A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số doanh nghiệp phá sản do triển khai quá nhiều dự án cùng lúc

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn, có nhiều chủ đầu tư chỉ “đánh trống ghi tên” khi các dự án bất động sản kéo dài quá lâu mà không thể triển khai được...

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nêu quan điểm, cần làm rõ chức năng quản lý Nhà nước cũng như kiểm soát chặt chẽ việc thu thập thông tin của các sàn giao dịch bất động sản để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.

Theo đó, về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, các đại biểu đoàn Hà Nội nhất trí với Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định rõ điều kiện có các giấy tờ pháp lý về dự án để bảo đảm căn cứ pháp lý minh bạch, rõ ràng cho chủ đầu tư dự án bất động sản khi thực hiện.

Đối với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, dự thảo luật dự kiến quy định, cơ quan có thẩm quyền quản lý kinh doanh bất động sản cấp tỉnh chỉ trả lời bằng văn bản nếu nhà ở không đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.

Một số doanh nghiệp phá sản do triển khai quá nhiều dự án cùng lúc
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường

Với nội dung này, các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, cần quy định cơ quan quản lý Nhà nước ở cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho chủ đầu tư về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua như luật hiện hành; Bổ sung quy định cụ thể hơn trình tự, thủ tục, thời hạn trả lời để có căn cứ giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần tập trung vào những vấn đề đang nổi cộm trong thời gian qua như giao dịch bất động sản, bởi gần như chúng ta không nắm được thị trường hoạt động như thế nào. Vì thế, có những loại bất động sản tăng giá một cách bất thường, những thông tin đồn thổi làm tăng giá bất thường, không quản lý được.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, luật cần quan tâm đến bất động sản hình thành trong tương lai. Bởi trên thực tế, bất động sản hình thành trong tương lai đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho thị trường bởi thường được mua đi, bán lại.

"Bất động sản tăng giá bất thường chủ yếu do tài sản hình thành trong tương lai. Còn khi đất nhà có rồi, hình thành lên nhà rồi thì gần như giá khá ổn định, không tăng lên, giảm xuống bất thường", ông Cường nhận định.

Do đó, theo đại biểu Cường thì không nên quy định bất động sản hình thành trong tương lai; mà nhà đầu tư muốn huy động vốn có thể phát hành được trái phiếu công trình có chuyển đổi. Từ đó, người muốn mua nhà đều có cơ hội đầu tư và kiểm soát dự án.

Liên quan đến sàn giao dịch bất động sản và môi giới bất động sản, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, môi giới là nghề chuyên nghiệp, có vai trò trung gian, trung thực, minh bạch thị trường.

Vì thế, đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của sàn giao dịch bất động sản, người giao dịch qua sàn để đảm bảo an toàn trong giao dịch cho người mua bán.

Về quy định sàn giao dịch bất động sản, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh nhất trí với Ủy ban Kinh tế cho rằng, phải tôn trọng quyền lựa chọn tham gia giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản của doanh nghiệp và người dân; Đề nghị không quy định bắt buộc các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn, mà chỉ quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch kinh doanh bất động sản thực hiện thông qua sàn giao dịch.

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh cũng cho rằng cần quy định chặt chẽ về điều kiện, quyền và nghĩa vụ của sàn giao dịch, tạo cơ sở pháp lý cho sàn giao dịch bất động sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, uy tín, thu hút được các bên tham gia giao dịch.

Qua nghiên cứu thực tiễn, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh cho rằng, các quy định hiện nay liên quan đến kinh doanh bất động sản vẫn chủ yếu hỗ trợ cho bên trung gian như các sàn giao dịch, chứ không hỗ trợ trực tiếp cho người dân có nhu cầu thực sự.

Từ những bất cập trên, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh cho rằng, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần làm rõ chức năng quản lý Nhà nước cũng như kiểm soát chặt chẽ việc thu thập thông tin của các sàn giao dịch bất động sản này để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.

Một số doanh nghiệp phá sản do triển khai quá nhiều dự án cùng lúc
Đại biểu Phạm Đức Ấn nêu quan điểm, kiên quyết thu hồi những dự án treo quá lâu và chủ đầu tư không đủ năng lực để hoàn thành dự án

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn nêu thực trạng, thời gian qua, thị trường bất động sản tăng cao do đầu cơ đã ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nhiều chủ đầu tư chỉ “đánh trống ghi tên” khi các dự án bất động sản kéo dài quá lâu mà không thể triển khai được.

Thậm chí, một số doanh nghiệp phá sản do không còn vốn vì triển khai quá nhiều dự án cùng một lúc. Vì thế, khách hàng là người chịu thiệt khi đặt cọc mua nhà nhưng dự án bị “treo” không thể triển khai được.

Trước bất cập trên, đại biểu Phạm Đức Ấn đề nghị trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần có những quy định cụ thể, mang tính ràng buộc để các chủ đầu tư có trách nhiệm với các dự án khi triển khai thực hiện. Đồng thời, kiên quyết thu hồi những dự án treo quá lâu và chủ đầu tư không đủ năng lực để hoàn thành dự án.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết