Các cơ quan báo chí địa phương tìm lời giải cho 'bài toán' nhân lực để chuyển đổi số
Nhân lực cho chuyển đổi số đang là thách thức lớn đối với các cơ quan báo chí ở nhiều địa phương. Tuy nhiên tại một số cơ quan báo chí ở địa phương đã có những bước đi, giải pháp mới, tận dụng và đào tạo được nguồn nhân lực tại chỗ, nhằm tạo ra những sản phẩm truyền thông mới, đáp ứng những yêu cầu, nhu cầu của công chúng.
Thay đổi tư duy và cách làm từ người đứng đầu
Những năm gần đây, Báo Đắk Nông có bước phát triển ấn tượng, là một trong những báo Đảng địa phương thực hiện chuyển đổi số báo chí mạnh mẽ. Báo Đắk Nông đã đẩy mạnh phát triển các kênh tuyên truyền trên nền tảng số, đưa các tác phẩm báo chí lên các trang mạng xã hội như Fanpage, Youtube, Zalo, Tiktok, xuất hiện nhiều các tác phẩm dạng long-form, e-magazine hay megastory..., đáp ứng nhu cầu thông tin phong phú, đa dạng của công chúng.
Các chuyên trang, chuyên mục được sắp xếp lại khoa học và hợp lý hơn, ứng dụng AI vào quản trị nội dung. Độc giả dễ tiếp cận, truy cập và theo dõi thông tin mình quan tâm. Đáng lưu ý, nhóm các tác phẩm báo chí hiện đại, các trang địa phương và các tuyến bài được thiết kế có tính hệ thống, đẹp mắt và hợp lý. Nhiều trang thể hiện rõ nét sự tươi mới, hiện đại trong bố trí, sắp xếp thông tin.
Thực tế cho thấy, công nghệ số ngày càng tiến bộ đã thay đổi cách người dùng tiếp nhận thông tin. Công chúng ngày càng yêu cầu nội dung đa dạng, tương tác cao và phản hồi nhanh chóng. Điều này đặt ra thách thức với các phóng viên và biên tập viên phải hiểu rõ các nền tảng và công cụ mới để duy trì tính cạnh tranh và hiệu quả trong công việc. Các phóng viên và biên tập viên phải có khả năng sử dụng các công nghệ và phương tiện truyền thông số để phục vụ công chúng một cách tối ưu.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, nhà báo Vũ Ngọc Tú - Tổng Biên tập Báo Đắk Nông cho biết: "Trong quá trình chuyển đổi số, chúng tôi may mắn có sự hỗ trợ về mặt công nghệ, phần mềm ứng dụng từ Báo Nhân dân, sau khi có công nghệ chúng tôi cử 2, 3 cán bộ tham gia các khóa học làm báo hiện đại từ Hội Nhà báo Việt Nam, trong đó có tôi, một trưởng phòng và một phóng viên để vừa học vừa làm các tác phẩm báo chí hiện đại. Trong quá trình làm dần dần có kinh nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm ra các phòng khác. Đầu tiên Báo có một tháng 1 bài, những tháng tiếp theo một tháng 3, 4 bài, đến nay các bài dạng e-magazine đã xuất hiện hàng ngày và rất nhiều phóng viên đều có thể làm được, dù họ già hay trẻ, phòng điện tử hay phòng báo in".
Nhà báo Vũ Ngọc Tú thông tin thêm: “Để mỗi cơ quan báo chí có nhân sự hiểu về công nghệ, sử dụng công nghệ thành thạo và tạo ra những tác phẩm báo chí mang màu sắc hiện đại thì điều quan trọng nhất là người đứng đầu và từng cán bộ phóng viên phải thay đổi tư duy. Phải phá bỏ sự khu biệt giữa các phòng, các phóng viên, trước đây các phóng viên việc ai người đó làm, không phối hợp, không quan tâm đến chất lượng. Tuy nhiên sau khi chúng tôi ban hành Nghị quyết về ứng dụng công nghệ và nâng cao chất lượng tác phẩm, đưa tiêu chí này để đánh giá năng lực, khen thưởng và xử phạt thì đến nay đã có kết quả tốt, từ chỗ không có các tác phẩm báo chí dạng đa phương tiện, đến nay các tác phẩm này đã trở nên phổ biến”.
Tạo môi trường làm việc năng động, gợi mở
Thực tế, ghi nhận ở các địa phương, nhiều cơ quan báo chí ở các tỉnh, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn yếu về tiềm lực tài chính, khó khăn trong tiếp cận công nghệ và đặc biệt là nguồn nhân lực chưa đáp ứng cho cuộc chuyển đổi số báo chí. Tuy nhiên, vẫn có những đơn vị tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải pháp quan trọng để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số báo chí. Nguồn lực chưa đáp ứng. Đây là vấn đề mấu chốt. Nếu giải quyết được trăn trở này sẽ tìm được chìa khóa thành công cho chuyển đổi số báo chí ở địa phương.
Ở Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi cũng gặp những khó khăn riêng, trong đó cán bộ nhân viên của Đài có tuổi đời bình quân của nhân lực là 45 tuổi, khá cao, khó khăn trong tiếp cận công nghệ. Điều này ảnh hưởng ít nhiều trong chuyển đổi số báo chí.
Quá trình chuyển đổi và hậu chuyển đổi cũng phát sinh dôi dư, buộc phải cắt giảm số người lao động ở một số vị trí việc làm. Điều này gây tâm tư cho người lao động. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu chuyển đổi số cũng có một số bộ phận cần bổ sung thêm nhân lực. Như vậy phải chuyển dịch lao động từ bộ phận thừa sang bộ phận thiếu.
Bên canh đó, Đài đã áp dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ số như Hệ thống Quản lý sản xuất, phân phối nội dung, sử dụng trí tuệ nhân tạo. Lúc này các bộ phận trực phát sóng, biên dịch viên tiếng nước ngoài, phát thanh viên, nhân viên thống kê nhuận bút sẽ giảm bớt. Ban giám đốc Đài đã đưa nhân lực từ các bộ phận này chuyển sang các bộ phận sản xuất chương trình, nhất là bộ phận phát triển nội dung số. Dành thời gian nhất định để người lao động làm quen, được đào tạo, bồi dưỡng lại chuyên môn, nghiệp vụ.
Đài Quảng Ngãi đã thường xuyên cử viên chức, người lao động tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về quản lý báo chí hiện đại, về chuyển đổi số báo chí, về kỹ năng phân phối nội dung số, về kỹ năng sản xuất các sản phẩm mới cho nền tảng số. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng Đài cử người tham gia các lớp do Hội Nhà báo tỉnh và các bộ, ngành trung ương tổ chức.
Một số lớp khi tổ chức tại cơ quan, Đài đã huy động toàn thể phóng viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên, nhân viên hành chính cùng tham gia, kể cả những bộ phận gián tiếp sản xuất cũng tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Cách đào tạo, bồi dưỡng như thế có những ích lợi là viên chức, người lao động trong diện chuyển dịch vị trí việc làm chủ động hơn trong nắm bắt kiến thức chuyên môn mình sắp được nhận nhiệm vụ. Lãnh đạo Đài xác định, người ở bộ phận này cũng cần phải hiểu những phần việc của bộ phận kia, bởi chuyển đổi số thì sẽ không có cát cứ, cục bộ mà là một hệ thống liên hoàn, từ sản xuất đến phân phối chương trình…
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: "Điều quan trọng là cần tạo ra một môi trường làm việc năng động, luôn gợi mở, luôn được cập nhật xu hướng mới, luôn biết lắng nghe, học hỏi và nhất là tự tay cầm chuột máy tính, tự tay chạm màn hình cảm ứng. Về phía người quản lý, hay người tổ chức sản xuất, người biên tập phải thường xuyên lướt mạng để không lỗi thời, phải thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn và thường xuyên tham gia hội thảo, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nghiên cứu tài liệu để nắm xu thế của báo chí trong nước và thế giới".