Quẹt lửa ngắm tranh nơi nhà hoang
Nhóm nghệ sĩ chọn không gian đặc biệt - biệt thự Pháp đổ nát bỏ hoang ở Hà Nội, để bày những tác phẩm cũng rất đặc biệt trong triển lãm 'Phấn tảo'.
Nhóm 6 họa sĩ tổ chức triển lãm 'Phấn tảo' |
Triển lãm trong nhà hoang
Hơn 70 tác phẩm hội họa trong triển lãm “Phấn tảo” của 6 họa sĩ: Lê Nguyên Mạnh, Trịnh Thắng, Phan Hồng Sơn, Phạm Tuấn Tú, Thõng Thị, Dương Quý Dương, sẽ diễn ra cho đến hết ngày 25/8 tại 34 Châu Long, phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội).
Nhóm họa sĩ chọn “Phấn tảo” làm tên gọi cho triển lãm đặc biệt. Rất nhiều người yêu thích tranh khi đến với không gian hoang tàn đổ nát, một thời từng là biệt thự Pháp đầy sang trọng và kiêu kỳ sẽ ngầm hiểu ý nghĩa của tên gọi “Phấn tảo”.
Với ý niệm nghệ thuật thiện lành, hướng con người đến ý nghĩa thực sự của sự sống và giác ngộ. Nhóm nghệ sĩ đã chọn “Phấn tảo” trong “Y phấn tảo” của hệ thống giáo lý Phật giáo, có nghĩa là những tấm vải người ta vứt đi, người xuất gia nhặt lấy đem về giặt sạch, rồi cắt rọc may thành y áo để mặc, cũng là một trong mười ba hạnh đầu đà.
Tuy nhiên, với triển lãm “Phấn tảo” lại không đơn thuần chỉ là câu chuyện của những mảnh vải bị bỏ đi và được gom lại thành y áo của người tu hành. Trong triển lãm này, từ “phấn tảo” được gợi ý từ nghĩa gốc ấy nhưng lại mang đến nhiều hơn câu chuyện của cuộc đời, nhân sinh.
Mỗi họa sĩ khai thác đề tài ở những góc nhìn và chủ thể khác nhau để làm nên những câu chuyện riêng biệt. Chính sự hội tụ và riêng biệt này đã tạo nên cảm giác về sắc màu nhân gian. Đó không phải là thứ màu sắc lung linh được tô vẽ, thần thánh hóa mà là cảm giác về sự thấu hiểu, sẻ chia.
“Phấn tảo” không phải là tập hợp của những tác phẩm đơn lẻ. Đó là sự sắp đặt đầy chủ ý trong một bối cảnh ngẫu nhiên của những tác phẩm được gợi cảm hứng, được chỉ dẫn từ sự trừu tượng của sáng tạo, để khơi gợi cảm xúc và đánh thức trí tưởng tượng nơi người xem.
Bên cạnh không gian trưng bày chung, các họa sĩ còn có một không gian riêng sắp đặt, biến không gian hiện hữu bình thường thành một tác phẩm lớn. Nghệ thuật sắp đặt này gợi ý đến nhiều bản thể khác nhau, tạo nên góc nhìn đa chiều và cũng đưa đến nhiều liên tưởng. Sự biến hóa, chuyển tiếp độc đáo của triển lãm góp thêm sắc điệu cho câu chuyện nghệ thuật.
Công chúng đã quá quen thuộc với những không gian triển lãm sang trọng, với hệ thống ánh sáng đèn chiếu hiện đại làm nổi bật tác phẩm. Thế nhưng đến với “Phấn tảo”, nếu không chuẩn bị tâm lý quen thuộc thường thấy khi xem triển lãm thì có lẽ dễ “sốc”, bởi một ngôi nhà hoang ẩm mốc, bong tróc, rơi rụng từ những bức tường cho đến trần nhà.
Thậm chí, đến hệ thống chiếu sáng cho những tác phẩm cũng khác lạ. Chỗ có điện, chỗ không và được thay thế hoàn toàn bằng ánh lửa đèn dầu, hay ngọn nến lúc bập bùng, khi mờ ảo. Ở dưới đất, trên tấm ván gỗ có dòng chữ viết bằng phấn trắng: “Ánh sáng có đời sống của riêng nó. Diêm, bật lửa, hay đèn của điện thoại... bạn tự dùng để nhìn thấy cái mình cần”.
Bên cạnh bảng chỉ dẫn ấy là những hộp diêm quẹt và bật lửa gas, công chúng nếu thấy không gian quá tối, muốn nhìn rõ hơn một bức tranh hay bức tượng, có thể quẹt lửa để soi rọi cho rõ những tác phẩm trưng bày. Chỉ thế thôi, nhưng có lẽ quẹt lửa ngắm tranh trong nhà hoang ở Hà Nội đã đủ để trở thành một triển lãm “vô tiền khoáng hậu”.
Những câu chuyện của nhân sinh và giác ngộ
Triển lãm độc lạ kết hợp nghệ thuật sắp đặt rõ ràng đem lại những hiệu ứng thị giác thú vị, tuy nhiên sẽ phản tác dụng nếu bản thể tác phẩm kém giá trị nghệ thuật. Nhưng không, bản thân mỗi nghệ sĩ hội tụ trong “Phấn tảo” ngoài danh tiếng cá nhân thì đều là những nghệ sĩ có cá tính sáng tạo đặc biệt trong giới hội họa Việt.
Đầu tiên phải nhắc tới Trịnh Thắng, từng tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, sau đó theo học thạc sĩ và bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ tại Mỹ ngành y tế công cộng, chuyên ngành khoa học xã hội và hành vi.
Ông được công chúng biết đến ngoài các triển lãm nghệ thuật, còn các tác phẩm văn học, âm nhạc, đầu sách nghiên cứu triết học phương Đông, võ thuật, khí công và thiền.
Lê Nguyên Mạnh lại đem đến những sắc màu đường nét tinh tế đến huyền diệu. Mỗi tác phẩm ẩn hiện một ánh mắt từ tâm, thấu suốt và minh triết; thấp thoáng sắc y áo giản dị nhưng sống động. Tất cả vừa như ngời lên lại vừa như lặn sâu, khiến người xem cũng như ngộ ra điều gì nhưng vẫn khôn nguôi khắc khoải kiếm tìm.
Phạm Tuấn Tú như là người tạc khắc và nắm giữ những gì vốn không thể nắm bắt để gợi ra một hình dung, một diện mạo nào đó. Biến cái không thể thành có thể, vô hình thành hữu hình... Như thể có một đời sống khác, tĩnh lặng nhưng thổn thức trong chính chúng ta.
Trong khi đó, Phan Hồng Sơn tìm mình trong gió, mây, nước, đất… để biểu đạt bản thân bằng đặc tính cốt lõi. Đó là cách anh hòa nhập đời sống vào nghệ thuật, nhưng trong cả hai cái tưởng như vời vợi đó, anh vẫn kiên định là chính mình.
Thõng Thị cuốn hút mạnh với sắc màu hài hòa, như thể đó chính là nhân gian. Nhân gian hiện hữu trong tranh của chị có bóng tối có ánh sáng, có niềm vui có nỗi buồn, có được và có mất. Vượt lên tất cả là cái đẹp của nhân tâm, trên sự cằn khô khắc nghiệt vẫn trổ mầm đánh thức sự thiện lành trong mỗi người.
Dương Quý Dương đi tìm những ý niệm về cuộc đời, ngay cả khi không có chủ thể nhất định thì ý niệm vẫn tồn tại bằng sáng tạo. Mỗi bức tranh là một điều gì đó anh nhận được, ngộ ra từ cuộc đời. Anh cảm nhận nhân gian theo những bối cảnh, những thời khắc khác nhau, và những gì thâu nhận được đã tạo nên phấn tảo của riêng mình.
“Khi vẽ những bức tranh này, tôi không nghĩ gì, đặt bút là vẽ, từ lúc đặt bút đến lúc dừng bút là xong, không sửa gì nữa. Đây chính là lý do tôi vẽ hơn một trăm bức liên tục mà không có sự nhàm chán, chai sạn, không cảm thấy đang theo một lối mòn nào cả. Nhưng có một điểm chung, đó chính là cái thần của các bức tranh ở trạng thái như đã hóa thần” - Họa sĩ Trịnh Thắng.