Bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM quá tải: Gánh nặng chồng chất
Theo chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn tới quá tải bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM, vô tình thành gánh nặng chồng chất cho bệnh viện.
Khu chờ khám bệnh tại Bệnh viện quận Gò Vấp. (Ảnh: Lâm Ngọc) |
Tình hình bệnh ung bướu tại Việt Nam và các nước trên thế giới có xu hướng tăng. Nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân từ các tỉnh lân cận rất lớn. Tuy nhiên, đa phần tâm lý phải khám ở bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện lớn thì mới chất lượng đã vô tình tạo nên áp lực và gánh nặng với bệnh viện tuyến cuối.
Đủ kiểu đông bệnh nhân
Như đã nói, mỗi ngày Bệnh viện Ung bướu TPHCM tiếp nhận 4.700 - 4.800 bệnh nhân đến khám, 950 bệnh nhân nội trú và khoảng 1.000 - 1.100 bệnh nhân ngoại trú điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị trong ngày.
TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Điều hành bệnh viện cho rằng, chất lượng cuộc sống được nâng cao, y học phát triển, nhiều phương tiện chẩn đoán, phát hiện ung thư sớm; người dân quan tâm đến sức khỏe nên việc thăm, khám định kỳ, tầm soát ung thư diễn ra thường xuyên. Nhờ đó nhiều người phát hiện bệnh sớm.
Đối với người bệnh chờ điều trị tăng, BS Tuấn cho rằng, lý do chủ yếu do người bệnh phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị kéo dài, bệnh nhân phải tái khám thường xuyên.
Trước tình hình ngày càng đông bệnh như hiện nay, hiểu được tâm lý người bệnh, bệnh viện luôn cố gắng phục vụ tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám và điều trị bệnh nhân mắc căn bệnh nguy hiểm này.
BS Tuấn khẳng định, Bệnh viện Ung bướu đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết cho người bệnh, áp dụng công nghệ thông tin để hẹn lịch mổ tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, thời gian chờ xạ giảm trung bình khoảng 1 - 2 tuần so với trước đây, theo từng loại bệnh lý.
Đối với bệnh nhân có bệnh lý ác tính, thời gian chờ mổ ngắn hơn bệnh nhân có bệnh lý lành tính. Bệnh viện cũng điều phối bệnh nhân giữa 2 cơ sở, điều trị những trường hợp nặng, ác tính trước. Những trường hợp nhẹ, không nguy hiểm hoặc lành tính sẽ điều trị sau. Vì đó, trước mắt chưa ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
TS.BS Phạm Xuân Dũng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM nhận định, tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư tại Việt Nam tiếp tục tăng theo xu hướng chung của thế giới.
Theo BS Dũng, tuổi thọ tăng, sự già hóa dân số, môi trường sống thay đổi, ô nhiễm không khí, nước, các thói quen rượu bia, hút thuốc lá, ăn uống, sinh hoạt không điều độ là tác nhân gây bệnh ung thư.
Một trong những lý do khiến số ca mắc mới tăng là do tác động của Covid-19 khiến việc quản lý, phục vụ liên quan đến chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư giảm 50% ở tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tại châu Âu, trong hai năm đại dịch, ước tính khoảng một triệu ca thoát khỏi chẩn đoán. Từ đó làm suy giảm kết quả điều trị và nhất là giảm số lượng nghiên cứu về bệnh.
Mỹ cũng giảm hàng chục triệu test tầm soát và chẩn đoán ung thư. Tại TPHCM, khuynh hướng một số bệnh nhân ung thư vú, đại tràng có độ tuổi trẻ hơn. Một số loại ung thư có tỷ lệ mắc tăng như: Giáp, dạ dày, tiền liệt tuyến.
84% bệnh nhân đến từ các tỉnh thành. (Ảnh: Lâm Ngọc) |
Nghịch lý tuyến cơ sở - tuyến cuối
Theo BS Diệp Bảo Tuấn, 84% bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành trong khu vực. Trước đây, tỷ lệ này khoảng 75%. Tình trạng quá tải tại bệnh viện, nhất là các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến cuối vẫn là vấn đề cấp bách.
Việc nằm ghép 3 - 4 người/giường khiến người bệnh bức xúc. Tuy nhiên, BS Tuấn khẳng định, hiện nay bệnh viện luôn đáp ứng đủ giường nội trú cho bệnh nhân, không có hiện tượng nằm ghép như trước đây.
Đối với bệnh nhân điều trị xạ trị, trung bình một bệnh nhân phải chờ 4 - 6 tuần mới đến lượt chạy xạ trị. Dù Bệnh viện Ung bướu có số lượng máy xạ trị lớn nhất tại Việt Nam, nhưng việc bệnh nhân có tâm lý đổ dồn về tuyến cuối để điều trị dẫn đến nơi đây quá tải. Điều này dẫn đến một thực tế không thể phủ nhận là máy xạ trị tuyến cuối quá tải, máy xạ tuyến cơ sở lại chưa hoạt động hết công suất.
Liên quan vấn đề này, PGS.TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp nhận định, để giảm tải cho bệnh viện chuyên khoa và bệnh viện tuyến cuối, cần tách bạch việc phân loại mức độ nặng của bệnh, những bệnh thuộc chuyên khoa thông thường, không nặng nên để tuyến cơ sở điều trị; tránh tình trạng giữ bệnh, điều trị bệnh nhẹ ở tuyến trên.
“Người dân cần tuân thủ chỉ định phân tuyến điều trị, không nên đổ xô về tuyến trên theo phong trào. Đặc biệt, về hệ thống trang thiết bị và đội ngũ nhân viên y tế, người dân không nên mất niềm tin, thiếu độ tin tưởng.
Việc này cần công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe để người dân hiểu rõ hơn, tránh tình trạng đổ xô đến tuyến trên theo phong trào mà không tuân thủ chỉ định phân tuyến điều trị”, BS Siêu lưu ý.
BS Tuấn nhấn mạnh, nếu bệnh nhân đến Bệnh viện Ung bướu khám, điều trị tiếp tục tăng hơn nữa trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tăng cường những giải pháp, tiếp tục khảo sát và đưa ra những giải pháp tối ưu nhất để giải áp, giảm thời gian chờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
Theo Globocan - Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, tại Việt Nam hàng năm có hơn 182.000 ca mới và hơn 122.000 ca tử vong do ung thư. Hơn 350.000 bệnh nhân đang sống chung với căn bệnh này. Bình quân cứ 100.000 người Việt có 159 ca được chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 trường hợp tử vong. Tỷ suất mắc mới của Việt Nam xếp thứ 91, tỷ suất tử vong xếp 50 trên tổng cộng 185 nước.