A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bức tranh sáng từ việc nhiều người hiến tạng tại Việt Nam gia tăng trong năm 2024

Trong năm 2024, việc hiến tạng đã có những thay đổi rõ nét khi nhiều gia đình đã vượt qua nỗi sợ liên quan đến quan niệm tín ngưỡng, tập quán để hiến tạng của người thân không may chết não. Việc này giúp cứu sống nhiều người bệnh, khẳng định mạnh mẽ thông điệp “cho đi là còn mãi” đầy màu nhiệm trong y học.

Theo số liệu từ Bộ Y tế Việt Nam, ước tính có khoảng 123.000 bệnh nhân đang chờ ghép tạng. Trong số này, gần 4.000 người đã được đưa vào danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân cần ghép thận và gan. Đáng chú ý, hơn 30.000 người đang chờ ghép giác mạc để phục hồi thị lực.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức từng chia sẻ, tại các nước phát triển, việc hiến tạng đã trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên ở Việt Nam, vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa cao đẹp này. Trong khi đó, cả nước đang có hàng chục nghìn người đang chờ được ghép mô, tạng để duy trì sự sống.

buc tranh sang tu viec nhieu nguoi hien tang tai viet nam gia tang trong nam 2024 hinh 1

Hiện tạng là nghĩa cử cao đẹp mở ra hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân chờ ghép tạng (ảnh nguồn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức).

Trước thực trạng đó, những câu chuyện hiến tạng luôn nhận được sự quan tâm từ cộng đồng vì sự dũng cảm của người thân, người nhà bệnh nhân vượt qua được những tập quán, tín ngưỡng để làm nên những nghĩa cử cao đẹp.

Câu chuyện của một bệnh nhân nam và người nhà ở Bệnh viện Bạch Mai là một ví dụ. Theo đó, vào tháng 10/2024, bệnh nhân L.T.S (nam, 36 tuổi) được đưa vào Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng đã ngừng tuần hoàn ngoại viện.

Với chẩn đoán chảy máu dưới nhện mức độ nặng lan tỏa trong não, sau 10 ngày tận tâm tận lực dùng các phương pháp tối ưu để cứu bệnh nhân, nhưng bệnh nhân hôn mê sâu dần và có nguy cơ chết não. Bệnh viện đã giải thích về tiên lượng với người nhà người bệnh và trao đổi về chương trình hiến mô, bộ phận cơ thể người với ý nghĩa nhân văn cao đẹp.

Sau khi chứng kiến gia đình người bệnh bày tỏ nguyện vọng được hiến mô, tạng để cứu người, Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành các thủ tục pháp lý với sự chỉ đạo và đồng hành của Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia, người bệnh được đánh giá chết não theo quy trình nghiêm ngặt lấy và ghép tạng.

Hơn 100 thầy thuốc, y bác sĩ, nhân viên y tế chia thành 4 kíp đã tiến hành phẫu thuật lấy tạng người bệnh để chuyển giao cho người nhận. Cuộc chuyển giao sự sống đã cứu sống 1 bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, 2 bệnh nhân suy thận và 1 bệnh nhân suy gan, tất cả đều trong tình trạng thấp thỏm tính từng ngày sống.

Việc vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người thành công tại Bệnh viện Bạch Mai đã góp phần lan tỏa thông điệp sâu sắc “cho đi là còn mãi” tới cộng đồng và thúc đẩy việc thành lập Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Bạch Mai, mở ra những triển vọng mới về khoa học và nghĩa cử cao đẹp cứu người, nối dài sự sống, đem lại những cơ hội sống cho nhiều người bệnh.

Tiếp đó vào tháng 11/2024, tại TP. Hồ Chí  Minh, một nam thanh niên 18 tuổi quê ở An Giang bị chấn thương sọ não nghiêm trọng và rơi vào trạng thái chết não. Trong nỗi đau mất mát, gia đình đã quyết định hiến tặng các bộ phận cơ thể của anh để cứu sống 7 bệnh nhân khác.

Hai quả thận được ghép cho bệnh nhân suy thận tại Bệnh viện Thống Nhất; trái tim và một phần gan được chuyển ra Hà Nội để ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức; phần gan còn lại được ghép cho một bệnh nhi 3 tuổi tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh; hai giác mạc được gửi đến Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho các bệnh nhân khác.

