A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không gian kinh tế số rộng mở trong ngành công nghiệp, thương mại điện tử

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, một số ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và nhiều không gian phát triển kinh tế số như: Nông nghiệp, thương mại điện tử, sản xuất công nghiệp…

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã triển khai chuyển đổi số quy trình sản xuất

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã triển khai chuyển đổi số quy trình sản xuất

Phấn đấu có tối thiểu 1 doanh nghiệp công nghệ số/2.000 dân

Đánh giá về những khởi sắc của kinh tế số, ông Trần Quang Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững”.

Nêu cụ thể những kết quả đạt được trong các trụ cột về phát triển kinh tế số, ông Trần Quang Hưng cho hay, về công nghiệp công nghệ số, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin năm 2023 đạt khoảng 138,5 tỷ USD. Trong đó, doanh thu xuất khẩu phần cứng, điện tử năm 2023 đạt khoảng 127 tỷ USD.

Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động ước đạt khoảng 45.500 doanh nghiệp. Năm 2023, Việt Nam có hơn 1,5 nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022.

Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022, Việt Nam được xếp hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Chỉ số này được tổng hợp từ 39 tiêu chí trong 3 nhóm cơ bản: Chính sách của Chính phủ; lĩnh vực công nghệ và hạ tầng dữ liệu.

Về phát triển nhân lực số, ông Hưng thông tin, lực lượng lao động ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam khá đông đảo, với trên 1,5 triệu lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp; 168 trường đại học và 520 trường nghề có đào tạo về công nghệ thông tin, điện tử viễn thông.

Ngành ICT cũng là ngành kỹ thuật có số chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất, thu hút được nhiều sinh viên tuyển sinh nhất, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh xấp xỉ 100 nghìn (có những trường tuyển sinh năm 2023 trên 10.000 sinh viên).

Mục tiêu năm 2024, doanh thu công nghiệp ICT 140 tỷ USD; doanh nghiệp công nghệ số đạt 48.000 doanh nghiệp (tương đương 1 doanh nghiệp công nghệ số/ 2.000 dân).

Để đạt mục tiêu, giải pháp được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai đó là nghiên cứu và sửa đổi Nghị định 154 về Khu công nghệ thông tin tập trung để tạo điều kiện phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung, đặc biệt tại các địa phương có nguồn nhân lực công nghệ thông tin tốt, hạ tầng năng lượng xanh, tái tạo và có điều kiện giao thông, du lịch thuận tiện.

Nghiên cứu xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số để công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành công nghiệp nền tảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thúc đẩy đào tạo các nhóm ngành mới (vi mạch, AI, dữ liệu) phù hợp với nhu cầu và xu hướng phát triển trên thế giới.

Các Bộ, ngành, địa phương, tăng cường đặt hàng cho các doanh nghiệp công nghệ số từ nguồn ngân sách nhà nước để giải quyết các bài toán về chuyển đổi số của mình. Triển khai các giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ số theo kế hoạch đã được phê duyệt nhằm đảm bảo có tối thiểu 1 doanh nghiệp công nghệ số/2.000 dân. Thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong nước và quốc tế để tiếp tục phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung, tạo ra một môi trường cộng hưởng sáng tạo, phát triển cộng đồng.

Về phía các doanh nghiệp, đầu tư nguồn lực (nhân lực, tài lực và trí lực) để nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp chuyển đổi số phù hợp với nhu cầu của thị trường. Tích cực phát triển các công cụ và giải pháp và triển khai tích hợp AI trong các sản phẩm và dịch vụ của mình. Tham gia các dự án chuyển đổi số, số hóa kinh tế ngành, lĩnh vực để tạo ra nhiều sản phẩm, mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng suất, chất lượng của các ngành, lĩnh vực.

Số hóa các ngành kinh tế

Theo ông Trần Quang Hưng, một số ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và nhiều không gian phát triển kinh tế số như: Nông nghiệp; thương mại điện tử; giao thông vận tải và logistics; sản xuất công nghiệp; văn hóa và du lịch; dệt may… Hoạt động này đang được các ngành đẩy mạnh với một số kết quả nổi bật.

Chẳng hạn, ngành nông nghiệp đã xây dựng và đang triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp như: Trồng trọt, cấp mã số vùng trồng, mạng lưới kết nối sản phẩm OCOP gắn với hoạt động thương mại.

Bên cạnh đó, triển khai nền tảng “Mạng nhà nông” trên toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và triển khai nền tảng giám sát hoạt động sản xuất lúa (RiceMo) trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thí điểm xây dựng bản đồ kết nối du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Trong ngành thương mại, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 là 20%. Tỷ trọng thương mại điện tử/tổng bán lẻ hàng hóa khoảng 8%. Đồng thời, tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định về quản lý hoạt động kinh doanh trên không gian mạng để thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong ngành công nghiệp, ông Hưng cũng nêu dẫn chứng cụ thể trong ngành dệt may, đến năm 2023 đã triển khai chuyển đổi số quy trình sản xuất được hơn 100 doanh nghiệp, ngoài ra trong giai đoạn kinh tế suy thoái, khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng, nền tảng số Make in Việt Nam giúp kết nối hơn 1.000 đơn hàng cho các doanh nghiệp chuyển đổi số. Kết hợp với chuyển đổi xanh tạo nên sự phát triển bền vững cho toàn ngành.

Ngoài ra, trong ngành du lịch, các nền tảng số trong lĩnh vực du lịch đã được xây dựng kế hoạch triển khai như: Nền tảng bảo tàng số và Nền tảng Nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch.

Ở ngành giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải thúc đẩy triển khai chuyển đổi số cảng biển và kết nối các cảng biển nhằm nâng cao năng lực, rút ngắn thời gian phục vụ, đã bước đầu triển khai được 25/145 cảng biển trên phạm vi toàn quốc (từ khi bắt đầu thúc đẩy năm 2021 mới có 4 cảng đến nay đã chiếm thị phần lớn nhất).

Mục tiêu năm 2025, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; phát triển các mô hình kinh tế số dựa trên dữ liệu để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội chất lượng cao.

Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương sẽ xây dựng các bộ dữ liệu cũng như chuẩn bị sẵn sàng dữ liệu tại các cơ sở dữ liệu ngành, kho dữ liệu số và cổng dữ liệu mở. Đặt hàng xây dựng các ứng dụng số dựa trên bộ dữ liệu và các kịch bản khai thác, sử dụng dữ liệu. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ lựa chọn một địa phương để xây dựng mô hình mẫu trong một số ngành, lĩnh vực.

Về phía doanh nghiệp làm chủ công nghệ 5G, công nghệ lõi AI, mô hình ngôn ngữ lớn (LLM); phát triển các ứng dụng số vào giải quyết các bài toán trong các ngành, lĩnh vực...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...