A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung Quốc tìm hướng phân bổ ngoại hối

Trong bối cảnh đồng Euro suy yếu so với USD và căng thẳng địa chính trị gia tăng, Trung Quốc đang loay hoay tìm cách phân bổ lượng ngoại hối khổng lồ của mình.

Vài tuần gần đây, đồng Euro đã giảm xuống mức gần ngang giá so với đô la Mỹ, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng có nguy cơ kéo dài và đe dọa làm trầm trọng hơn tình trạng suy thoái kinh tế tại châu Âu. Với căng thẳng địa chính trị gia tăng, liệu Trung Quốc có nên xem xét việc đa dạng hóa rủi ro tiền tệ của mình khỏi đồng Euro?

Theo David Brown, Giám đốc điều hành của New View Economics cho rằng, cuộc chiến ở Ukraine, hay cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và nguy cơ xảy ra một sự kiện tín dụng châu Âu có thể dễ dàng đẩy đồng Euro trở lại mức thấp trong lịch sử so với USD. Nhưng Bắc Kinh đang bị mắc kẹt trong sự lựa chọn, vì có rất ít nơi để chuyển đổi ngoài đồng tiền của Mỹ. Đây có thể không phải là lựa chọn tốt nhất, khi ý định dài hạn của Trung Quốc là hạn chế phụ thuộc vào USD. Đặc biệt, khi các điều kiện giao dịch quốc tế trở nên thách thức hơn, các nhà đầu tư toàn cầu có xu hướng giảm thiểu rủi ro bằng cách tìm kiếm các đồng tiền trú ẩn an toàn như đồng đô la Mỹ, đồng franc Thụy Sĩ và đồng yên Nhật.

Có thể thấy, trong biến động thị trường gần đây, USD đã nhanh chóng dẫn trước trên thị trường, nhờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhờ mức chênh lệch lãi suất tăng của Mỹ so với các loại tiền tệ khác, dẫn đến trọng số thương mại của đồng USD so với rổ tiền tệ chính đã tăng tới 21% kể từ tháng 1/2021 do nhu cầu trú ẩn an toàn tăng cao. Trên thị trường tiền tệ, đồng USD có mức cao hơn 2,28% so với đồng Yên, 2,35% so với đồng Euro và 2,53% so với franc Thụy Sĩ.

“Việc Fed cam kết theo dõi nhanh chính sách tiền tệ cứng rắn hơn, đồng nghĩa với việc bật đèn xanh cho đồng USD mạnh hơn, vì Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ và Ngân hàng Nhật Bản đều đang phải vật lộn để tăng lãi suất trong nước nhanh chóng.

Hiện nay, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang giao dịch cao hơn 1,86% so với trái phiếu chính phủ có kỳ hạn tương đương ở Đức, cao hơn 2,34% so với trái phiếu chính phủ Thụy Sĩ và cao hơn 2,64% so với nợ chính phủ Nhật Bản. Với việc đồng đô la Mỹ cung cấp sức hấp dẫn lợi tức tương đối mạnh mẽ như vậy và đồng tiền này có vẻ sẽ tăng cao hơn, nếu các điều kiện nhu cầu trú ẩn an toàn vẫn còn, đó là một khó khăn lớn đối với các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm các loại tiền thay thế có rủi ro thấp, lợi suất cao”, Giám đốc điều hành New View Economics phân tích.

Tại Trung Quốc, các nhà quản lý dự trữ tiền tệ nước này đang tìm cách phân bổ 3.100 tỷ USD nắm giữ ngoại hối chính thức, đó là một thách thức và có thể trở nên khó khăn hơn nếu ý định chính sách là tiếp tục giảm sự phụ thuộc vào đô la Mỹ trong dài hạn.

Tuy nhiên, chính sách này dường như đã được thực hiện. Số liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 15/8 cho thấy, lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ đã giảm từ 980,8 tỷ USD hồi tháng 5 xuống 967,8 tỷ USD vào tháng 6/2022, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2010 khi nước này nắm giữ 843,7 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp Trung Quốc giảm nắm giữ trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới “nóng” dần.

Ông Chris Turner, Trưởng bộ phận thị trường toàn cầu của tập đoàn tài chính ING giải thích, đây có vẻ là một hoạt động can thiệp ngoại hối của Trung Quốc nhằm giữ cho cặp USD/CNY ổn định trong môi trường đồng USD mạnh. Ông cũng nhận định, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm lượng trái phiếu Kho bạc Mỹ do họ nắm giữ hơn nữa, chủ yếu do các tác động từ tình hình địa chính trị.

Có thể, Trung Quốc muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Kho bạc Mỹ, nhưng việc tìm kiếm một giải pháp thay thế vẫn là một vấn đề. Trung Quốc vẫn cần đầu tư thu nhập đáng kể ra nước ngoài từ thặng dư thương mại, đạt kỷ lục 676 tỷ USD vào năm 2021. Điều này cần được đầu tư một cách thận trọng để có lãi chứ không phải lỗ.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ trọng dự trữ ngoại hối toàn cầu của đồng đô la Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm là 59%. Tuy nhiên, nó vẫn thống trị thị trường, vượt xa mức 20% của đồng Euro. Đồng yên Nhật, bảng Anh và đô la Úc và Canada không có nhiều sức hấp dẫn về tiền tệ dự trữ, thiếu tính thanh khoản trên thị trường so với USD và đồng Euro. Trong khi đó, đồng Euro dường như đang bị bủa vây bởi quá nhiều vấn đề vào lúc này.

Nhiều nhà phân tích cũng hoài nghi rằng, sẽ đạt được sự ngang bằng giữa đồng Euro và USD, thậm chí đồng Euro cuối cùng sẽ suy yếu hơn nữa. Jonas Goltermann, nhà kinh tế thị trường cấp cao tại Capital Economics cho biết, sự thay đổi chính sách "diều hâu" gần đây của ECB vẫn chưa phù hợp với Fed, hoặc đủ để bù đắp sự gia tăng kỳ vọng lạm phát ở khu vực đồng Euro kể từ đầu năm 2022. Các điều khoản thương mại của khu vực đồng Euro đang suy yếu và suy thoái kinh tế toàn cầu với sự hỗn loạn hơn nữa. Đồng Euro bị thắt chặt tài chính nhiều hơn do tính dễ bị tổn thương của các thị trường trái phiếu ngoại vi càng làm tăng thêm quan điểm đồng Euro sẽ suy yếu.

“Chúng tôi dự báo đồng Euro sẽ suy yếu hơn một chút so với đồng USD và tỷ giá EUR/USD sẽ đạt mức ngang bằng vào cuối năm nay, trước khi tăng trở lại vào năm 2023, khi nền kinh tế khu vực đồng Euro nới lỏng bớt đồng thời Fed sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt”, nhà kinh tế Jonas Goltermann cho biết.


Tác giả: Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...