A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sàn thương mại điện tử đưa hàng giá rẻ vào thị trường Việt Nam: Doanh nghiệp trong nước cần làm gì?

Các chuyên gia lo ngại doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, thậm chí phá sản trước "làn sóng" sàn thương mại điện tử đưa hàng giá rẻ đang tràn vào Việt Nam.

Nỗi lo của doanh nghiệp trong nước

Thông tin từ Công ty Nghiên cứu thị trường Momentum Works, sàn thương mại điện tử đình đám giá rẻ Temu đến từ Trung Quốc sắp ra mắt tại Việt Nam. Dù hiện tại website Temu Việt Nam vẫn còn rất thô sơ, chỉ có tiếng Anh (không có tiếng Việt); các sản phẩm đã được hiện thị bằng VND; chỉ có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển là Ninja Van và Best Express;... Nhưng điều này cho thấy, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang tạo thế cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt gần như bị chi phối bởi các sàn thương mại nước ngoài.

Sàn thương mại điện tử cung cấp hàng giá rẻ vào thị trường Việt Nam: Doanh nghiệp trong nước cần làm gì?
Hàng loạt các sàn thương mại điện tử nước ngoài chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Ảnh: baochinhphu.vn

Như vậy, tính đến thị thời điểm hiện tại thương mại điện tử tại Việt Nam gần như bị chiếm lĩnh bởi các sàn ngoại, mà chủ yếu đến từ Trung Quốc. Chẳng hạn, sàn Shopee thuộc Tập đoàn SEA Limited - một tập đoàn công nghệ đa quốc gia dù có trụ sở tại Singapore nhưng cổ đông lớn nhất là Tencent đến từ Trung Quốc; TikTok Shop thuộc sở hữu của ByteDance (Trung Quốc); Lazada thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc). Trong đó, chỉ riêng: Shopee, TikTok Shop, Lazada đã chiếm lĩnh thị trường trong nước vượt trội, tổng giá trị hàng hóa chi phối lên tới hơn 90%.

Ngoài các sàn thương mại điện tử trên, 2 trang thương mại điện tử giá rẻ của Trung Quốc khác là Taobao và 1688 cũng đã có những động thái tiếp cận thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, 1688.com - nền tảng thuộc Tập đoàn Alibaba chủ yếu phục vụ nội địa đã bất ngờ thêm ngôn ngữ tiếng Việt trên phiên bản iOS và hỗ trợ giao hàng tới địa chỉ người dùng ở Việt Nam. Trước đó, ứng dụng này chỉ có tiếng Trung Quốc.

Còn đối với ứng dụng Taobao chưa hỗ trợ tiếng Việt, tuy nhiên đã cho phép vận chuyển đến địa chỉ của người dùng tại Việt Nam. Về phí vận chuyển, "ông lớn" bán lẻ trực tuyến áp dụng chính sách vận chuyển miễn phí nội địa và thu phí đối với vận chuyển đến Việt Nam.

Trong báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2024 của Momentum Works nhấn mạnh, Việt Nam là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa theo năm là gần 53%. Tuy nhiên, việc nhiều sàn thương mại điện tử Trung Quốc cung cấp hàng hóa với giá siêu rẻ vào thị trường Việt Nam báo hiệu nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa.

Cần chính sách phát triển công nghiệp sản xuất

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc các sàn thương mại điện tử Trung Quốc tham gia thị trường Việt Nam sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh trong nước. Hàng hóa nước ngoài giá rẻ khiến hàng hóa trong nước không cạnh tranh nổi, thậm chí dẫn đến nhiều doanh nghiệp phá sản.

Sàn thương mại điện tử cung cấp hàng giá rẻ vào thị trường Việt Nam: Doanh nghiệp trong nước cần làm gì?
Temu sắp ra mắt thị trường Việt Nam. Ảnh: cafebiz.vn

Phân tích một trong những nguyên nhân hàng Trung Quốc ưa chuộng vào thị trường Việt Nam, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Hiện nay, Việt Nam vẫn áp dụng quy định miễn thuế các hàng nhập khẩu giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng, mà hàng thương mại điện tử, hay đường nhập khẩu chủ yếu là giá trị nhỏ cho nên những mặt hàng này nghiễm nhiên được ưu đãi miễn thuế.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho biết, hiện có hàng trăm kho hàng Trung Quốc đóng sẵn ở biên giới để gửi vào Việt Nam, cộng với việc các sàn thương mại điện tử lớn nước này cũng đã vào thị trường Việt Nam sẽ khiến cho doanh nghiệp Việt Nam rất “khó thở”.

“Vì vậy, đương nhiên sàn thương mại cung cấp hàng giá rẻ sẽ bóp chết doanh nghiệp sản xuất trong nước, họ được miễn giảm thuế, phí nhập khẩu, bán giá rẻ hơn, mẫu mã đa dạng nên chiếm lĩnh thị trường Việt Nam một cách dễ dàng”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đã đến lúc cần phải sửa Luật theo hướng tất cả các loại hàng hóa ra - vào quốc gia thì đều phải nộp thuế để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, sòng phẳng để điều kiện cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước rõ ràng hơn.

Mặt khác, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, “Công bằng mà nói, phải cạnh tranh sòng phẳng. Phải phụ thuộc vào quyết tâm, sáng kiến của các doanh nghiệp Việt Nam. Họ có lợi thế về phí vận chuyển, vì vậy nếu muốn tồn tại và phát triển phải ứng dụng công nghệ, giảm chi phí vận hành; hoặc phải tổ chức các hoạt động khuyến mãi, hậu mãi, nâng cao mẫu mã, chất lượng hàng hóa, thu hút người tiêu dùng để tăng khả năng cạnh tranh.”

Còn theo TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhiều sàn thương mại điện tử Trung Quốc vào thị trường Việt Nam là một thách thức thực sự đối với các doanh nghiệp trong nước, có thể chúng ta chưa chuẩn bị thật tốt trước diễn biến này.

Nếu để tình trạng này kéo dài nhiều mặt hàng của Việt Nam không đủ sức cạnh tranh. Thậm chí hàng Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam, thương nhân Việt Nam nhập khẩu hàng Trung Quốc về để kinh doanh, trong khi sản phẩm trong nước lại ế ẩm, không bán được.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, cơ quan nhà nước cần vào cuộc xem xét nghiêm túc quy định, quản lý chặt chẽ đối với các hàng nhập khẩu hoặc hàng nhận từ các đơn hàng điện tử tính hợp pháp về thuế cũng như tránh hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế giá rẻ tràn vào. Bên cạnh đó cần phải nghiên cứu vì sao hàng Trung Quốc giá rẻ, họ có được trợ giá hay không? Từ đó tìm ra giải pháp thích hợp để thúc đẩy nền công nghiệp sản xuất Việt Nam phát triển.

Ngược lại các doanh nghiệp Việt Nam cũng nỗ lực hơn nữa cần tìm phương án nâng cao năng suất sản xuất, chất lượng hàng hóa, thậm chí có thể đưa các mặt hàng thế mạnh, đặc biệt là trái cây Việt Nam như: Sầu riêng, xoài, nhãn, mít,... đến tận tay người Trung Quốc cũng giống như người Trung Quốc mang hàng đến tận tay người Việt Nam.

Theo Reuters, mới đây Indonesia - thị trường thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á đã yêu cầu Google và Apple chặn ứng dụng Temu của Trung Quốc trên các cửa hàng ứng dụng tại nước này. Động thái trên nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, trước làn sóng sản phẩm giá siêu rẻ của Temu.

Ông Budi Arie Setiadi, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia cho rằng, việc nền tảng này cho phép người tiêu dùng kết nối trực tiếp với các nhà máy ở Trung Quốc để giảm mạnh giá thành là một dạng cạnh tranh không lành mạnh.

"Chúng tôi không bảo vệ ngành thương mại điện tử, mà đang bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có hàng triệu doanh nghiệp tại Indonesia cần được bảo vệ ngay lúc này", Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng đang lên kế hoạch yêu cầu lệnh cấm tương tự đối với dịch vụ mua sắm Shein của Trung Quốc.

Năm ngoái, Indonesia đã buộc TikTok phải ngừng dịch vụ thương mại điện tử để bảo vệ các tiểu thương và dữ liệu người dùng. Vài tháng sau, TikTok mua phần lớn cổ phần của đơn vị thương mại điện tử thuộc Tập đoàn công nghệ GoTo của Indonesia để duy trì hoạt động.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...