Đối với truyền hình, AI đã, đang và sẽ được ứng dụng rộng rãi
Công nghệ AI ngày càng trở nên phổ biến và là cuộc cách mạng trên mọi lĩnh vực trong đó có báo chí, truyền thông. Đối với truyền hình, AI đã, đang và sẽ được ứng dụng rộng rãi trong việc tìm kiếm, lựa chọn chủ đề, thiết kế nội dung phù hợp với công chúng.
AI góp sức trong truyền hình như thế nào?
Vừa qua, khán giả Mỹ được trải nghiệm AI khi xem Thế vận hội Olympic Paris 2024 trên NBCUniversal và dịch vụ phát trực tuyến Peacock nhờ vào sự hợp tác mới giữa NBCUniversal, Google và Đội tuyển Mỹ.
Hình ảnh Google Map được tăng cường AI về các địa điểm tổ chức Olympic sẽ giúp người xem cảm nhận được Paris, trong khi người dẫn chương trình của NBC sẽ có thể trả lời các câu hỏi về cuộc thi bằng tìm kiếm AI của Google.
NBCUniversal cũng sẽ sử dụng AI để tạo ra các bản tóm tắt hàng ngày được cá nhân hóa về các sự kiện Olympic, được tường thuật bằng giọng nói tái tạo của bình luận viên thể thao Al Michaels.
Olympic Broadcasting Services, đơn vị sản xuất nội dung trung lập có thể được các công ty truyền thông trên toàn thế giới sử dụng, cũng đang áp dụng AI để hỗ trợ cắt nhanh một lượng lớn cảnh quay thành những điểm nhấn ngắn gọn.
Theo Scott Young - Phó Chủ tịch cấp cao tại Warner Bros. Discovery Sports Europe - đơn vị phát trực tuyến Thế vận hội trên khắp châu Âu cho biết: "Có lẽ chỉ cần một kỳ Thế vận hội mùa hè nữa là chúng ta sẽ thấy được tác động thực sự của AI".
Nhìn nhận về xu hướng này, nhà báo Tạ Bích Loan - Trưởng Ban Sản xuất các chương trình Giải trí (VTV3) - Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng ngày nay, công nghệ AI ngày càng trở nên phổ biến và là cuộc cách mạng trên mọi lĩnh vực trong đó có báo chí, truyền thông. Đối với truyền hình, AI đã, đang và sẽ được ứng dụng rộng rãi trong việc tìm kiếm, lựa chọn chủ đề, thiết kế nội dung phù hợp với công chúng.
Đài Truyền hình Việt Nam trong những năm qua đã phát triển nhiều giải pháp công nghệ nhằm thu hút khán giả đến với nội dung của mình, đặc biệt trong bối cảnh nền tảng kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ và tạo ra sự kết nối, tương tác thời gian thực, khác biệt hoàn toàn với phương thức phát sóng cũ.
Nhiều chương trình truyền hình đã tận dụng hình thức bình chọn, chấm điểm trực tuyến trên ứng dụng VTVGo để làm cơ sở lựa chọn đội thi, thí sinh như: SV2020, Giải thưởng VTV, Tiểu trạng nguyên...
"Những kết quả bình chọn, chấm điểm trực tuyến này góp phần nâng cao "sức mạnh” của khán giả qua các chương trình, giúp người dùng kết nối nhiều hơn với nền tảng trực tuyến VTVGo cũng như với các kênh của VTV", nhà báo Tạ Bích Loan cho hay.
Để mở rộng lựa chọn tương tác với khán giả, theo nhà báo Tạ Bích Loan, Đài Truyền hình Việt Nam cũng đang nghiên cứu, thử nghiệm một số công nghệ mới như Gamification ứng dụng công nghệ Blockchain, xây dựng các kịch bản tương tác với nội dung như Quiz Game, BlackBox… nhằm khuyến khích người xem dành nhiều thời gian hơn cho VTVGo và VTVNews.
Tính tương tác còn được thể hiện ở tùy chọn chia sẻ nội dung với bạn bè, người quen qua mạng xã hội. Các nội dung của VTV trên VTVGo/VTVNews đều có nút Chia sẻ để người xem dễ dàng chia sẻ lên các mạng xã hội phổ biến như Facebook, TikTok, Zalo... và lan tỏa nội dung của VTV đến đông đảo khán giả hơn.
"Việc thu thập hành vi người dùng trên các nền tảng của VTV như VTVGo/VTVNews cũng được ưu tiên", bà Loan chia sẻ và cho biết, mọi hành vi nghe, xem, làm theo của khán giả đều được lưu lại trên hệ thống Big Data của đài, từ đó đưa ra những phân tích về thói quen, thiết bị, thông tin khu vực, giới tính, độ tuổi của khán giả.
