Khai thác tư liệu liên môn để dạy Lịch sử
Chương trình GDPT mới, môn Lịch sử không chỉ học lý thuyết mà còn nhiều hoạt động trải nghiệm qua đó kích thích niềm đam mê, khám phá của học sinh đối với môn học này.
Vận dụng kiến thức liên môn
Hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các trường học phải kích hoạt hệ thống dạy học trực tuyến. Theo đó, mỗi giáo viên buộc phải nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng soạn giáo án điện tử.
Không nằm ngoài lệ, cô Lam Thị Thanh Hường – giáo viên Trường Tiểu học, THCS và THPT Văn Lang (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã vận dụng những kinh nghiệm mình tích lũy được trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để thiết kế bài giảng. Đồng thời, chủ động tìm hiểu, vận dụng các phần mềm dạy học, quản lý lớp học để dạy học trực tuyến.
Để bài giảng môn Lịch sử của mình hay, hấp dẫn, cô Hường đã rà soát, xác định mục tiêu cốt lõi nhất cần đạt của mỗi bài học, thiết kế bài giảng điện tử súc tích hơn nhằm tạo hứng thú cho học sinh.
“Mình đã thực hiện soạn giảng cuốn chiếu theo tiến độ chương trình, chú trọng sắp xếp lại các khâu tổ chức lớp học phù hợp với hình thức dạy học trực tuyến ví dụ: chia rõ các khâu trước, trong và sau tiết học online; chú trọng việc hướng dẫn học sinh tìm hiểu trước bài học, tạo điều kiện cho học sinh chủ động về thời gian chuẩn bị....; Linh hoạt các hình thức kiểm tra đánh giá với sự hỗ trợ của các phần mềm online”, cô Hường nói.
Để mỗi tiết học Lịch sử không bị khô khan, cứng nhắc và nhàm chán, đặc biệt ở lớp 12, cô Hường chủ động vận dụng mối liên hệ giữa kiến thức môn học với hoàn cảnh sáng tác các tác phẩm văn học trong chương trình học để ghi nhớ, tránh nhầm lẫn.
Cô Hường nói: “Khi còn ngồi trên ghế trường sư phạm, bản thân rất hào hứng với phương pháp dạy học liên môn. Khi ra trường đi dạy, tôi cũng hay liên hệ kiến thức môn Lịch sử với môn Ngữ văn, Địa lý, Âm nhạc… và cảm thấy hiệu quả bài học được nâng lên đáng kể.
Học sinh hứng thú hơn, kiến thức môn Lịch sử bớt khô khan hơn, vì vậy mình chủ động lựa chọn, vận dụng một cách phù hợp trong các bài học, nhất là thuộc phần Lịch sử lớp 12”.
Nhờ vậy, mà tiết học Lịch sử không bị nhàm chán, học sinh luôn được trải nghiệm những điều thú vị. “Môn Lịch sử chính là hồn cốt của dân tộc, tôi muốn mỗi học trò của mình lớn lên và trưởng thành biết được những giá trị to lớn của cha ông, các anh hùng dân tộc”, cô Hương chia sẻ.
Sự thay đổi của chương trình sẽ kích thích học sinh
Là người có kinh nghiệm nhiều năm, cô Lam Thị Thanh Hường cho biết, để dạy hiệu quả môn Lịch sử trong Chương trình mới, cô sẽ tiếp tục khai thác tư liệu liên môn (Âm nhạc, Ngữ văn, Địa lý…) vào dạy học.
Cô Hường phân tích: “Tôi cho rằng phương pháp này vẫn cần duy trì, áp dụng vào quá trình thực hiện chương trình GDPT 2018 để góp phần tạo hứng thú và sự chủ động học tập. Tuy nhiên, giáo viên cũng cần phải nghiên cứu, tìm hiểu kĩ đặc điểm kiến thức từng bài để chọn lọc và có thể vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp và hiệu quả”.
Biện pháp hiệu quả nhất là ý thức tự bồi dưỡng, tự học của giáo viên. Cô Hường đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu chương trình GDPT 2018, đối chiếu so sánh với chương trình hiện hành để tìm ra những điểm cốt lõi, điểm mới, chủ động bồi dưỡng.
Tham gia đầy đủ, tích cực các lớp tập huấn của Bộ/Sở/Phòng tổ chức; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng thường xuyên; hoàn thành các module bồi dưỡng trên hệ thống ETEP.
Đồng thời, tích cực đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng nâng cao năng lực, phẩm chất cho người học ngay trong quá trình thực hiện chương trình hiện hành.
Cô Hường chủ động xin dạy lớp 6 chương trình GDPT 2018 từ năm học 2021-2022 để làm quen, thích ứng với chương trình. Thảo luận cùng nhóm chuyên môn để phân tích, lựa chọn bộ sách giáo khoa đáp ứng tối ưu yêu cầu của chương trình và khả năng triển khai thực tế tại trường học.
“Từ những nghiên cứu đó, mình nhận thấy Chương trình môn Lịch sử mới không chỉ học lý thuyết mà còn nhiều hoạt động trải nghiệm những điểm mới ấy rất tích cực, phù hợp với xu thế, yêu cầu đổi mới giáo dục”, cô Hường nhấn mạnh.
Được biết, tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Văn Lang (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), từ năm học 2016-2017, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục gắn dạy học trong nhà trường với các hoạt động trải nghiệm. Trong đó nhà trường đặc biệt tạo điều kiện để môn Lịch sử có thể thực hiện dạy học thực địa tại các điểm di tích lịch sử của địa phương.
“Vì vậy, việc chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm sẽ thúc đẩy hơn nữa việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục”, cô Hường nhấn mạnh.