Câu chuyện trên khi được các bác sĩ chia sẻ trên mạng xã hội nhanh chóng nhận được lời cảm ơn và tình cảm trân trọng đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Khoảnh khắc xúc động khi hàng chục y bác sĩ cúi đầu tri ân người hiến tạng trong phòng phẫu thuật đã làm lay động trái tim của hàng triệu người. Một người bình luận: "Không hiểu sao đọc mà nước mắt rơi. Cảm ơn và trân trọng chàng trai 18 tuổi, em luôn sống mãi trong lòng mọi người". Một ý kiến khác chia sẻ: "Một nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng và gia đình. Một cuộc đời khép lại, nhiều cuộc đời mở ra."

 

Mới đây nhất, cuối tháng 12/2024, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong nỗi đau mất mát lớn lao, gia đình của một người phụ nữ dân tộc Tày (người mẹ của 4 con nhỏ) đã quyết định dũng cảm hiến tạng của chị để mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân đang cận kề tử thần.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã thành công trong việc vận động gia đình một phụ nữ dân tộc Tày hiến tạng, sau khi chị gặp một tai nạn nghiêm trọng. Quyết định cao cả này của gia đình chị không chỉ thể hiện tình yêu thương vô bờ mà còn là hành động nhân văn, thắp sáng hy vọng cho nhiều mảnh đời khác.

Ngay khi nhận được thông tin, đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã phối hợp cùng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vận chuyển bệnh nhân đến Hà Nội. Tại đây, các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã hướng dẫn kíp bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai các bước tiến hành đánh giá bệnh nhân chết não, hồi sức bệnh nhân và thực hiện lấy tạng.

Một trái tim, một lá gan và một quả thận đã được ghép thành công cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Quả thận còn lại, như một sứ mệnh tiếp nối, được vận chuyển xuyên đêm về Lào Cai, tạo nên tiền đề cho ca ghép thận lịch sử tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Dưới sự hướng dẫn tận tình và hỗ trợ chuyên sâu từ các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đội ngũ y bác sĩ tại Lào Cai tiếp cận kỹ thuật đánh giá tình trạng chết não và thực hiện thành công ca ghép thận cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.

Thành công này thắp sáng niềm hy vọng cho hàng trăm bệnh nhân khác tại địa phương đang chờ đợi phép màu y học.

Đây cũng là minh chứng rõ nét của sự hợp tác, tinh thần đoàn kết và khát vọng không ngừng vươn lên trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, không có ranh giới nào trong việc cứu người. Thành tựu này thể hiện sự cam kết bền bỉ trong việc nâng cao chất lượng điều trị, mang lại những bước tiến mới đầy nhân văn cho hệ thống y tế tuyến tỉnh.

Việc số người hiến tạng tăng cho thấy nhận thức của cộng đồng đã thay đổi nhiều. Trong 9 tháng đầu năm 2024, có 25 ca chết não hiến mô, tạng, góp phần tăng số tạng hiến từ người chết não đạt 87/829 bệnh nhân ghép (tương đương 10,49%).

Trước đây, tỷ lệ tạng hiến từ người chết não chỉ chiếm khoảng 5-6%. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ này đã tăng lên 10,49%, được coi là con số kỷ lục của Việt Nam.

Tính đến tháng 9/2024, sau 32 năm triển khai ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng.

Với nguồn hiến tạng từ người chết não tăng, Việt Nam hiện là quốc gia có số ca ghép tạng cao nhất khu vực Đông Nam Á, với hơn 1.000 ca ghép mỗi năm. Tuy nhiên, nguồn tạng chủ yếu đến từ người hiến sống, số lượng hiến từ người chết não còn thấp.

Mặc dù có những tiến bộ đáng kể, tỷ lệ hiến tạng từ người chết não tại Việt Nam vẫn còn thấp so với nhu cầu.  Vì thế, sự thay đổi trong nhận thức của người dân về hiến tạng sẽ mang theo nhiều hy vọng cho những bệnh nhân chờ ghép tạng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...