Vượt biên để khám bệnh
Mỗi ngày, người dân Zimbabwe xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh vào Zambia để đi mua thuốc hoặc khám chữa bệnh.
Người dân Zimbabwe ngồi nghỉ ở biên giới giữa Zimbabwe và Zambia. |
Tình cảnh này phơi bày thực trạng yếu kém của ngành y tế Zimbabwe.
Mua thuốc giá rẻ
Lúc 5 giờ chiều tại trạm biên giới Livingstone, Margaret Tshuma - có giấy phép lưu trú 24 giờ tại Zambia - vội vã trở về nhà ở Zimbabwe trước khi hoàng hôn buông xuống.
Đây không phải lần đầu tiên Tshuma, 53 tuổi, đi từ quê nhà ở làng Diki (Zimbabwe), cách biên giới 120km, để sang Zambia trong ngày. Đối với Tshuma, các chuyến đi này đã trở thành thông lệ hàng tháng vì chị cần mua thuốc cho chồng mắc chứng viêm củng mạc.
Các hiệu thuốc ở Diki không bán thuốc điều trị theo đơn của bác sĩ. Những thuốc lẻ có giá thành cao nên người dân, nhất là dân nghèo, không thể mua nổi. Tuy nhiên, cùng những loại thuốc đó, nếu cộng thêm chi phí di chuyển, thì mua ở Zambia vẫn rẻ hơn ở Zimbabwe.
Đơn cử, một đơn thuốc uống trong một tháng của chồng Tshuma được bán với giá 85 USD tại Zimbabwe trong khi ở Zambia là 13 USD. Việc di chuyển hai chiều từ Zimbabwe đến Zambia chỉ tốn 14 USD nên việc mua thuốc ở Zambia vẫn rẻ hơn Zimbabwe.
Tại biên giới, Tshuma nối vào một hàng ngắn, di chuyển đến cổng biên giới, nơi các viên chức kiểm tra hành lý và giấy tờ một cách dễ dàng. Sau đó, họ đóng dấu giấy thông hành 24 giờ cho Tshuma. Quá trình này chưa đến 10 phút. Do đó, Tshuma thấy dễ dàng, tiện lợi khi sang Zambia mua thuốc.
Nền kinh tế Zimbabwe đã bị ảnh hưởng nặng nề trong nhiều thập kỷ do khủng hoảng kinh tế và lạm phát tăng cao. Nhiều nhu yếu phẩm trở nên khan hàng hoặc bị đẩy giá lên cao khiến người dân không đủ khả năng chi trả. Nhiều người mất niềm tin vào đồng nội tệ.
Mike Muleya, tài xế chở khách đi lại giữa các vùng biên giới cho biết, anh thường đón một lượng lớn người di chuyển từ Hwange, Zimbabwe, để mua thuốc hoặc đến bệnh viện ở Zambia. Thị trấn Hwange có khoảng 21 nghìn người.
“Chuyến xe đầu tiên của tôi bắt đầu vào sáng sớm từ Hwange. Tôi chở khoảng 6 – 9 hành khách đến Thác Victoria, Zambia qua biên giới Livingstone. Chúng tôi trò chuyện trên đường đi, trong đó, khoảng 5 – 7 người có lý do y tế”, Mike nói.
Đến buổi tối, Mike đỗ xe gần biên giới để đón những người dân Zimbabwe còn sót lại trong chuyến đi kéo dài 24 giờ. Anh thường chở 1 – 2 người và lưu ý còn nhiều tài xế khác nữa. Việc chở người qua biên giới đã trở thành công việc thu lợi.
Theo báo cáo năm 2023 của nhóm vận động địa phương Community Working Group on Health, hầu hết người dân Zimbabwe không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng và giá cả phải chăng. Nhóm này đã kêu gọi chính phủ ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng đến mục tiêu phủ sóng bảo hiểm y tế toàn dân.
Người nghèo Zimbabwe phụ thuộc vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe của nhà nước gặp nhiều khó khăn hơn trong điều trị so với những công dân khá giả vì người giàu có thể chuyển sang sử dụng dịch vụ tư nhân đắt tiền.
