Chuyển đổi số trong giáo dục: Chủ động bắt nhịp, tạo bước đột phá
Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục.
Xu hướng tất yếu
Trong những năm qua, Đảng, Nhà Nước và toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội đã dành sự quan tâm cho chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động GD&ĐT. Do đó, chất lượng giáo dục tại Việt Nam ngày càng đi lên. Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, chất lượng đào tạo được cải thiện, chương trình học được đổi mới…
Đáng chú ý, ngày 25/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngày 16/8/2024, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Ứng dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong GD&ĐT”. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã nhận định, giáo dục là ngành được hưởng lợi rất nhiều từ công cuộc chuyển đổi số đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, AI vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn, yêu cầu phải có cách tiếp cận phù hợp và trong lĩnh vực giáo dục cần gấp rút triển khai nếu không sẽ bị tụt hậu.
Thực hiện theo Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Đồng thời, việc thực hiện theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án số 06) của Bộ GD&ĐT cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đến nay, Bộ GD&ĐT đã xây dựng được 100% cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, đã kết nối và xác thực và định danh của hơn 24 triệu giáo viên và học sinh (đạt tỷ lệ gần 98%). Ngoài việc thực hiện những quy định về chuyển đổi số trong giáo dục, Bộ GD&ĐT cũng chú trọng tới việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và an toàn thông tin mạng.
Có thể nói, với sự quan tâm đúng mức, Đảng và Chính phủ đã nhìn nhận đúng đắn tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục, phù hợp với cách nhìn của thế giới và đưa ra những chỉ đạo quan trọng nhằm xúc tiến quá trình thực hiện; từ đó đạt được nhiều thành tựu mang tính quyết định.
Đổi mới về tư duy cần gắn liền với pháp luật
Trải qua gần 40 năm công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng đối với công nghệ thông tin và kinh tế số. Trong đó, chuyển đổi số là một trong những lĩnh vực được chú trọng đầu tư nhiều nhất. Năm 2021, đầu tư mạo hiểm vào chuyển đổi số ở Việt Nam đã vượt 1,4 tỷ USD, gấp 30 lần so với năm 2017. Với tiền đề là sự đổi mới về tư duy, phát triển về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và sự phát triển vượt trội về tư liệu sản xuất, việc chinh phục công nghệ đã trở nên khả thi hơn bao giờ hết.
Theo đánh giá của các chuyên gia, xã hội luôn không ngừng phát triển do nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Vì vậy, con người đã từng ngày từng giờ đang nỗ lực thay đổi cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất để đạt được hiệu quả tối đa.
Tuy đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể nhưng những hạn chế còn tồn đọng đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, trong quá trình chuyển đổi số trong hoạt động GD&ĐT cần có một hành lang pháp lý an toàn, bảo đảm tạo ra môi trường giảng dạy, học tập và quản lý thuận lợi, đạt chất lượng hiệu quả cao và hạn chế những rủi ro phát sinh. Mặc dù vậy, pháp luật về chuyển đổi số trong hoạt động GD&ĐT cũng mang những đặc điểm riêng biệt. Do vậy, điều chỉnh pháp luật trong lĩnh vực GD&ĐT cần phải gắn liền với pháp luật về ứng dụng khoa học công nghệ số.
Đặc biệt, trước tình hình cách mạng khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển với trình độ ngày càng được nâng cao, lực lượng sản xuất tăng nhanh cũng như việc xuất hiện của xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam bị buộc phải phải đẩy nhanh quá trình học hỏi, tiếp nhận cũng như áp dụng các thành tựu khoa học – kĩ thuật tiên tiến để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong đó, yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến pháp luật về chuyển đổi số trong hoạt động GD&ĐT là năng lực xây dựng pháp luật của các chủ thể. Để đảm bảo tính khả thi của pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào khả năng quan sát, dự đoán của những chủ thể có thẩm quyền trong việc xây dựng pháp luật. Yếu tố tiếp theo ảnh hưởng đến việc xây dựng pháp luật về chuyển đổi số trong hoạt động GD&ĐT là tình hình hội nhập và phát triển của Đất nước.
Ngoài ra, chuyển đổi số còn đòi hỏi một nguồn vốn khổng lồ để xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, chuyển giao, phát triển những công nghệ mới. Do đó, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài hay học hỏi những công nghệ của các quốc gia trên thế giới là vô cùng quan trọng.
Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế có rất nhiều cơ hội giúp phát triển kết nhanh chóng. Do đó, việc hội nhập và phát triển, mà cụ thể là chuyển đổi số trong hoạt động GD&ĐT có thành công hay không sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng pháp luật.
Tài liệu tham khảo:
Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" ban hành ngày 3/6/2020;
Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030" ban hành ngày 25/1/2022;
Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành ngày 6/1/2022;
Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Bảo vệ dữ liệu cá nhân; được ban hành ngày 17/04/2023;
Thông tư số 42/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo: Quy định về cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo ban hành 30/12/2021.
Vũ Ngọc Diệu Linh, Kim Thăng Long - Lớp Luật chất lượng cao 4833, Đại học Luật Hà Nội