A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin sáng 8/2: Bộ GD&ĐT nói gì trước ý kiến không tổ chức thi tốt nghiệp THPT?; Khi nào học sinh tiểu học ở nội thành Hà Nội đến trường?

Nếu không tổ chức một kỳ thi kết thúc bậc học THPT sẽ không tạo động lực học tập tích cực, thậm chí sẽ có một bộ phận không nhỏ học sinh phổ thông không học (không thi, không học); Sở GD-ĐT Hà Nội đang trình UBND thành phố phương án cho học sinh lớp 1 đến lớp 6 ở 12 quận nội thành trở lại trường từ 21/2.

Bộ GD&ĐT nói gì trước ý kiến không tổ chức thi tốt nghiệp THPT?

Tin sáng 8/2: Bộ GD&ĐT nói gì trước ý kiến không tổ chức thi tốt nghiệp THPT? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Theo Bộ GD&ĐT, nếu không tổ chức một kỳ thi kết thúc bậc học THPT sẽ không tạo động lực học tập tích cực, thậm chí sẽ có một bộ phận không nhỏ học sinh phổ thông không học (không thi, không học).

Một số cử tri Hải Phòng vừa đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, nghiên cứu phương án không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay, thay vào đó là thực hiện xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện ở trường phổ thông.

Qua đó, các cử tri cũng đề nghị Bộ GD&ĐT định hướng thực hiện phân luồng học sinh ngay từ đầu cấp học (những học sinh có khả năng, học lực khá, giỏi có nhu cầu và nguyện vọng thì tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, đối với những em không có nhu cầu thì sẽ đi học nghề phù hợp).

Trả lời kiến nghị này, Bộ GD&ĐT cho biết: Vấn đề không tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được đặt ra nhiều lần từ nhiều năm trước, ngay cả khi xây dựng Luật Giáo dục năm 2019. Nhìn lại quá trình giáo dục ở bậc phổ thông nước ta hiện nay, chúng ta không có kỳ thi kết thúc bậc học tiểu học và THCS, chỉ khi kết thúc lớp 12, thì mới tổ chức kỳ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT rất quan trọng, được sử dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau: đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Theo đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với mục đích đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; nếu thí sinh đáp ứng chuẩn đầu ra thì sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT. Tỉ lệ này có thể cao tùy theo chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh các địa phương, các nhà trường, tương ứng với điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện giáo dục của từng vùng miền.

Việc phân hóa này rất có ý nghĩa cho công tác quản lý giáo dục, tạo động lực để chất lượng giáo dục được duy trì ổn định, không ngừng nâng cao. Thêm nữa, với đặc điểm văn hóa của người Việt Nam, nếu không tổ chức một kỳ thi kết thúc bậc học THPT sẽ không tạo động lực học tập tích cực, thậm chí sẽ có một bộ phận không nhỏ học sinh phổ thông không (không thi, không học).

Với các lý do trên, việc học sinh phải tham gia kỳ thi cuối cùng khi kết thúc 12 năm học tập ở bậc phổ thông được tổ chức nghiêm túc, khách quan, công bằng lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả vào nhiều mục tiêu khác nhau là cần thiết.

Cùng với việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, công tác phân luồng học sinh cấp THPT cũng được Bộ chú trọng. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng kế hoạch và triển khai công tác hướng nghiệp ngay từ đầu cấp học để những học sinh có khả năng, học lực khá, giỏi có nhu cầu và nguyện vọng thì tham dự xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; đối với những học sinh không có nhu cầu thi sẽ đi học nghề phù hợp.

Hà Nội: Đề xuất cho học sinh lớp 1-6 ở nội thành trở lại trường từ 21/2

Tin sáng 8/2: Bộ GD&ĐT nói gì trước ý kiến không tổ chức thi tốt nghiệp THPT?; Khi nào học sinh tiểu học ở nội thành Hà Nội đến trường? - Ảnh 4.

Sở GD-ĐT Hà Nội đang trình UBND thành phố phương án cho học sinh lớp 1 đến lớp 6 ở 12 quận nội thành trở lại trường từ 21/2

Trao đổi với PV Dân trí chiều nay (7/2), ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT và Thành ủy, Sở GD-ĐT Hà Nội đã triển khai từng bước cho học sinh đi học trực tiếp trở lại .

Cụ thể, với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, UBND TP thống nhất chủ trương bước 1 sẽ cho học sinh tại 18 huyện, thị xã đi học trực tiếp từ ngày 10/2.

Qua khảo sát cho thấy, học sinh cấp học này ở 18 huyện, thị xã chủ yếu học sinh ở địa bàn nào đều học ở trường thuộc địa bàn đó, như vậy sẽ đảm bảo an toàn khi triển khai học trực tiếp . Tại 12 quận nội thành, các em thường cư trú ở nhiều địa bàn khác nhau.

Với học sinh tiểu học và lớp 6 nội thành, sau khi cho các em ở 18 huyện ngoại thành đi học trực tiếp, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ có đánh giá sơ bộ, nếu đảm bảo an toàn thì dự kiến từ ngày 21/2 sẽ có kế hoạch cho học sinh các khối lớp này ở 12 quận nội thành được đến trường.

