Chuyện gì đang xảy ra trong đợt bùng dịch ở Triều Tiên?
Giới phân tích nhận định đợt bùng phát Covid-19 có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình thiếu lương thực, vốn đã rất nghiêm trọng trong năm nay của Triều Tiên.
Các chuyên gia lý giải rằng việc phong tỏa trên toàn quốc sẽ cản trở các nỗ lực chống hạn hán và việc huy động lao động của nước này.
Triều Tiên ngày 15/5 báo cáo tổng cộng 42 người đã chết trong đợt dịch, với 820.620 trường hợp sốt được báo cáo và ít nhất 324.550 người đang được điều trị y tế, AFP dẫn lại KCNA.
Nước này hôm 12/5 xác nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát và tuyên bố "tình trạng khẩn cấp quốc gia nghiêm trọng nhất", đồng thời áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, theo Reuters.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 13/5 cho biết Covid-19 đã lây lan khắp nước này với "tốc độ bùng nổ" kể từ cuối tháng trước.
Đợt bùng phát Covid-19 xảy ra khi Bình Nhưỡng đẩy mạnh "cuộc chiến toàn lực" chống hạn hán, với việc nhà lãnh đạo Kim Jong Un cảnh báo về tình hình lương thực căng thẳng do đại dịch và các cơn bão trong năm ngoái.
Covid-19 có thể làm trầm trọng thêm tình hình
Truyền thông nhà nước Triều Tiên tuần trước cho biết các công nhân nhà máy, thậm chí cả nhân viên văn phòng và quan chức chính phủ, đã được cử đi để giúp cải thiện cơ sở nông nghiệp và đảm bảo nguồn nước trên khắp Triều Tiên.
Cụ thể, hạn hán và lũ lụt từ lâu đã đặt ra các mối đe dọa đối với Triều Tiên. Theo Reuters, bất kỳ hiểm họa thiên nhiên lớn nào cũng có thể làm tê liệt nền kinh tế của nước này.
Một học sinh ở Bình Nhưỡng được sát khuẩn tay vào năm ngoái. Ảnh: AP
Theo giới phân tích, đại dịch đã ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, cũng như cắt giảm nguồn tài trợ lương thực quốc tế dành cho Triều Tiên. Tại một quốc gia phụ thuộc nhiều vào lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như thiếu cơ sở hạ tầng công nghiệp và y tế, cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực.
"Ở Triều Tiên, hoạt động kinh tế đòi hỏi nhiều sự di chuyển của người dân và bạn không thể trông đợi vào thương mại hoặc viện trợ lớn từ Trung Quốc", Lim Eul Chul, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Kyungnam (Hàn Quốc), cho biết.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu tại cuộc họp vào ngày 14/5. Ảnh: KCNA
"Nhưng hiện nay, hoạt động canh tác có thể bị thu hẹp lại. Việc phân phối phân bón, nguyên liệu và thiết bị sẽ trở nên khó khăn", ông nói thêm.
Cơ quan cứu trợ của Liên Hợp Quốc và hầu hết nhóm cứu trợ khác đã rút khỏi nước này trong bối cảnh đóng cửa biên giới kéo dài. Họ cho rằng khó có thể đánh giá chính xác tình hình ở nước này tồi tệ như thế nào.
Tuy nhiên, ông Ji Seong Ho, một nhà lập pháp Hàn Quốc đào tẩu khỏi Triều Tiên năm 2006, cho biết virus SARS-CoV-2 có thể lây lan nhanh chóng do hệ thống y tế kém hiệu quả.
"Sự bùng phát Covid-19 có thể ảnh hưởng nặng nề đến mùa canh tác đang diễn ra. Vấn đề an ninh lương thực có thể trở nên thực sự nghiêm trọng trong năm nay và năm tới", ông nói tại một phiên họp quốc hội.
Nguy cơ đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng
Những lệnh trừng phạt quốc tế đối với các chương trình vũ khí của Triều Tiên đã hạn chế hàng loạt hoạt động giao thương của nước này. Bên cạnh đó, Triều Tiên đã phong tỏa biên giới vào đầu năm 2020 để ngăn chặn nCoV.
Việc nối lại thương mại biên giới vào đầu năm nay đã làm dấy lên một tia hy vọng, nhưng hoạt động đó đã bị dừng lại vào tháng 4 do Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, quốc gia áp đặt hạn chế nghiêm ngặt để phòng dịch. Hình ảnh vệ tinh cho thấy hàng hóa được kiểm dịch trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng tại các cảng hoặc cửa khẩu.
Cheong Seong-chang, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Triều Tiên của Viện Sejong ở Hàn Quốc, cho biết Bình Nhưỡng có thể áp dụng có giới hạn các biện pháp để một số hoạt động được tiếp tục diễn ra.
"Tuy nhiên, theo thời gian, việc thiếu sự di chuyển giữa các vùng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và sản xuất. Triều Tiên cuối cùng có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng", ông Cheong nói.
Cơ quan thời tiết của Triều Tiên đã cảnh báo về những đợt khô hạn kéo dài trong tháng này. Truyền thông nhà nước hôm 12/5 cũng đưa tin về một "cuộc chiến toàn lực chống hạn hán" trên toàn quốc.
Vào tháng 3, Liên Hợp Quốc đã thúc giục Bình Nhưỡng mở lại biên giới cho các nhân viên cứu trợ và nhập khẩu lương thực, nói rằng sự cô lập ngày càng sâu sắc có thể khiến nhiều người phải đối mặt với nạn đói.
Bên cạnh đó, Chương trình Lương thực Thế giới ước tính rằng ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, 11 triệu người, tức hơn 40% dân số Triều Tiên, bị suy dinh dưỡng và cần được hỗ trợ.