A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo cơ chế đặc thù cho khoa học công nghệ

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến sắp được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý và tiền đề quan trọng để thực hiện các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm khai thác, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai.

Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội quanh những thay đổi của dự thảo Luật trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

khoa-hoc.jpg

Nghiên cứu sản xuất sản phẩm gel rửa tay khô tại phòng thí nghiệm Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hinh

- Với lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ đem lại cú hích nào, thưa ông?

- Việc sửa đổi Luật Thủ đô là để tạo ra cơ chế đặc thù, tạo sự đột phá cho phát triển nguồn lực, giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng vậy, những điều được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là hành lang pháp lý để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, giúp cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có bước đột phá và phát triển mạnh mẽ.

- Đề nghị ông chia sẻ cụ thể hơn về những nội dung thay đổi cơ bản trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo?

- Vấn đề này trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 4 nội dung chính, gồm: Cơ chế chính sách vượt trội liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ; cơ chế chính sách đặc thù đối với đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách của thành phố; các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; các cơ chế đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và các khu công nghệ cao nói chung trên địa bàn thành phố.

Theo đó, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xử lý tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước sẽ được giải quyết. Đấy là tín hiệu đáng mừng để các hoạt động khoa học công nghệ sau này được dễ dàng đưa vào ứng dụng thực tế hơn so với hiện nay.

Việc đầu tư mua sắm trong lĩnh vực khoa học công nghệ cũng vậy. Theo quy định của pháp luật thì phải tổ chức đấu thầu, nhưng trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), việc mua sắm, thuê mướn các dịch vụ sẽ giao cho chính đơn vị chủ trì tự quyết định phương thức lựa chọn nhà thầu. Việc này giúp đơn vị chủ trì và chủ nhiệm chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ, rút ngắn thời gian và quan trọng là để các nhà khoa học tập trung vào công tác chuyên môn.

Liên quan đến cơ chế hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề cập đến việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sự kiểm soát của Nhà nước. Tôi nghĩ đây là bước đột phá, vì theo quy định pháp luật thì sử dụng ngân sách không được gây thất thoát; nay dự thảo Luật chấp nhận có rủi ro sẽ tạo được những cú hích, động lực phát triển đổi mới sáng tạo.

Đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các khu công nghệ cao nói chung trên địa bàn thành phố, dự thảo Luật đã tập trung vào việc phân cấp phân quyền cho Ban Quản lý các khu công nghệ cao. Điều này sẽ giúp các hoạt động liên quan đến việc thu hút các nhà đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư... được nhanh chóng, thuận tiện hơn, tạo động lực cho các khu công nghệ cao phát triển theo đúng định hướng.

Một điểm quan trọng trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là cho phép các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ công lập được phép thành lập doanh nghiệp, cán bộ, giảng viên có thể làm chủ các doanh nghiệp ấy. Điều này giúp cho kết quả nghiên cứu khoa học trong các viện, trường đi vào cuộc sống nhanh hơn, phục vụ cho mục tiêu phát triển của Thủ đô cũng như cả nước.

- Khi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua thì Trường Đại học Thủ đô Hà Nội sẽ có những cơ hội gì, thưa ông?

- Trước đây, theo nguyên tắc thì Hà Nội không dùng ngân sách cho các đơn vị không thuộc Hà Nội.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cho phép thành phố được dùng ngân sách để hỗ trợ cho các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ hình thành các phòng thí nghiệm trọng điểm hoặc các trung tâm nghiên cứu và phát triển. Điều này giúp Hà Nội tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn.

Khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực, để phát huy vai trò và ưu thế của một trường đại học trực thuộc thành phố, chúng tôi sẽ tham mưu, đề xuất với thành phố xây dựng đề án hình thành các trung tâm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh ở trường. Trên cơ sở các chính sách đặc thù, vượt trội của Luật, nhà trường sẽ có cơ hội để tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đến với trường, xây dựng các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên trọng điểm của thành phố, giúp cho trường ngày một phát triển và sẽ trở thành một trong những trường đại học có thương hiệu, có uy tín.

- Trân trọng cảm ơn ông!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...