Ông Cương cho hay, việc đưa học sinh các cấp học trở lại trường là cần thiết nhưng phải theo lộ trình từng bước và đảm bảo an toàn cho các em.

Về việc xử lý các ca F1, F0 trong trường học ra sao, ông Cương cho rằng, hiện ngành GD-ĐT cùng ngành Y tế đã phối hợp và có kịch bản, phương án xử lý khi phát hiện F0 trong trường học với nguyên tắc chỉ có F0 đi đến khu cách ly y tế còn F1 cách ly tại nhà.

"Tương tự như vậy, sau khi các cấp học trở lại trường, đơn vị này sẽ đánh giá và tiếp tục đề xuất phương án cho khối học sinh mầm non nếu diễn tiến dịch ổn định", ông Cương cho hay.

Hà Nội: Học sinh khối 12 hân hoan tới trường sau kỳ nghỉ Tết

Hà Nội: Học sinh khối 12 hân hoan tới trường sau kỳ nghỉ Tết - Ảnh 1.

Ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, học sinh khối 12 trường THPT Việt Đức đã trở lại trường học. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Hà Nội: Học sinh khối 12 hân hoan tới trường sau kỳ nghỉ Tết - Ảnh 2.

Ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, học sinh khối 12 trường THPT Việt Đức đã trở lại trường học. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Hà Nội: Học sinh khối 12 hân hoan tới trường sau kỳ nghỉ Tết - Ảnh 3.

Các em học sinh đo thân nhiệt, sát khuẩn tay khi tới trường. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Hà Nội: Học sinh khối 12 hân hoan tới trường sau kỳ nghỉ Tết - Ảnh 4.

Các em học sinh đo thân nhiệt, sát khuẩn tay khi tới trường. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Chùa Hương xin ý kiến thành phố Hà Nội cho phép đón khách vào chùa

Tin sáng 8/2: Bộ GD&ĐT nói gì trước ý kiến không tổ chức thi tốt nghiệp THPT?; Chùa Hương xin ý kiến thành phố Hà Nội cho phép đón khách - Ảnh 7.

Ảnh minh họa

Thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ trương của TP Hà Nội về tạm dừng lễ hội đầu xuân Nhâm Dần, Lễ hội chùa Hương năm 2022 sẽ không được tổ chức. Địa phương cũng không được đón khách về vãn cảnh chùa, bởi vậy dọc suối Yến và khuôn viên chùa Hương vắng lặng lạ thường.

Mặc dù biết Chùa Hương đóng cửa nhưng một số du khách vẫn về đây. Tuyến đường trước cổng vào đền Trình có rất đông người đến.

Ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho biết, hiện nay đang xin ý kiến của TP Hà Nội để cho phép mở cửa đón khách tham quan tại di tích, thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương).

Trước đó, ngày 25/1/2021, UBND huyện Mỹ Đức ra thông báo về việc tạm dừng tổ chức lễ hội, không đón khách tham quan tại di tích, thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Hơn 2.000 người Việt mắc kẹt ở nước ngoài đã được hồi hương

Tin sáng 8/2: Bộ GD&ĐT nói gì trước ý kiến không tổ chức thi tốt nghiệp THPT?; Chùa Hương xin ý kiến thành phố Hà Nội cho phép đón khách - Ảnh 9.

Công dân Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài được đưa về nước (Ảnh: VNA)

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 777/VPCP-QHQT ngày 31/01/2022 của Văn phòng chính phủ về giải pháp bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước; trên cơ sở đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản số 1129/BGTVT-HTQT ngày 31/1 chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong đó đồng ý việc thông báo và cấp phép bay cho hãng hàng không nước ngoài chở công dân Việt Nam về nước mà không yêu cầu bất kỳ văn bản xét duyệt nhân sự.

Bộ GTVT cho hay, từ ngày 31/1-7/2, các hãng hàng không nước ngoài đã thực hiện 36 chuyến bay thường lệ và không thường lệ, vận chuyển 2.055 hành khách là người Việt Nam từ Đài Loan, Campuchia, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản và Trung Đông (UAE, Thổ Nhĩ Kỳ) về nước.

Hàng loạt bệnh viện ở TPHCM giảm sâu F0 sau Tết: Chuyên gia nói gì?

Lãnh đạo Bệnh viện Trưng Vương cho biết, trước thời gian nghỉ Tết, các khoa điều trị Covid-19 của BV có tổng cộng hơn 100 F0. Đến nay sau kỳ nghỉ Tết, nơi đây chỉ còn 19 bệnh nhân, trong đó có 13 thở máy. Theo lãnh đạo BV, kết quả này diễn ra trong bối cảnh người dân đã được phủ vaccine dày. Dù vậy sau Tết, việc người lao động các tỉnh ồ ạt trở lại TPHCM làm việc khiến nguy cơ gia tăng số ca mắc mới là kịch bản có thể xảy ra. Do đó, BV vẫn trên tinh thần cảnh giác trước tình huống xấu.

