Nhà tù Sơn La - Chứng tích hào hùng của cách mạng Việt Nam: Kỳ 1: Địa ngục trần gian
Nổi tiếng là vùng "rừng thiêng nước độc", Nhà tù Sơn La đã trở thành “địa ngục trần gian” với mức độ thâm độc, tàn bạo của thực dân Pháp chỉ sau nhà tù Côn Đảo.
Thủ tiêu ý chí cách mạng
Theo tư liệu của Bảo tàng tỉnh Sơn La, năm 1895, tỉnh Vạn Bú được thành lập, tỉnh lỵ đặt tại Pá Giạng, bên bờ Sông Đà (thuộc huyện Mường La ngày nay). Lúc đó, Sơn La là địa phận thuộc tỉnh Vạn Bú. Năm 1904, thực dân Pháp chuyển tỉnh lỵ về Sơn La, đổi tên tỉnh Vạn Bú thành tỉnh Sơn La. Đồng thời, với việc xây dựng toà sứ, nhà giám binh, trại lính, nhà giám ngục, thực dân Pháp đã ráo riết cho xây dựng tại đây một nhà tù.
Với địa hình đắc địa, thực dân Pháp đã chọn đồi Khau Cả (tiếng Thái nghĩa là vững chắc) thuận lợi có thể phòng thủ về mặt quân sự. Từ đồi Khau Cả có thể quan sát được lòng chảo tỉnh lỵ Sơn La và án ngữ giữa ngã ba đường Sơn La đi Hà Nội; Sơn La lên Điện Biên, Lai Châu; Sơn La đi Mường La - tỉnh lỵ cũ. Đặc biệt, lợi dụng Sơn La giao thông đi lại khó khăn, chỉ có một tuyến đường độc đạo là đường số 41 (Quốc lộ 6 ngày nay) lại nổi tiếng là vùng "rừng thiêng nước độc". Đồng bào chủ yếu là dân tộc thiểu số (người Thái, người Mông), thực dân Pháp với âm mưu muốn lợi dụng trình độ dân trí thấp kém của nhân dân Sơn La để chia rẽ hằn thù giữa các dân tộc dễ bề cai trị. Theo đó, chúng đã lựa chọn nơi đây xây dựng nhà tù Sơn La.
Di tích Nhà tù Sơn La với tàn tích các trại giam đã bị phá hủy do chiến tranh |
Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng và hoàn thành năm 1908. Quy mô ban đầu là nhà tù hàng tỉnh để giam tù nhân thường phạm, với diện tích 1.217m2. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo nhân dân ta vùng lên đấu tranh chống lại chế độ áp bức của thực dân Pháp. Trước tình thế này, thực dân Pháp tìm đủ mọi biện pháp hòng dập tắt phong trào cách mạng trong nhân dân đang dâng cao. Một mặt, tăng cường củng cố bộ máy tay sai như cảnh sát, mật thám, quân đội để đàn áp các cuộc đấu tranh, đồng thời cho xây dựng và mở rộng hệ thống các nhà tù trên cả nước, trong đó có Nhà tù Sơn La.
Một trong những âm mưu thâm độc hơn của thực dân Pháp khi xây dựng nhà tù ở đây là chúng lợi dụng sự bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán giữa tù nhân chính trị và người dân địa phương để ngăn cản sự tiếp xúc, tuyên truyền cách mạng, nhằm biệt lập nhà tù Sơn La với cơ sở cách mạng vùng xuôi |
Cụ thể, thực dân Pháp đã mở rộng Nhà tù Sơn La thêm 797m2. Từ một nhà tù hàng tỉnh để giam giữ tù thường phạm đã trở thành nhà tù hàng quốc gia, chủ yếu giam cầm tù nhân chính trị. Chúng muốn biến Nhà tù Sơn La thành một địa ngục trần gian để giam cầm, đày ải và giết dần, giết mòn ý chí chiến đấu của các chiến sỹ Cộng sản và những người Việt Nam yêu nước. Cũng từ đó, thực dân Pháp đổi tên Nhà tù Sơn La thành Ngục Sơn La (từ Prison thành Penitencier).
Đặc biệt trong lần mở rộng này, thực dân Pháp đã cho xây dựng nhiều trại giam, đặc biệt là khu xà lim ngầm sâu dưới lòng đất 3,5m với diện tích 110m2. Đây là một trong những khu tăm tối nhất của nhà tù. Thực dân Pháp đã thiết kế tinh vi khu xà lim này khi bên trên tầng 2 là khu bếp nấu ăn của nhà tù, tầng dưới là nhà kho chứa lương thực. Được ngụy trang kín kẽ nên giai đoạn 1936 - 1939, trong phong trào Mặt trận bình dân Pháp, các đoàn nhà báo Quốc tế đến đưa tin về tình trạng tù chính trị tại Sơn La, cũng không thể phát hiện ra khu hầm ngầm.
Mỗi xà lim cá nhân thường dùng để phạt giam có sàn nằm dài 1,6m, rộng 60cm, cuối sàn nằm gắn cùm chân. Ngay đầu bệ nằm chúng cho khoét một hốc liền kề với bục, phía trên để cơm, nước uống; phía dưới để bô đựng phân. Mỗi xà lim cá nhân chỉ có một lỗ thông hơi ở phía sát trần có gắn song sắt và lưới mắt sàng nhìn ra đường lính đi tuần. Khi cánh cửa gỗ đóng lại thì mỗi xà lim cá nhân trở thành một cái hộp kín, tù nhân phải nằm co và cũng khó phân biệt ngày và đêm.
Khu hầm ngầm này còn có 2 xà lim tập thể ở hai đầu, trong đó có một xà lim tối. Mỗi xà lim có một sàn nằm có gắn cùm tập thể, một hốc nhỏ để bô đựng phân, bên trên để cơm và nước; xà lim tối không có lỗ thông hơi, tường được sơn bằng hắc ín, chỉ có một cửa ra vào. Mỗi khi cánh cửa sắt khép lại phòng giam sẽ trở thành một hộp kín thiếu ô xy, không có ánh sáng, chúng dùng để giam những tù nhân mà chúng cho là "đặc biệt nguy hiểm".
Đến năm 1940, thực dân Pháp cho xây dựng một trại giam mới có diện tích 170m2 với ý định giam giữ tù nhân chính trị nữ, nhưng âm mưu của chúng không thành nên Nhà tù Sơn La không có tù nhân chính trị nữ. Qua 3 lần xây dựng và mở rộng, Nhà tù Sơn La có tổng diện tích là 2.184m2. Với 49 phòng giam lớn, nhỏ khác nhau, không có phòng giam nào giống phòng giam nào.
Lối đi xuống khu xà lim ngầm |
Về mặt kiến trúc, thực dân Pháp xây dựng nhà tù khá kiên cố, tường xây bằng đá hộc lẫn gạch dày từ 30 - 60cm, cao 3,9m, mái lợp tôn, không có trần. Sàn nằm của tù nhân xây bằng đá, mặt láng xi măng, cuối mép sàn gắn hệ thống cùm chân tập thể. Với lối thiết kế như vậy, mùa hè với những đợt gió Lào vùng Tây Bắc gây ra cái nóng như thiêu, như đốt; mùa đông những đợt sương muối tạo ra cái lạnh giá, rét thấu xương thịt.
Mỗi năm, tù nhân được phát một bộ quần áo bằng vải thô, một tấm chăn chiên mỏng và một manh chiếu nên không đủ sức chống chọi với khí hậu vùng Tây Bắc. Khí hậu khắc nghiệt, môi trường ô nhiễm và chế độ tù đày hà khắc, bệnh tật hiểm nghèo đã cướp đi sinh mạng của nhiều tù nhân.
“Tra tấn” bằng lao động khổ sai, đói rét và bệnh tật
Hầu hết các tù nhân chính trị bị đày lên Nhà tù Sơn La đều đã thành án từ Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Không giống nhà tù Côn Đảo (chủ yếu dùng hình thức đánh đập, tra tấn dã man đối với tù nhân), tại nhà tù Sơn La, thực dân Pháp dùng hình thức lao động khổ sai, chế độ ăn uống kham khổ, khí hậu khắc nghiệt và không khí hôi thối ngột ngạt trong các phòng giam để giết dần, giết mòn tù nhân.
Có những thời điểm số lượng tù nhân bị đày lên Nhà tù Sơn La lên đến khoảng 500 người nên thực dân Pháp đã thiết kế một số phòng giam có sàn nằm 2 tầng sử dụng triệt để diện tích các phòng giam, khiến cho tù nhân luôn trong tình trạng nửa nằm, nửa ngồi.
