A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết đặc biệt của người Thái ở miền Tây Yên Bái dịp rằm tháng 7

Miền Tây tỉnh Yên Bái vào dịp 13 - 14/7 âm lịch diễn ra lễ tết cổ truyền đặc biệt của người Thái đen, đó là tết Xíp Xí.

Tết Xíp Xí, nét văn hóa độc đáo của người Thái đen miền Tây Yên Bái.
Tết Xíp Xí, nét văn hóa độc đáo của người Thái đen miền Tây Yên Bái

Theo quan niệm của đồng bào Thái tại các huyện Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, tết Xíp Xí là thời điểm kết thúc một vụ mùa, để cầu xin cho con trâu cày được khoẻ mạnh, cây lúa được tốt tươi, người người được hạnh phúc, gia đình nào cũng mổ một vài con vịt để xua đi những đen đủi trong cuộc sống.

Rượu, thịt và các món ăn khác đều được đồng bào chuẩn bị chu đáo để thết đãi bạn bè, khách khứa trong dịp lễ tết này.

1000014918.jpg

Mâm cỗ cúng trong ngày tết Xíp Xí

Bước vào ngày tết Xíp Xí là lễ cúng tổ tiên (co lo hóong) của gia chủ. Chủ nhà cúng khấn mời tổ tiên, các ma nhà về dự Tết chung vui cùng con cháu. Lễ cúng này diễn ra ngay tại gian thờ “co lo hóong” bao gồm xôi ngũ sắc, bánh Xíp Xí và một thủ lợn.

Nghi thức tiếp theo trong ngày tết Xíp Xí là lễ cúng ruộng “Tam tế ra”. Mâm cúng xôi và thịt gà được đặt ngang đầu ruộng của gia đình. Thầy cúng ngồi trước thửa ruộng cầu xin ma bản, ma làng, tổ tiên thần thánh về phù hộ và chăm sóc cho cây lúa của gia đình không bị con sâu, con thú về phá hoại, lúa lên nhanh, hạt to, chắc, mẩy.

1000014911.jpg

Cỗ tiếp khách của người Thái đen Miền Tây Yên Bái

Kết thúc lễ cúng, lễ vật sẽ được thả xuống ruộng như minh chứng về sự cầu xin thành khẩn của gia đình trong ngày Tết.

Các cụ già nơi đây cũng không nhớ Tết Xíp Xí có tự bao giờ, chỉ biết rằng hàng năm bản Thái đều tổ chức Tết Xíp Xí một cách trang trọng, đầm ấm, vui tươi.

Là tết lớn nhất của người Thái đen nên ngày 10 -13/7 Âm lịch, các bà, các mẹ, các chị trong mỗi gia đình đều chuẩn bị lá chuối rừng, gạo nếp, thịt gà, lạc... để làm món bánh Xíp Xí (pảnh Xíp Xí), một loại bánh quan trọng nhất trong lễ tết này.

1000014913.jpg

Người dân tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ

Bánh Xíp Xí 2 loại: Một loại là “Pảnh cuổi”, bánh làm bằng gạo nếp nghiền với chuối tiêu, gói bằng lá chuối xôi chín; loại thứ 2 là “Pảnh cáy”, bánh có nhân làm từ đỗ xanh và thịt gà băm nhỏ với lạc, cũng được gói bằng lá chuối đồ chín.

“Pảnh Xíp Xí” được gói 2 chiếc trên một tàu lá chuối sau đó xoắn giữa cặp đôi 2 chiếc vào với nhau, dùng một dây lạt buộc ở đầu. Trong ngày tết Xíp Xí, bánh này ngoài dùng làm lễ vật cúng ma nhà (Co lo hoóng), còn được đồng bào dùng làm quà biếu bà con anh em trong dòng họ, biếu tặng khách quý và những người dân tộc khác.

Gia đình nào cũng mổ một vài con vịt trong dịp tết để “phá xúi” xua tan đi những điều đen đủi, không may mắn trong cuộc sống.

Rượu, thịt, cá và các món ăn được đồng bào chuẩn bị khá chu đáo để thết đãi bạn bè, khách khứa.

Cùng với việc chuẩn bị lễ vật để cúng tổ tiên, thì nhà cửa, ngõ xóm, ruộng vườn cũng được đồng bào sửa sang trang hoàng cho thật sạch đẹp. Các cô gái tuổi cập kê cũng chuẩn bị lựa chọn cho mình những bộ áo váy cùng dây Xà tích, khăn piêu đẹp nhất để diện trong dịp tết.

1000014919.jpg

Những em nhỏ hân hoan với các trò chơi dân gian trong ngày lễ của dân tộc mình

Trong lễ tết Xíp Xí hàng năm, nhiều địa phương đã tổ chức phần lễ tại 5 nơi gồm: Gầm sàn cúng vía con trâu, Bàn thờ ngoài cúng ông bà ngoại, cúng tổ tiên, thần linh, thần đồng.

Phần Hội diễn ra với nhiều phong tục, trò chơi dân gian và múa xòe. Cùng với đó là những nét văn hóa trong sinh hoạt văn hóa ẩm thực hết sức đặc sắc mà đồng bào còn lưu giữ được như một “gia sản” văn hóa...

Theo phong tục truyền thống, các nam thanh, nữ tú rủ nhau đi chơi hội hang Thẩm Lé, hội chơi núi hái nêm (quả sim), mọi người đều nô nức vui chơi trong niềm vui tươi phấn khởi.

Kết thúc tết Xíp Xí cổ truyền là nghi thức cúng then và xòe then (xe then) tại nhà Mo Then trong bản.

Mọi người từ khắp nơi đều tập trung tại đây. Các điệu xòe then như xòe gậy, xòe khăn, xòe quạt, xòe hoa... được đồng bào thể hiện trong suốt đêm hội “xe Then” để múa mừng và mời các thần Then về dự Tết và chung vui cùng trai làng gái bản.

Cùng với đàn tính, chùm sắc nhạc rung lên liên hồi làm cho không khí của ngày hội càng rộn ràng như không có hồi kết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...