Còn BV dã chiến số 12 (đóng tại TP Thủ Đức, nơi trước đó được phân công tiếp nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron) thông tin, trong những ngày qua nơi đây không còn tiếp nhận các trường hợp mới, khi các ca bệnh nhập cảnh đã được cho cách ly tại nhà, nên áp lực điều trị không còn quá cao. Trước kỳ nghỉ Tết, BV có 357 F0, trong đó có các ca nhiễm biến chủng Omicron. Những ngày qua, đã có một số bệnh nhân được xuất viện.

TS.BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc BV Dã chiến 3 tầng số 16 cho PV Dân trí biết, từ 40 bệnh nhân Covid-19 trước Tết, hiện nơi đây chỉ còn 20 bệnh, trong đó có hơn 10 bệnh nặng phải thở máy. Nam bệnh nhân V.Q.D. (28 tuổi), nặng 140kg là ca cuối cùng chạy ECMO của BV, đã được cai máy sau 84 ngày điều trị. Dù số ca bệnh giảm sâu và tình hình đang được kiểm soát rất tốt, BV vẫn đang duy trì hoạt động theo chính sách chống dịch của ngành Y tế TPHCM.

Với BV dã chiến đa tầng quận Tân Bình, bác sĩ Hồ Hữu Đức, Phó Giám đốc BV cho biết, nơi đây còn tổng cộng 20 F0 ở tầng 3, trong đó 7 trường hợp đang thở máy, còn lại là các bệnh nhân thở HFNC, thở máy không xâm nhập và thở oxy canula. Trong kỳ nghỉ Tết, mỗi ngày BV tiếp nhận chỉ một, hai F0 mới nhưng cũng có một số bệnh nhân xuất viện. Do số lượng bệnh nhân còn rất ít, ban lãnh đạo BV đã cho 50% nhân viên được về nhà, giữ lại khoảng 200 nhân sự trực Tết.

Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện 45 ca cấp cứu mắc COVID-19 trong 6 ngày nghỉ Tết

Theo báo cáo, từ ngày 29/1 đến ngày 6/2, trung bình có 234 ca cấp cứu mỗi ngày được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngày thấp nhất là 175 ca vào mùng 1 Tết và 311 ca vào ngày mùng 4 Tết.

Trong 6 ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 558 bệnh nhân tai nạn giao thông, bao gồm cả nạn nhân tự đến và chuyển từ cơ sở khác.

Số nạn nhân cấp cứu vì đả thương đánh nhau là 32 trường hợp, ngộ độc 16 trường hợp. Trong khi đó có đến 110 bệnh nhân tai nạn sinh hoạt phải cấp cứu.

Trong quá trình tiếp nhận bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện 45 trường hợp cấp cứu vì bệnh lý khác, sau đó dương tính với SARS-CoV-2. Hiện chỉ còn 86 trường hợp COVID-19 đang điều trị nội trú. Trong 6 ngày, có 16 trường hợp tử vong vì COVID-19 tại Bệnh viện, tỷ lệ 9%.

Hơn 50 cán bộ, công chức ở Đắk Nông mắc COVID-19 sau kỳ nghỉ Tết

Tin sáng 8/2: Bộ GD&ĐT nói gì trước ý kiến không tổ chức thi tốt nghiệp THPT?; Chùa Hương xin ý kiến thành phố Hà Nội cho phép đón khách - Ảnh 8.

Qua xét nghiệm sàng lọc, tỉnh Đắk Nông phát hiện nhiều cán bộ mắc COVID-19

Chiều 7/2, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết, qua tổ chức xét nghiệm sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, hiện đã phát hiện 53 trường hợp mắc COVID-19.

Cụ thể, trong 14.160 cán bộ, công chức tại Đắk Nông đã thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19 trước khi đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết vào hôm nay 7/2, ghi nhận 53 dương tính với SARS-CoV-2 ở 13/39 cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành.

Đơn vị ghi nhận ca nhiễm nhiều nhất là huyện Krông Nô với 24 trường hợp.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông, Sở Y tế đã tổ chức thông báo việc xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương sau kỳ nghỉ Tết Nhâm dần 2022.

Còn hơn 500.000 liều Abdala, Bộ Y tế yêu cầu tiêm nhanh, không để hết hạn

Bộ Y tế vừa công văn gửi 12 tỉnh, thành phố (gồm: Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang) yêu cầu tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 Abdala.

Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 12 tuổi trở lên.

Trong tháng 10 - 11/2021, Bộ Y tế phân bổ 5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Abdala cho các địa phương. Tại thời điểm phân bổ, Bộ Y tế đã xem xét nhu cầu sử dụng vaccine để đáp ứng kịp thời việc triển khai tiêm đủ 3 mũi vaccine Abdala cho nhóm người từ 19-65 tuổi.

Tuy nhiên, theo báo cáo đến ngày 28/1/2022, số vaccine Abdala hiện còn tại các địa phương là 541.400 liều.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết