Giao thông xanh - Nhìn từ những hình mẫu thành công ở châu Âu
Cho tới nay, châu Âu đã được xem là châu lục đi đầu trong hành trình chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu với lượng khí thải nhà kính không ngừng giảm trong những năm gần đây. Bước tiến đáng kể ấy là trái ngọt của quyết tâm chuyển đổi xanh quyết liệt, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, trong những sự chuyển xanh mạnh mẽ nhất của châu Âu, giao thông xanh là một trong những thành công nổi bật.
Từ Thỏa thuận Xanh châu Âu - Tham vọng đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Cách đây 6 năm, tháng 12/2019, Hội nghị lần thứ 25 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25, diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha) đã không đạt được mục tiêu mong đợi khi nhiều nền kinh tế không đạt được thỏa thuận về một số quy định nhằm thực thi Hiệp định Paris. Bù lại, COP 25 đã có được một điểm sáng duy nhất đó là việc các thành viên EU (trừ Ba Lan, Séc, Hungary) đã nhất trí tham gia Thỏa thuận Xanh - Green Deal, theo đó nâng mục tiêu giảm lượng khí CO2 từ 40% lên 55% vào năm 2030 và đến năm 2050 trung hòa về carbon (tức là có biện pháp để hấp thụ khí thải, đúng bằng khối lượng đã phát thải). Đến ngày 15/1/2020, Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) đã chính thức được thông qua, chính thức khởi động xu hướng mang tính bước ngoặt trên toàn cầu, đồng thời tạo nên kế hoạch cụ thể để nền kinh tế EU phát triển bền vững.
Từ kim chỉ nam EGD, nhiều quốc gia EU đã vươn lên dẫn đầu về đầu tư cho tăng trưởng xanh. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong năng lượng tiêu thụ của châu Âu đã tăng từ 10,2% trong năm 2005 lên 24% trong năm 2023. Lượng khí thải nhà kính năm 2023 của khối này đã giảm tới 8% so với năm trước đó và giảm 37% so với những năm 90 của thế kỷ 20.
Theo xếp hạng chỉ số Green Future Index 2022, Top 5 quốc gia dẫn đầu về nền kinh tế carbon thấp đều thuộc EU. EU cũng đang dẫn đầu thế giới về công nghệ sạch, như tua-bin gió, máy điện phân và nhiên liệu ít carbon.
Đáng chú ý, ngày 14/2/2023, Nghị viện châu Âu chính thức thông qua lệnh cấm bán xe chạy xăng và dầu diesel từ năm 2035. Theo đó, đến năm 2030, lượng khí thải CO₂ từ các xe mới bán ra tại EU phải giảm 55% so với mức năm 2021. Đến năm 2035, mức giảm phải đạt 100%, đồng nghĩa với việc các loại xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống sẽ không còn được phép bán mới tại thị trường này. Song song với đó, nhiều quốc gia châu Âu như Na Uy, Anh, Pháp… hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch đi vào các khu vực trung tâm.
Mới đây, tháng 2/2025, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố khoản đầu tư 422 triệu euro (454 triệu USD) để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng nhiên liệu thay thế trên khắp Liên minh châu Âu (EU). Nguồn vốn này, được trích từ Quỹ Cơ sở hạ tầng nhiên liệu thay thế (AFIF), sẽ hỗ trợ các dự án tập trung vào việc lắp đặt trạm sạc điện công cộng, trong đó có các bộ sạc công suất lớn cho xe tải hạng nặng.
Ngoài ra, EU cũng đầu tư vào các trạm tiếp nhiên liệu hydro, hệ thống cung cấp điện tại các cảng, điện khí hóa sân bay, đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng cho các loại nhiên liệu thay thế như amoniac và methanol để phục vụ ngành vận tải biển.
Mô hình tuyến đường cao tốc điện, sạc pin ô tô tại Thụy Điển. Ảnh minh họa.
Đến giao thông thân thiện với môi trường tại Thụy Điển
Thụy Điển từ lâu đã được đánh giá là quốc gia có hệ thống giao thông an toàn bậc nhất thế giới với những mô hình giao thông rất hiệu quả mà Vision Zero là một minh chứng. Bên cạnh đó, Thuỵ Điển còn đặc biệt chú trọng với việc phát triển hệ thống giao thông thông minh, hiện đại và đặc biệt là thân thiện với môi trường.
Năm 2023, khi EU thông qua đạo luật yêu cầu tất cả ô tô mới bán ra từ năm 2035 không thải khí CO2, thì Thụy Điển đã là quốc gia tiên phong xây dựng tuyến đường cao tốc điện từ đầu tiên trên thế giới. Theo đó, đường cao tốc điện từ là tuyến đường các xe ô tô, xe tải có thể sạc trong khi di chuyển, từ đó giúp các phương tiện giao thông di chuyển quãng đường dài hơn với pin nhỏ hơn và tránh phải chờ đợi ở các trạm sạc.