Dã man hơn, tại Nhà tù Sơn La, thực dân Pháp cho thiết kế một số phòng phạt giam nổi, chiều dài 1,6m, rộng 1,2m, cao 1m. Với kích thước như vậy, tù nhân chỉ có thể ngồi bó gối, khom lưng mà có thời điểm phạt giam tới 3, 4 tù nhân. Mỗi phòng, cai ngục lại cho đặt một thùng đựng phân không có nắp đậy nên không khí rất ngột ngạt, ô nhiễm.
Khu bếp ăn tại Nhà tù Sơn La |
Trong các phòng giam thực dân Pháp đều cho xây dựng hệ thống cầu tiêu nổi hoặc đặt các thùng đựng phân không có nắp đậy. Hệ thống cầu tiêu xây dựng cao hơn sàn nằm của tù nhân, xây dựng theo lối tự hoại không có nước dội không được vệ sinh thường xuyên, tạo môi trường ô nhiễm ở mỗi phòng giam đã làm bệnh tật phát sinh và lây lan rất nhanh chóng.
Với cách sử dụng triệt để diện tích các phòng giam như vậy thực dân Pháp muốn thủ tiêu ý chí đấu tranh của tù nhân tại Nhà tù Sơn La. Vì vậy, chế độ tù đày ở đây được đồng chí Trần Huy Liệu mô tả: "Nằm bên nhà xác xa vài bước/Ngửi cứt cầu tiêu đủ bốn mùa".
Do không thiết kế hệ thống dẫn nước nên tù nhân phải đi chở nước từ suối Nậm La, cách nhà tù khoảng 1km bằng những chiếc xe bò. Tại khoảng sân chung có một bể nước ngầm dung tích 50m3 cho tù nhân sinh hoạt. Mỗi một ngày 2 tù nhân đẩy chung nhau 1 xe nước đủ 14 chuyến, đây là một trong những công việc lao động khổ sai cực nhọc nhất tại Nhà tù Sơn La.
Đồng chí Trường Chinh khi bị đày lên Nhà tù Sơn La, được anh em tín nhiệm bầu làm đội trưởng đội xe nước. Năm 1983, khi quay trở lại thăm di tích Nhà tù Sơn La đồng chí Trường Chinh kể lại rằng: "…Mỗi 1 tuần ở đây thực dân Pháp chỉ cho chúng tôi tắm 1 lần, mỗi lần chỉ được 2 ống bơ bò nước nên tù nhân thường mắc bệnh ngoài da. Công việc xe nước là công việc lao động khổ sai nhưng đồng chí nào được cử ra bên ngoài lấy nước cũng đều vui vì ra đó các đồng chí có thể tranh thủ tắm trước khi ra về”.
Chế độ ăn uống của tù nhân do Thống sứ Bắc Kỳ quy định, theo tiêu chuẩn: "Mỗi tù nhân, một ngày được 2 lạng thịt, 7,5 lạng gạo" nhưng đó là quy định trên giấy tờ. Trên thực tế, chế độ này bị ăn bớt từ nhà thầu xuống, đến bếp nấu tù nhân thường phạm giữ vai trò quản lý lại tiếp tục bớt xén. Nên mỗi bữa đến tay tù nhân chỉ có một nắm cơm nếp nấu nhão, lẫn cả trấu và sạn, ăn với muối trắng hoặc canh rau muống già nấu suông. Ngày lễ, tết bữa ăn được cải thiện hơn, mỗi người được vài miếng thịt lợn luộc chấm muối.
Hiện vật xe chở nước tại Nhà tù Sơn La |
Các tù chính trị người xuôi bị đưa lên nhà ngục Sơn La, việc ăn cơm nếp quanh năm rất khó khăn, lại là cơm nếp nhão, thậm chí nhiều đồng chí bị cầm cố mấy năm rồi không thể quen nổi, đến nỗi, khi ốm nặng, sắp qua đời, anh em xung quanh mới hỏi: "Đồng chí có nguyện vọng gì không?", ngoài việc dặn dò chuyện chung, chuyện riêng và trong ánh mắt trào dâng nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, các đồng chí ấy đều có tâm nguyện cuối cùng: "Ước gì cho mình xin được một miếng cơm tẻ để mình được nhắm mắt". Anh em xung quanh đau thắt lòng, chấm dòng nước mắt cho đồng chí ấy và trả lời: "Ở đây kiếm ra đâu được cơm tẻ".
Để dễ bề cai trị, thực dân Pháp còn tạo hàng rào ngăn cản người dân giúp đỡ các tù nhân bằng cách rêu rao xuyên tạc rằng, tù nhân cộng sản là những người cướp của, giết người ở dưới xuôi đưa lên giam cầm tại đây, treo thưởng 20 đồng bạc trắng (tương đương với 5 tạ muối lúc bấy giờ) cho những ai bắt được tù cộng sản vượt ngục. Tên Công sứ Sơn La thường nói với tù nhân rằng: ‘‘Đừng tìm cách trốn, thổ dân sẽ đem đầu các anh về đổi lấy muối”. |
Càng ăn thứ cơm nếp mà thực dân Pháp phát cho, các tù chính trị mới thấy càng phù thũng chân tay và đau buốt cả bụng. Nghi ngờ chế độ ăn, anh em bí mật cử người tìm hiểu, phát hiện ra rằng, trước khi nấu cơm chúng đã chỉ đạo ngâm gạo qua nước vôi trong, hạt gạo trông trắng ngần, ngon mắt, tù nhân tưởng rằng được ăn thứ gạo loại ngon của miền núi. Nhưng gạo đã mất chất tinh bột và vitamin, tù nhân ăn vào sẽ chết dần bởi bệnh phù thũng.
Trong hồi ký của mình, các tù nhân chính trị kể lại rằng: “Công việc lao động khổ sai nặng nhọc, chế độ ăn uống kham khổ nên các tù nhân mắc bệnh phù thũng, chân tay sưng to. Nhiều người phù nặng đến nỗi khi cho chân vào cùm, cai ngục sập cùm xuống và khóa lại, cổ chân chật khít trong các lỗ cùm, không thể xoay trở, co ruỗi chân, máu không lưu thông được, nhiều đồng chí bị hoại tử, chết dần từ chân lên”.
Với thủ đoạn, âm mưu tàn độc của thực dân Pháp, nhiều tù nhân chính trị khi bị đày lên Nhà tù Sơn La đã bị mắc các căn bệnh như kiết lị, thương hàn, sốt rét. Khi tù nhân ốm nặng khó có thể qua khỏi, cai ngục cho chuyển về phòng giam tù nhân ốm - được coi là nhà xác của nhà tù Sơn La bởi tù nhân bị giam giữ tại đây chỉ một thời gian không lâu sau sẽ mất.
Cùng với khí hậu khắc nghiệt, chế độ khổ sai hà khắc, bệnh tật nên trước năm 1936, tù nhân ốm chết đến 25%. Báo chí tiến bộ trong nước và nước ngoài đều lên tiếng phản đối chế độ dã man của thực dân Pháp đối với tù nhân chính trị Việt Nam.
Nhà tù Sơn La được mệnh danh là “địa ngục trần gian” chỉ xếp thứ hai sau Nhà tù Côn Đảo, âm mưu của thực dân Pháp muốn biến nơi đây thành nơi giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những chiến sĩ cộng sản. Chỉ tính trong giai đoạn 1930-1945, tổng cộng đã có 14 đoàn tù chính trị với 1.013 lượt tù nhân bị đày lên đây.
Bằng chế độ nhà tù cực kỳ hà khắc và những thủ đoạn tra tấn vô cùng hiểm ác, kẻ thù tưởng sẽ tiêu diệt được tinh thần và thể xác của những chiến sĩ cách mạng, nhưng vượt lên trên gông cùm và tội ác của thực dân Pháp, những người cộng sản Việt Nam đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, biến những phòng giam lạnh lẽo thành tổ ấm, thắm tình đồng chí của những bạn tù. Cũng chính tại nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng, rèn luyện ý chí và bổ sung cho Đảng, cho cách mạng những chiến sỹ, đảng viên cộng sản trung kiên, nổi bật nhất là vai trò của đồng chí Tô Hiệu, và nhiều đồng chí khác, góp phần vào công cuộc giành chính quyền về tay nhân dân vào năm 1945.
Theo tư liệu thống kê, đoàn tù chính trị bị đày lên Sơn La năm 1931-1932, chỉ trong 6 tháng đã hy sinh 40 người, 8 tháng đầu năm 1933 có 60 người hy sinh... Tù nhân chết chủ yếu do bị đái ra máu, sốt rét, ăn uống khổ sở và lao động khổ sai cực nhọc. |
Tiếp Kỳ 2: Cuộc đấu tranh tuyệt thực 12 ngày đêm dưới hầm xà lim