A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hơn nửa triệu người bỏ TikTok sang ứng dụng mới của Trung Quốc

Hơn nửa triệu người dùng Mỹ đã đổ xô sang ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc Xiaohongshu (tên tiếng Anh là RedNote) chỉ vài ngày trước khi lệnh cấm TikTok tại Mỹ có hiệu lực.

Trong vòng hai ngày, Xiaohongshu đã thu hút hơn 700.000 người dùng mới, khiến ứng dụng này nhanh chóng leo lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng tải xuống tại Mỹ.

hon nua trieu nguoi bo tiktok sang ung dung moi cua trung quoc hinh 1

Giao diện nền web khá giống TikTok của Xiaohongshu. Ảnh chụp màn hình.

Xiaohongshu, ra mắt năm 2013, là nền tảng chia sẻ phong cách sống, nơi người dùng đăng tải hình ảnh, video và bài viết về cuộc sống hàng ngày. Ứng dụng này đã trở thành công cụ tìm kiếm phổ biến cho hơn 300 triệu người dùng, cung cấp gợi ý về du lịch, mỹ phẩm và ẩm thực.

Làn sóng người dùng Mỹ gia nhập Xiaohongshu đã tạo nên những cuộc trao đổi văn hóa thú vị. Trong một phòng trò chuyện mang tên "Người tị nạn TikTok", hơn 50.000 người dùng Mỹ và Trung Quốc đã cùng nhau thảo luận về ẩm thực và tình trạng thất nghiệp của thanh niên. Tuy nhiên, các chủ đề nhạy cảm như sự khác biệt pháp luật giữa Trung Quốc và Hồng Kông thường bị tránh né.

Sự gia tăng người dùng diễn ra trước hạn chót ngày 19/1, khi ByteDance buộc phải bán TikTok hoặc đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ vì lo ngại về an ninh quốc gia. TikTok hiện có khoảng 170 triệu người dùng Mỹ, phần lớn là giới trẻ và là đối tượng chính của các nhà quảng cáo.

Nhiều người dùng Mỹ xem việc chuyển sang Xiaohongshu là cách phản đối lệnh cấm TikTok và sự kiểm soát của chính phủ đối với các nền tảng công nghệ. Một số người tìm kiếm lựa chọn thay thế cho Facebook, Instagram và X, nhưng lo ngại về khả năng tái tạo cộng đồng và lượng người theo dõi trên các nền tảng này.

Sự bùng nổ người dùng Mỹ đã đặt ra thách thức cho Xiaohongshu trong việc kiểm duyệt nội dung tiếng Anh và phát triển công cụ dịch thuật. Tuy nhiên, công ty coi đây là cơ hội để mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu, tương tự như thành công của TikTok.

Cao Phong (theo Forbes, Newsweek, Reuters)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...