Đường cao tốc được chọn để xây dựng thành đường điện từ vĩnh viễn là tuyến đường châu Âu E20, kết nối các trung tâm hậu cần giữa hai vùng Hallsberg và Örebro, nằm giữa 3 thành phố lớn của quốc gia này là Stockholm, Gothenburg và Malmö. Theo Jan Pettersson, Giám đốc phát triển chiến lược tại Trafikverket, cơ quan quản lý giao thông Thụy Điển, nơi xây dựng dự án thử nghiệm tuyến đường này cho biết, phương pháp điện khí hóa các tuyến đường giao thông là xu hướng tương lai để khử carbon trong ngành giao thông vận tải.
Trước đó, năm 2025, thành phố Gothenburg của Thụy Điển là địa phương đầu tiên của nước này khai trương tuyến đường dành cho xe buýt điện tái tạo – loại xe buýt không gây tiếng ồn, không phát thải, chạy bằng điện từ gió và nước. Còn tại Thủ đô Stockhol, đã có hệ thống giao thông công cộng ngầm chạy bằng điện xanh, trước đó kể từ năm 2017 tất cả xe buýt đều chạy bằng nhiên liệu tái tạo. Thành phố này cũng đã quyết tâm đặt mục tiêu 100% phương tiện di chuyển bằng năng lượng bền vững vào năm 2030.
Mới đây nhất, ngày 5/7, Thủ đô Stockholm đã bắt đầu vận hành thử nghiệm chiếc phà cánh ngầm điện đầu tiên trên thế giới P-12. Cơ quan giao thông công cộng Stockholm cho biết P-12 không chỉ giúp rút ngắn thời gian mà còn giảm tới 95% lượng khí thải và tiêu thụ ít hơn 80% năng lượng so với phà thông thường. Trước đó hai năm, Thụy Điển cũng đã cho thử nghiệm phà chạy bằng điện. Khi đó, nhà sản xuất - công ty Candela cho biết: “Với P-12, chúng tôi không chỉ cung cấp lựa chọn chạy điện thoải mái và nhanh hơn phà sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Chúng tôi giúp các nhà vận hành chuyển sang phương tiện bền vững, đồng thời tăng lợi nhuận”.
Ngành công nghiệp ôtô Thụy Điển đã cam kết sẽ có 80% tổng số ôtô mới bán ra ở Thụy Điển sử dụng điện vào năm 2030. 50% tổng số xe tải hạng nặng trên 16 tấn cũng sẽ chạy bằng điện.
Na Uy: Quốc gia đầu tiên chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện
Một quốc gia châu Âu khác cũng được đánh giá cao về chuyển đổi xanh, phát triển xanh là Na Uy, trong đó giao thông xanh là điểm nhấn ấn tượng. Đơn cử, Thủ đô Oslo, tháng 12/2029 đã được Ủy ban châu Âu trao Giải thưởng Thủ đô Xanh châu Âu năm 2019, dựa trên các tiêu chí: Giảm phát khí thải khí CO2; cải thiện chất lượng môi trường không khí, nguồn nước; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; hướng đến phát triển xanh; nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học; đặc biệt là những nỗ lực trong cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp và giao thông công cộng…
Đường sạc không dây tại Troindheim, Na Uy. Nguồn: Electreon
Trong lĩnh vực giao thông công cộng, hệ thống phương tiện giao thông công cộng của thành phố, gồm tàu điện, phà và xe buýt, hiện gần như hoàn toàn chạy bằng điện. Năm 2023, xe điện chiếm 70% tổng số xe hơi bán ra ở Oslo, biến Oslo trở thành thủ phủ của xe điện trên toàn thế giới tính theo đầu người. Để hiện thực hoá mục tiêu là đến năm 2030, 100% phương tiện giao thông vận tải công cộng sẽ sử dụng năng lượng tái tạo, Oslo dùng rất nhiều giải pháp như đầu tư và lắp đặt trên 2.000 điểm sạc mới cho xe điện đồng thời áp dụng các chính sách khuyến khích như giảm phí cầu đường, miễn phí đỗ xe, tạo điều kiện tiếp cận các tuyến xe buýt dễ dàng...
TP cũng ban hành lệnh cấm ô tô vào trung tâm thành phố từ năm 2019, đồng thời khuyến khích việc đi lại chủ động của người dân bằng cách mở rộng các làn đường dành cho xe đạp. Từ năm 2017, Oslo đã xây mới 100 km đường dành cho xe đạp, nhờ đó giúp tăng đáng kể số người đi xe đạp lên 51%.
Trên bình diện quốc gia, Na Uy là hình mẫu thành công trong chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Doanh số bán xe điện của nước này đã tăng từ mức dưới 1% tổng doanh số bán ô tô vào năm 2010 lên mức 88,9% vào năm 2024 và chiếm tới hơn 96% số xe mới được bán ra trong những tháng đầu năm 2025, tiến gần hơn đến mục tiêu hoàn toàn sử dụng xe điện tại nước này và dừng bán xe xăng. Con số kỷ lục này là thành quả của hàng loạt chính sách ưu đãi về xe điện của Na Uy bao gồm miễn thuế VAT, giảm giá thuế đường bộ và thuế đỗ xe và quyền sử dụng làn xe buýt. Chính phủ cũng đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng sạc công cộng và nhiều hộ gia đình Na Uy có thể sạc xe tại nhà.