Dựa trên những dữ liệu này, người dùng sẽ được hệ thống tự động gợi ý những nội dung phù hợp như: nội dung dựa trên thói quen và sở thích, nội dung được nhiều người cùng độ tuổi, giới tính theo dõi.
Đây cũng là một điểm quan trọng trong việc cá nhân hóa nội dung cho người dùng. Mỗi người dùng tùy theo sở thích, thói quen sẽ có những gợi ý nội dung riêng khi trải nghiệm các nền tảng.
Ba cách thức để truyền hình có được sự gắn kết chặt chẽ hơn với khán giả
Tương tác là một yếu tố quan trọng tạo nên sự thu hút và lan toả của một video. Theo nhà báo Tạ Bích Loan, trên truyền hình có thể gợi lên cuộc đối thoại trong tâm trí khán giả bằng các câu hỏi, câu trích dẫn, văn bản...tuy nhiên, đó vẫn là tín hiệu một chiều và thiếu tính đối thoại do công nghệ truyền dẫn là tuyến tính. Dù là chương trình truyền hình trực tiếp nhưng khán giả cũng khó có thể gửi ý kiến, bày tỏ trên truyền hình.
"Cần có kết nối từ điện thoại di động của khán giả đến phần mềm Trung tâm điều khiển MCR để thực hiện được điều này, song, hiện nay công nghệ truyền dẫn truyền hình chưa đáp ứng được yêu cầu này", bà Loan nói.
Trong khi đó, dưới các video trên mạng xã hội, người dùng có thể nhấn nút để bày tỏ thái độ, gửi ý kiến sẽ hiển thị ngay trong phần bình luận của video. Khả năng chia sẻ ý kiến và nhận xét nhanh hơn cũng là điều mà nhu cầu chia sẻ và ảnh hưởng của người dùng được đáp ứng rất dễ dàng.
Bất cứ khi nào thấy một video mà họ thấy thú vị hoặc thấy hữu ích, họ có thể gửi video đó cho một hoặc nhiều người một cách dễ dàng và nhanh chóng, giúp thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm sự ủng hộ hoặc bày tỏ quan điểm của công chúng.
Về khả năng xem lại và tua chậm, Trưởng Ban VTV3 nhận định, công nghệ truyền hình tạo điểm hẹn để khán giả xem trực tiếp khi phát sóng trên thiết bị ghi hình, tạo hiệu ứng hiện diện (người xem có cảm giác như đang ở sự kiện), hiệu ứng tức thì (người xem có cảm giác như đang nghe và thấy những gì đang diễn ra tại sự kiện - thời điểm phát sóng và có phản ứng về mặt cảm xúc và tinh thần khi tiếp nhận thông tin).
Còn đối với video trên mạng xã hội có thể được phát lại và xem theo ý thích. Người xem vẫn có được cảm xúc như đang hiện diện và có thể lặp lại chúng khi xem lại video. Điều này giúp thông tin từ video được tiếp thu đầy đủ và triệt để hơn.
Đối với thuật toán đề xuất trên các nền tảng mạng xã hội giúp các video được gợi ý, đề xuất liên tục. Ví dụ ở mục Video to Watch được phân tích và tổng hợp bằng công nghệ AI dựa trên nhu cầu của người xem, thỏa mãn nhu cầu xem liên tục các chủ đề mà một người quan tâm.
Ở truyền hình, nhà báo Tạ Bích Loan cho biết, nhu cầu xem được nghiên cứu từ đó, khung phát sóng được thiết kế có tính đến khả năng sản xuất, thời lượng phát sóng…Tuy nhiên, đôi khi công nghệ AI hiểu sai nhu cầu của người xem dù đã nghiên cứu và điều chỉnh nội dung phù hợp với từng người dùng.
"Và truyền hình, với tư cách là phương tiện thông tin đại chúng, đã đáp ứng được một phần nhu cầu bằng việc tính toán, sắp xếp khung phát sóng, phục vụ số đông. Thang đo nhu cầu hài lòng là con số về lượng người xem truyền hình, một con số quan trọng được phân tích thường xuyên làm cơ sở để tiếp cận và làm hài lòng khán giả tốt hơn", nhà báo Tạ Bích Loan nhận định.
Theo Trưởng Ban VTV3, nếu chúng ta không thể phủ nhận ảnh hưởng của truyền thông, trong đó có truyền hình, đến nhận thức, cảm xúc và hành vi của con người thì điều quan trọng là phải tìm ra nhu cầu xem nào sẽ phù hợp với nhu cầu chung của xã hội. Nhu cầu giao tiếp, tương tác, bày tỏ ý kiến, quan điểm riêng của mình là hoàn toàn hợp lý và đòi hỏi phải đầu tư công nghệ mới ngày càng nhiều để mang lại sự hài lòng cho người dân.
Hoà Giang