A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà giáo làm gì để hạnh phúc với nghề?

Mỗi nhà giáo có cách khác nhau để hạnh phúc với nghề nghiệp mình đã chọn. Hạnh phúc ấy sẽ bền lâu nếu xuất phát từ bên trong, không phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố khách quan bên ngoài.

Hạnh phúc là do cách bản thân lựa chọn

Công tác tại Trường Dạy trẻ khuyết tật Thành phố Cần Thơ, cô Lê Hoàng Ngọc Khánh tâm sự: Hạnh phúc của một giáo viên dạy trẻ khuyết tật chính là sự vui vẻ, khỏe mạnh và tiến bộ từng ngày của học sinh, dù là rất nhỏ; là sự hợp tác của cha mẹ học sinh; sự tương trợ, đoàn kết lẫn nhau của đồng nghiệp; sự khang trang, phát triển của ngôi trường mình đang công tác; và quan trọng nhất là bình an, hạnh phúc của gia đình nhỏ của chính mình.

Lớp học, trường học chỉ hạnh phúc khi thầy cô hạnh phúc. Tuy nhiên, công việc của giáo viên không giản đơn mà vất vả và ngày càng nhiều áp lực. Chia sẻ điều này, cô Khánh cho rằng, hạnh phúc hay không là do cách bản thân chúng ta lựa chọn và chấp nhận nó. Hay nói cách khác, hạnh phúc do chính mình tạo ra.

“Tôi hạnh phúc, trước tiên vì được làm đúng nghề mình yêu thích. Trong quá trình công tác, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ bằng tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương với học sinh. Tôi coi các em như những đứa con của mình, vui cùng niềm vui niềm vui của các em, buồn với những những hệ quả, khó khăn của các em do khiếm khuyết gây nên" - cô Lê Hoàng Ngọc Khánh.

Giáo viên nói chung và bản thân tôi nói riêng luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những khó khăn của học sinh, đồng nghiệp và những hoàn cảnh khác bên ngoài xã hội trong khả năng của mình. Bên cạnh đó, những cố gắng của bản thân tôi được đồng nghiệp, lãnh đạo ghi nhận và công nhận cũng là động lực thúc đẩy tôi gắn bó với nghề, tìm thấy hạnh phúc trong nghề. “Cho đi và nhận lại” chính là quy luật của cuộc sống. Cho đi những điều tốt đẹp thì những điều nhận được sẽ mang đến hạnh phúc. Vẫn có những lúc khó khăn, áp lực, vẫn có những nỗi buồn. Quan trọng nhất là cách mình đối mặt, xử lý và vượt qua” – cô Lê Hoàng Ngọc Khánh chia sẻ.

Nhiều năm qua, đội ngũ nhà giáo luôn được sự quan tâm hỗ trợ về tinh thần, vật chất lẫn chuyên môn của các cấp lãnh đạo, của địa phương và của các tổ chức phi chính phủ. Cô Khánh cho rằng, sự quan tâm và hỗ trợ luôn được duy trì và kịp thời, có kế hoạch chiến lược, cộng với sự nỗ lực phấn đấu của lãnh đạo trường, của bản thân mỗi giáo viên thì hạnh phúc sẽ đến.

Học sinh Trường Dạy trẻ khuyết tật Thành phố Cần Thơ

Công tác tại một trường vùng khó, đa số học sinh là người dân tộc thiểu số, hạnh phúc của cô Vũ Thị Ngọc Xuyên, Trường tiểu học Lê Lợi, buôn M' Hăng, xã Cư Huê, huyện EaKar (Đắk Lắk) cũng rất giản dị. Đó là hàng ngày được đến trường dạy các học sinh trong ngôi trường đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, trường luôn xanh, sạch, đẹp, an toàn. Các thầy cô giáo luôn vui vẻ, nhiệt huyết trong công việc. Ban giám hiệu luôn biết đồng hành, chia sẻ và động viên giáo viên, học sinh kịp thời. Học sinh thích đến trường, ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, luôn có ý thức vươn lên trong học tập. Phụ huynh học sinh luôn đồng hành chia sẻ và tin tưởng, tôn trọng giáo viên.

Cô Vũ Thị Ngọc Xuyên cho rằng: Để hạnh phúc với công việc của mình thì bản thân giáo viên phải luôn yêu nghề, luôn hài lòng với công việc mình đã lựa chọn, vượt qua mọi khó khăn, áp lực trong cuộc sống để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Biết yêu thương, tha thứ, chia sẻ với học sinh, cười nhiều hơn với học sinh, đối xử công bằng và không gây áp lực trong quá trình dạy học. Giáo viên cũng cần tạo môi trường học tập gần gũi thân thiện, động viên khuyến khích học sinh kịp thời, đồng hành với phụ huynh trong giáo dục học sinh.

Cô Lê Hoàng Ngọc Khánh tại buổi tập huấn cho phụ huynh học sinh

Vẫn rất cần những tác động “ngoại lực”

Cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường Trung học phổ thông Ân Thi, Hưng Yên cũng có quan niệm rất giản dị về hạnh phúc của nghề giáo. Đó là được thấy những học sinh mình dạy dỗ, chủ nhiệm trưởng thành, đỗ tốt nghiệp, vào đại học, lựa chọn được ngành ngành nghề phù hợp. Đó là sự thay đổi của một vài học sinh cá biệt lớp mình chủ nhiệm, sau một thời gian chia sẻ, động viên của thầy cô, bạn bè đã tiến bộ, thay đổi rõ rệt. Là được học sinh to nhỏ, chia sẻ những khó khăn, những điều "khó nói" để nhờ cô gỡ rối.

Hạnh phúc cũng đơn giản là khi học sinh nhờ cô hướng dẫn, giải đáp cho những kiến thức mà các em chưa tường minh.... Khi bất chợt đi trên đường, nghe thấy tiếng chào thật to "Em chào cô giáo".

Công việc của giáo viên vất vả và ngày càng nhiều áp lực. Giải pháp giúp cô Vũ Thị Anh hạnh phúc với công việc của mình là luôn suy nghĩ tích cực để tiếp tục công việc. Luôn chủ động tự học và nâng cao chuyên môn, tiếp cận và đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học, tôi còn tôi tích cực tham gia các khóa học, tập huấn.

“Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai đặt ra các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, trong đó có năng lực tự chủ và tự học. Muốn phát triển được những năng lực, phẩm chất đó cho học sinh, bản thân người thầy cũng phải có được những năng lực đó” – cô Vũ Thị Anh cho hay.

Bên cạnh những nỗ lực tự thân, trong bối cảnh mới, với những đòi hỏi mới và yêu cầu cao hơn với nhà giáo, cô Vũ Thị Anh cũng cho rằng sẽ cần hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ từ cấp trên để bản thân giáo viên được hạnh phúc với công việc của mình.

Trước hết là vấn đề lương, phụ cấp cần có sự thay đổi cho phù hợp với tăng trưởng kinh tế nói chung (nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác). Tiếp tục quan tâm đến chính sách thu hút nhân tài, động viên khen thưởng kịp thời đối với những giáo viên có thành tích xuất sắc. Đồng thời, hỗ trợ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn,…; hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn kịp thời tới giáo viên đại trà để triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...