Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, bền vững
Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) minh bạch, bền vững, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện khung pháp lý, tổ chức điều hành thị trường, quản lý giám sát, cải thiện chất lượng cầu đầu tư, tăng cường công tác tuyên truyền...
Triển khai nhiều giải pháp để phát triển ổn định thị trường
Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển ổn định thị trường chứng khoán, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yếl, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.
Thị trường TPDN tăng trưởng nhanh cũng phát sinh một số rủi ro như: Một bộ phận nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật đã gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ; một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa tuân thủ quy định pháp luật trong việc tư vấn hồ sơ chào bán, kiểm toán báo cáo tài chính, định giá tài sản đảm bảo hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư; tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế, một số doanh nghiệp sử dụng vốn cho mục dích không rõ ràng...
Trước thực trạng của thị trường, Bộ Tài chính đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh các hoạt động trên thị trường. Theo đó, đã thực hiện kiểm tra, hủy giao dịch đối với 74,8 triệu cổ phiếu, phong tỏa tài khoản, xử lý hành chính trường hợp ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC giao dịch không đúng quy định; chủ động chuyển cơ quan điều tra hồ sơ của Công ty Louis Holding và 34 vụ việc của các công ty khác có vi phạm; đề nghị khởi tố đối với 06 vụ việc...
Đối với thị trường TPDN, trong năm 2021, Bộ Tài chính đã kiểm tra tại 09 công ty chứng khoán, 02 doanh nghiệp phát hành, ban hành 03 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chuyển cơ quan công an 01 vụ việc. Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã phối hợp với cơ quan điều tra trong vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, tổ chức kiểm tra tại 05 công ty chứng khoán liên quan đến vụ việc này và từ nay đến hết năm sẽ còn kiểm tra nhiều doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ. Bộ Tài chính cũng đã có các văn bản trao đổi, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng trong quản lý giám sát hoạt dộng huy động vốn của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bất động sản; phối hợp cung cấp thông tin với Bộ Công an để giám sát thị trường.
Triển khai các quy định mới tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn hoạt động phát hành TPDN, Bộ Tài chính đã chủ dộng tuyên truyền những điểm mới của các Nghị định với nhiều hình thức đa dạng. Trong đó, tập trung tuyên truyền về nhà đầu tư, việc phát hành TPDN riêng lẻ chỉ được mua và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có năng lực tài chính, kỹ năng phân tích và chấp nhận rủi ro. Bộ Tài chính cũng đã chủ động cung cấp thông tin và đưa ra các cảnh báo, khuyến nghị thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cường giám sát
Để phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, và Chính phủ, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ triển khai quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, về hoàn thiện khung pháp lý, Bộ Tài chính sẽ rà soát đồng bộ từ Luật đến các Nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường. Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tập trung rà soát, sửa đổi các chính sách để quản lý chặt chẽ hoạt dộng của các công ty chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Đối với TPDN, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 153/2020/ND-CP về phát hành TPDN riêng lẻ, tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy dịnh về điều kiện phát hành TPDN, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe; và thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong giám sát dòng tiền và quản lý, giám sát các hoạt động trên thị trường chứng khoán.
Để có định hướng đồng bộ cho việc phát triển thị trường vốn, cổ phiếu, trái phiếu, Bộ Tài chính đang hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả tại Chiến lược chứng khoán đến năm 2030; đề ra các giải pháp cụ thể về hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cung hàng hóa, cải thiện chất lượng nguồn cung cho thị trường, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, hoàn thiện tổ chức thị trường, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin.
Về tổ chức điều hành thị trường, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán; tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường, triển khai các giải pháp đảm bảo hệ thống giao dịch vận hành an toàn, thông suốt. Đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh, đạo đức nghề nghiệp của các định chế trung gian thị trường như: công ty chứng khoán, tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá, công ty quản lý quỹ, tổ chức xếp hạng tín nhiệm... Khẩn trương thiết lập thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán nhằm tăng tính minh bạch của thị trường và giám sát TPDN từ khâu phát hành đến giao dịch.
Cùng với các giải pháp trên, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, giám sát để vừa đảm bảo cho sự phát triển của thị trường, vừa phát hiện, xử lý các hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, Bộ sẽ thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn; tăng cường đào tạo, phát triển nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường thông qua công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan bám sát thực tiễn, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế để tạo điều kiện ổn dịnh, phát triển nhanh, bền vững thị trường chưng khoán, TPDN. Cùng với đó là triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và đầu tư trên thị trường...