A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Hàn Quốc

Dù đã đạt được những kết quả tích cực, song thương mại Việt Nam - Hàn Quốc vẫn đang đối mặt với những thách thức cần được hóa giải.

Tăng trưởng thương mại Việt Nam – Hàn Quốc tăng 160 lần

Phát biểu tại Kỳ họp lần thứ 19 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra mới đây, ông Nguyễn Duy Kiên – Phó trưởng Phòng Đông bắc Á và Nam Thái bình Dương - Vụ Thị trưởng châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết: Trong lĩnh vực thương mại, Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, với kim ngạch song phương năm 2021 đạt 78 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2020, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc).

Tại Kỳ họp lần thứ 10, Uỷ ban Hỗn hợp Việt Nam – Hàn Quốc về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng tổ chức vào tháng 12/2020, hai Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc đã thống nhất Kế hoạch hành động triển khai mục tiêu thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào cuối năm 2023.

Nhiều giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Hàn Quốc
Tính 9 tháng 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 66,8 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2021

Đồng tình với nhận định trên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Yun Eeong Deok cho rằng: Năm 1992 kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đạt 500 triệu USD và đến năm 2021 đạt trên 80 tỷ USD (theo số liệu của Hàn Quốc), tăng 160 lần so với năm 1992, cho thấy quan hệ hợp tác kinh tế hai nước đang ở giai đoạn phát triển.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương: Tính 9 tháng 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 66,8 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng này thì hai bên có khả năng hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào cuối năm 2023 như lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra hoàn toàn có thể thực hiện được.

“Hiện đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và nếu thuận lợi Việt Nam sẽ vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc. Tôi cho rằng, năm 2023 kim ngạch thương mại hai nước có khả năng đạt 100 tỷ USD” - ông Yun Eeong Deok khẳng định.

4 giải pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc

Mặc dù tăng trưởng kinh tế, thương mại Việt Nam Hàn Quốc thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tình hình căng thẳng địa chính trị, lạm phát leo thang ở nhiều quốc gia, và những tác động từ dịch bệnh Covid-19… đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất. Tạo ra những yếu tố bất lợi, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hợp tác thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc trong thời gian tới.

Nhiều giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Hàn Quốc
Một số dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của tập đoàn Hàn Quốc đã thành lập tại Việt Nam như LG, Samsung sẽ hỗ trợ nâng cao tính cạnh tranh trong thương mại của Việt Nam trong thời gian tới

Trước những thách thức trên, để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Hàn Quốc, đại diện Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đề nghị, phía Hàn Quốc quan tâm, có ý kiến với các bộ, ngành và tổ chức liên quan, tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam nhằm triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng trong thời gian tới.

Cụ thể Bộ Công Thương đề xuất 4 nội dung, bao gồm: Thứ nhất, tăng cường hơn nữa tạo thuận lợi hóa thương mại nhằm thúc đẩy mở rộng quy mô thương mại song phương.

Thứ hai, tăng cường hợp tác liên kết chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Hàn Quốc thông quan khuyến khích, thúc đẩy đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh các ngành chế biến, chế tạo, cơ khí, linh kiện và ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Thứ ba, phía Hàn Quốc có thể dành nhiều nguồn lực nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp mà cần đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành như phân phối và logistics, đóng tàu, khai thác chế biến khoáng sản, tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng mới. Đây là những ngành mà phía Hàn Quốc đầu tư rất nhiều vào Việt Nam.

Thứ tư, hai bên cùng triển khai tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng như: Triển khai các hoạt động nghiên cứu chung về công nghệ năng lượng nhằm tăng tỉ trong năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu năng lượng; hợp tác thực hiện cam kết giảm phát thải các-bon, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Trước những đề xuất của phía Bộ Công Thương Việt Nam, trong đó có vấn đề liên quan đến hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Yun Eeong Deok cho rằng: Phía Hàn Quốc hoàn toàn đồng tình với đề xuất này, đồng thời cho biết, trên thực tế cũng đã có nhiều dự án của Hàn Quốc nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam.

Cùng với đó, một số dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của tập đoàn Hàn Quốc đã thành lập tại Việt Nam như LG, Samsung sẽ hỗ trợ nâng cao tính cạnh tranh trong thương mại của Việt Nam trong thời gian tới.

Để tăng cường hợp tác thương mại giữa Hàn Quốc và đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam, phía Hàn Quốc cho biết coi vấn đề cải thiện chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng và có nhiều chính sách để thúc đẩy vấn đề này, nhằm đa dạng hóa thị trường và rất cần có sự phối hợp từ phía Việt Nam. Để tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia, ông Yun Eeong Deok cũng đề nghị, hai bên cần thúc đẩy Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần trong thời gian tới, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại giữa hai bên.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...