A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguồn cung căn hộ phía Nam thấp nhất 5 năm

5 năm trở lại đây, nguồn cung căn hộ ở TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận năm 2023 ở mức thấp nhất. Trong khi, lượng tiêu thụ cũng thấp nhất so với giai đoạn từ 2020-2022, cho thấy sức cầu rất yếu.

Nguồn cung mới phân khúc căn hộ ở TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận thấp nhất trong 5 năm qua. Ảnh: Vũ Phạm

Nguồn cung mới phân khúc căn hộ ở TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận thấp nhất trong 5 năm qua. Ảnh: Vũ Phạm

Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) năm 2023 ở TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận của DKRA Group cho thấy, ở phân khúc căn hộ ghi nhận 126 dự án sơ cấp (10 dự án mới) triển khai bán hàng với khoảng 22.071 căn, giảm 32% so với năm 2022. Đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Nguồn cung mở bán phân bổ chủ yếu tại khu Đông TP. Hồ Chí Minh, chiếm 64%, Bình Dương 31% còn lại các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu rất "nhỏ giọt" và không xuất hiện ở Tây Ninh.

Lượng tiêu thụ đạt khoảng 9.664 căn, bằng 44% nguồn cung sơ cấp và giảm 56% so với cùng kỳ. Lượng tiêu thụ sơ cấp tập trung ở những dự án tầm trung có mức giá từ 40-55 triệu đồng/m2, đã hoàn thiện pháp lý, tiến độ xây dựng nhanh chóng, thuận tiện kết nối về trung tâm thành phố. Đáng chú ý, sức cầu ghi nhận tăng nhẹ thời điểm nửa cuối năm 2023 nhưng tỷ lệ tiêu thụ ở mức thấp nhất so với bình quân các năm 2020-2022 (dao động từ 68-87%).

Về giá bán sơ cấp, tại TP. Hồ Chí Minh, mức giá bán cao nhất lên đến 425 triệu đồng/m2, thấp nhất 30 triệu đồng/m2. Tiếp theo là Bình Dương, mức giá cao nhất 59 triệu đồng/m2, thấp nhất 27 triệu đồng/m2. Bà Rịa - Vũng Tàu, mức giá cao nhất là 51 triệu đồng/m2, thấp nhất 35 triệu đồng/m2; Đồng Nai cao nhất là 35 triệu đồng/m2, thấp nhất 31 triệu đồng/m2; Long An cao nhất là 24 triệu đồng/m2, thấp nhất 21 triệu đồng/m2.

DKRA cho biết, mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với đầu năm, các chủ đầu tư đã đẩy mạnh áp dụng nhiều chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, ân hạn gốc, lãi vay... nhằm kích cầu thị trường. Trong khi, thanh khoản thứ cấp vẫn ở mức thấp, mặt bằng giá thứ cấp giảm khoảng 3-8% so với cuối năm 2022, phần lớn ở những dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện pháp lý hoặc chậm tiến độ.

Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Mảng dịch vụ Tư vấn và Phát triển dự án của DKRA Group đánh giá, đến cuối năm 2023, thị trường BĐS đã trải qua gần 3 năm đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nguồn cung, sức cầu thị trường sụt giảm. Có nhiều quan điểm cho rằng, bức tranh chung bao phủ những gam màu tối có thể vẫn chưa dừng lại mà khả năng sẽ còn tiếp diễn trong năm 2024.

Dẫu vậy, cuối năm 2024, vị chuyên gia này nhận định, có thể xem là bước khởi đầu của một chu kỳ tăng trưởng tiếp theo của thị trường BĐS. Các phân khúc thuộc loại hình BĐS nhà ở được kỳ vọng sẽ là phân khúc dẫn dắt đà hồi phục của thị trường, đặc biệt là tại các dự án tại khu vực trung tâm thành phố lớn hoặc các khu vực lân cận sở hữu hệ thống giao thông kết nối đồng bộ.

Năm 2024, DKRA Group dự báo, nguồn cung mới căn hộ sẽ tăng so với năm 2023, dao động ở mức 12.000-15.000 căn. Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh khoảng 8.000-10.000 căn, Bình Dương khoảng 4.000-6.000 căn, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với khoảng 300-500 căn/mỗi địa phương, các tỉnh thành khác tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới.

Nguồn cung, sức cầu thị trường vào đầu năm 2024 không có nhiều biến động so với cuối năm 2023 và được kỳ vọng khởi sắc từ quý III khi những chính sách đủ độ "ngấm", giúp tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, cũng như triển vọng phục hồi của nền kinh tế. Phân khúc căn hộ hạng cao cấp duy trì vị thế chủ đạo tại TP. Hồ Chí Minh, trong khi căn hộ trung cấp và vừa túi tiền chiếm tỷ trọng lớn tại Bình Dương và các tỉnh giáp ranh.

Theo Vũ Phạm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết