Khơi thông nguồn vốn cho kinh tế tư nhân bứt phá
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện có khoảng 7 triệu tỷ đồng vốn cho các doanh nghiệp tư nhân vay, chiếm 44% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Số liệu này cho thấy, ngành Ngân hàng luôn dành sự quan tâm lớn cho kinh tế tư nhân, đặc biệt là sau khi Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội được ban hành ngày 17-5-2025, với nhiều chính sách cho vay ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Ảnh: Đỗ Tâm
Tháo gỡ vướng mắc
Theo chủ trương của Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp tư nhân đã được Quốc hội thông qua. Đặc biệt, theo Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2% khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG). Đây là nội dung quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc lớn của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh, đang hạn hẹp nguồn lực, khó khăn khi vay vốn, nhất là nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực chi phí cao, dài hạn.
Thống kê đến tháng 4-2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân giảm áp lực vốn trong sản xuất, kinh doanh. Đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ), lãi suất cho vay ổn định ở mức 4%/năm.
Về phía các ngân hàng thương mại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Phùng Thị Bình cho biết, hiện nay, tổng dư nợ của ngân hàng đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó hơn 60% được phân bổ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân - nhóm khách hàng chủ yếu là hộ kinh tế tư nhân.
Đặc biệt, trong gần 500.000 tỷ đồng dư nợ cho vay đối với khách hàng pháp nhân, có tới 90% thuộc về doanh nghiệp tư nhân. Theo kế hoạch được giao, năm 2025 Agribank được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng 13%, tương ứng khoảng 230.000 tỷ đồng sẽ được đưa vào lưu thông. Trong số vốn này, Agribank xác định chủ yếu sẽ cho vay với khách hàng là khối kinh tế tư nhân.
Các ngân hàng thương mại khác như: Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB, ACB… cũng đang triển khai nhiều gói vay vốn ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cải thiện khả năng tiếp cận vốn tín dụng
Các chuyên gia cho rằng, để cải thiện khả năng tiếp cận vốn tín dụng, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa trước hết cần nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính, đặc biệt là sổ sách kế toán, đồng thời củng cố năng lực quản trị. Đây là điều kiện để ngân hàng đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động và mức độ tin cậy của doanh nghiệp, từ đó sẵn sàng đồng hành và cung cấp nguồn vốn phù hợp.
Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm nhận định, việc xác định phát triển bền vững, kinh tế xanh, ESG đang trở thành xu thế của mọi quốc gia trên thế giới. Trong mối quan hệ liên kết giữa đóng góp tăng trưởng và phát triển bền vững của doanh nghiệp, ngân hàng đóng vai trò trung gian cung cấp các sản phẩm dịch vụ nguồn vốn xanh. Việc hoàn thiện khung pháp lý, minh bạch cơ chế để huy động nguồn vốn xanh từ quốc tế là rất cần thiết để chính các ngân hàng thương mại được chủ động tăng cường nguồn vốn xanh, thực thi định hướng hỗ trợ vốn xanh cho nền kinh tế nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng.
Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng phải có chiến lược về phát triển kinh tế xanh, nắm rõ các tiêu chuẩn ESG; đồng thời, kết hợp huy động ESG vào kinh doanh, đặt các tiêu chuẩn xanh và tuân thủ các quy định, cam kết xanh, để ngân hàng có cơ sở xác định đúng đối tượng khi xét duyệt tài chính xanh.
Để nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp tư nhân, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân bứt phá, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định…
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ theo dõi và kiểm tra, thanh tra các ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiền gửi, tiền vay, không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn…
Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội cũng được kỳ vọng là khung pháp lý quan trọng để Ngân hàng Nhà nước chủ động hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng. Các ngân hàng thương mại không còn phải “nhìn nhau” lúc tham gia chương trình hỗ trợ. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phát huy được vai trò chủ động của người cho vay cuối trong hệ thống tiền tệ, bảo đảm dòng chảy vốn hỗ trợ thông suốt và có tính ổn định dài hạn.