Ngoài những khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe, nhiều người phàn nàn về việc phải xếp hàng dài ở các bệnh viện công và phải đợi từ 4 – 7 tiếng đồng hồ.
Tại phường Matetsi 1, Hwange, cách Thác Victoria 20km, Mercy Khumalo vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau khi phải đưa dì sang Zambia điều trị. Khumalo cho biết đó không phải tình huống dễ dàng đối với gia đình.
Sau khi dồn hết số tiền tiết kiệm ít ỏi và bán bò, họ cũng đủ khả năng khám bác sĩ chuyên khoa ở một bệnh viện tư ở Zimbabwe. Nhưng sau khi phân tích chi phí, gia đình Khumalo chọn đến Zambia.
Khumalo giải thích: “Chúng tôi đã tham khảo ý kiến tại địa phương và nhận được báo giá từ nhiều chuyên gia khác nhau. Dì tôi được chẩn đoán mắc khối u não. Hàng xóm nói rằng điều trị tại Zambia có giá phải chăng hơn và là dịch vụ công thuần túy. Với số tiền gom góp được, chúng tôi sẽ chỉ chi tiêu được một tháng nếu khám bác sĩ tư nhân ở địa phương, nhưng ở Zambia sẽ tiết kiệm được rất nhiều”.
Natasha Chola Mukuka - bác sĩ y tế công cộng tại Đại học Y Levy Mwanawasa, Lusaka, Zambia, chia sẻ: “Người nước ngoài được phép sử dụng hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng tại Zambia. Hầu hết, họ sẽ được miễn phí nếu có hộ chiếu và hồ sơ sức khỏe hợp lệ”.
Thị trấn Hwange nằm ở tỉnh Matabeleland North, nơi từng là địa điểm du lịch nổi tiếng. Giờ đây, người dân than phiền về việc thiếu sự phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm các cơ sở y tế. Chính quyền đã tiến hành xây dựng Bệnh viện 5 Miles và mang lại hy vọng cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, khi gần hoàn thành vào năm 2018, việc tiến hành đã dừng lại. Fidelis Chima - điều phối viên của Greater Whange Residents Trusts cho biết: “Chính phủ bắt đầu xây dựng một số bệnh viện để xóa bỏ sự thật rằng khu vực này yếu thế nhưng các công trình đã để không trong nhiều thập kỷ”.
Bệnh viện 5 Miles chưa thể đi vào hoạt động. Vậy nên, người dân ở Hwange phải trông đợi vào Bệnh viện Hwange Colliery Company nhưng đây là cơ sở tư nhân nên rất tốn kém. Chính phủ muốn Bệnh viện 5 Miles trở thành bệnh viện quận, dành cho cả người dân Hwange và Thác Victoria.
Matabeleland North có hồ sơ về các bệnh viện được trang bị kém. Người dân địa phương cho biết, các cơ sở hiện tại cũng thiếu thuốc thiết yếu và nhân viên y tế được đào tạo đầy đủ. Tại quận Hwange, 5 bệnh viện cung cấp dịch vụ cho gần 126 nghìn người dân.
Tuy nhiên, dân làng Binga, sống ở thung lũng Zambezi, hàng ngày đi thuyền độc mộc đến Zambia để tìm thuốc men và nhu yếu phẩm khác. Không giống như ở Thác Victoria, Binga và Zambia bị ngăn cách bởi sông Zambezi và do không có cầu, thuyền trở thành phương tiện di chuyển giữa hai bên.
Với dòng người đổ về biên giới Zambia – Zimbabwe mỗi ngày, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đang thắt chặt các yêu cầu với những người mang thuốc vào Zimbabwe. Trước đây, mọi người thường sang đây để mua thuốc mà không cần đơn thuốc.
Bây giờ, họ cần phải có đơn thuốc của bác sĩ có đóng dấu của cơ sở y tế. Nhưng tình huống này tạo ra kẽ hở cho nạn buôn lậu và kinh doanh thuốc không được quản lý tại Thác Victoria và Hwange.
Một viên chức an ninh tại biên giới cho biết: “Biên giới rất đông đúc vào những ngày bình thường, chủ yếu là người dân qua lại trong ngày và một số là khách du lịch. Nhưng phần lớn là những người bán hàng từ Zambia và những cá nhân từ Zimbabwe đi mua sắm, bao gồm cả thuốc men. Không nhiều, nhưng đối với thuốc men, hiện chúng tôi yêu cầu đơn thuốc đó đóng dấu và kiểm tra thuốc đã mua để giảm tình trạng buôn lậu”.
Khi Margaret Tshuma đi từ biên giới về nhà ở làng Diki, chị biết mình sẽ trở lại sau vài tuần. Nhưng chị cũng mong chờ đến ngày Hwange có một bệnh viện quận và Bệnh viện tỉnh Lupane.
“Điều này sẽ cứu sống được nhiều người vì nó sẽ rút ngắn khoảng cách đến các bệnh viện tuyến trên ở Bulawayo. Các cơ sở vật chất đầy đủ và nguồn cung cấp thuốc ổn định, giá cả phải chăng gần nhà. Nếu không, mọi người vẫn sẽ tìm kiếm các cơ sở y tế và thuốc men ở Zambia nếu không có thuốc theo toa trên kệ”, Tshuma nói.
Tuy nhiên, việc xây dựng các cơ sở chăm sóc sức khỏe không thể giải quyết hết các vấn đế mà ngành y tế Zimbabwe gặp phải. Hiện nay, ngày càng nhiều nhân viên y tế Zimbabwe rời khỏi đất nước để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn ở nước ngoài.
Vào tháng 12/2021, Setfree Mafukidze cùng vợ và các con chuyển từ Zimbabwe đến Vương quốc Anh hành nghề y. 4 năm trước đó, Setfree là y tá trưởng cho phòng khám duy nhất ở thị trấn Chivu, Zimbabwe.
Dù chăm sóc hơn 10 nghìn bệnh nhân trong thời gian đó, ông chỉ kiếm được khoảng 150 USD/tháng. Setfree thường bỏ tiền túi để trả hóa đơn thay bệnh nhân khó khăn. Với nhiều người, Setfree là anh hùng giữa thời bình và việc ông rời khỏi đất nước là mất mát lớn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số lượng nhân viên y tế công lập ở Zimbabwe đã giảm ít nhất 4,6 nghìn người từ năm 2019 dù tuyển dụng tăng lên. Số lượng giảm do nhiều nhân viên y tế bỏ nghề và ra nước ngoài tìm việc.
Điểm đến được lựa chọn nhiều nhất là Vương quốc Anh do sau Brexit (sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu) và dịch Covid-19, nước này thiếu trầm trọng nhân viên y tế. Anh đã nới lỏng quy định nhập cảnh để thu hút nhân viên nước ngoài đến làm việc, đóng góp cho nền y tế nơi đây.
Ngoài tiền lương, nhiều nhân viên y tế Zimbabwe cho biết họ chọn rời đi vì tình trạng khủng hoảng chung của ngành. Các trường đào tạo y khoa không được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và có quá ít giảng viên. Các bệnh viện thiếu trang thiết bị, không đủ nguồn cung cấp thuốc men và điều kiện việc làm kém.
Trước tình cảnh khó khăn, người dân Zimbabwe đã kêu gọi các bác sĩ trở về quê hương nhằm góp phần tái thiết đất nước và một số đã đáp lời. GS Solwayo Ngwenya - Giám đốc Bệnh viện Mpilo, Zimbabwe từng làm việc cho Vương quốc Anh trong nhiều năm. Sau đó, ông trở về quê hương và thành lập bệnh viện riêng.
“Tôi luôn muốn trở về nhà và tin rằng tôi sẽ làm tốt và đối xử tốt với người dân địa phương. Những thành tựu sau này của tôi là nhờ được trở về quê hương. Đây vẫn là nơi tuyệt vời nhất”, ông Solwayo nói. Còn Setfree, anh và một số đồng nghiệp tin rằng một ngày nào đó sẽ trở về Zimbabwe để giúp đỡ người dân của mình. “Tôi biết những người này cần tôi”, anh nói.
Một nhân viên y tế người Zimbabwe tiết lộ thu nhập mỗi tháng ở quê nhà là 150 USD nhưng nếu làm việc tại Anh, thu nhập hàng tháng lên tới 3,7 nghìn USD sau trừ thuế.