chuyển phát nhanh quốc tế, đường sắt liên vận quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh...

Đặc biệt, tổ chức đấu tranh, bắt giữ và xử lý đối với mặt hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nhập khẩu, chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa, tập trung trọng tâm, trọng điểm...

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát ma tuý trên tất cả các khâu, các tuyến, các địa bàn. Thông tin liên quan đến hành vi mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý phải được xử lý kịp thời, bí mật, chặt chẽ... Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng khác như: Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và chính quyền địa phương để chia sẻ thông tin, đấu tranh phát hiện, bắt giữ đối tượng và hàng hoá vi phạm, đặc biệt là trong đấu tranh các chuyên án về ma tuý.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và trên các nền tảng số đối với tổ chức, cá nhân; áp dụng các biện pháp quản lý về hóa đơn nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa hàng nhập lậu, trốn thuế.

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ như: Thanh tra, Vụ Pháp chế, Văn phòng… căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp kịp thời với Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế để hỗ trợ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; vận động quần chúng nhân dân không tham gia, không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...