A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng nghiệp trong trường học: Không "chọn bừa"... tương lai

Trước mỗi kỳ thi vào THPT, xét tuyển cao đẳng, đại học, học sinh các trường THPT ở Sơn La lại "khát" nguồn tư vấn trước khi chọn trường, chọn nghề. Có nhiều hình thức giúp học sinh không “chọn bừa” tương lai...

Thầy giúp trò, trò giúp trò

Thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học được coi là bước ngoặt quan trọng của học sinh lớp 12. Để hỗ trợ học sinh THPT trong định hướng nghề nghiệp, hoạt động “Chuyên Sơn La – Người dẫn đường” được Đoàn trường THPT chuyên Sơn La với Ban Liên lạc Cựu học sinh nhà trường phối hợp tổ chức.

Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng học sinh tìm hiểu về các ngành, lĩnh vực học tập ở các trường chuyên nghiệp. Ngoài ra, hoạt động này còn giúp học sinh THPT tìm lời giải trước những băn khoăn khi chưa biết chọn trường, chọn nghề dựa trên năng lực và nguyện vọng của bản thân.

Thầy Trần Doãn Quyết – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chương trình “Chuyên Sơn La – Người dẫn đường” là ý tưởng của cựu học sinh nhà trường bắt đầu tổ chức từ kỳ tuyển sinh đại học năm 2017. Ngay khi nhận được kế hoạch, nhà trường tích cực hỗ trợ các em thực hiện. Ban đầu chỉ có 3, 4 cựu học sinh cùng nhau chia sẻ, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12. Tuy nhiên, từ năm 2021, có khoảng 50 cựu học sinh là sinh viên của các trường đại học về trường chia sẻ kinh nghiệm với đàn em.

“Các em chia sẻ với thế hệ đi sau về ngành, nghề mà mình theo học. Hay như kinh nghiệm làm thêm, phương pháp học tập, chuyện thuê trọ, ăn ở của sinh viên… Chương trình đã thu hút cả học sinh khối 10 và 11 tham gia. Năm nay, con số này đã lên tới khoảng 500 em tham gia nghe tư vấn. Do dịch bệnh, không thể tập trung nên chương trình đã tổ chức online”, thầy Quyết chia sẻ.

Theo thầy Quyết, hằng năm số học sinh của trường dự thi, xét tuyển và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng luôn đạt tỷ lệ cao. “Hai năm trở lại đây, điểm thi tốt nghiệp THPT của học sinh trong trường luôn cao hơn mức điểm trung bình của cả nước. Có thể thấy, qua các buổi chia sẻ, tư vấn hướng nghiệp đã tạo động lực và là tiền đề cho các em cố gắng hơn trong học tập. Các trò đã có mục tiêu rõ ràng khi lựa chọn trường và ngành học mà mình theo đuổi”, thầy Quyết cho biết thêm.

Em Phạm Thị Mai Linh, học sinh lớp 12 Anh chia sẻ: “Đây là chương trình rất bổ ích. Các anh chị tư vấn đều là sinh viên của những trường đại học nổi tiếng. Từ những chia sẻ đó, em hiểu rõ hơn về một số ngành học, để có sự cân nhắc khi điều chỉnh nguyện vọng”.

Vấn đề tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT luôn được các nhà trường đặc biệt quan tâm. Ảnh: TG

Lựa chọn có mục đích

Định hướng nghề nghiệp cho học sinh luôn được Trường THPT chuyên Sơn La đặc biệt quan tâm, triển khai theo nhiều hình thức. Hàng năm, trường xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục hướng nghiệp theo 9 chủ đề trọng tâm. Song song với đó, ban giám hiệu còn phối hợp với các trường đại học, tổ chức tư vấn du học, tư vấn nghề nghiệp, để trao đổi kinh nghiệm giúp học sinh có thêm kiến thức trước khi chọn trường, chọn nghề.

Để giúp học trò của mình đạt được mong muốn khi chọn trường, cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Sơn La luôn tìm hiểu về nhiều ngành học khác nhau, có sự so sánh để biết hướng tư vấn. “Tôi thường động viên và khuyên các em nên thi IELTS để có nhiều cơ hội vào những trường đại học tốp đầu. Ví dụ như năm ngoái, nhiều bạn đạt 28 điểm song vẫn chưa đỗ đại học. Nhưng khi có chứng chỉ IELTS, các em có khả năng được tuyển thẳng và có nhiều lựa chọn hơn”, cô Hiền cho biết.

Tại Trường THPT Mộc Lỵ (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), từ đầu năm học đã đặc biệt quan tâm đến các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh. Theo thầy Nguyễn Minh Hải - Hiệu trưởng nhà trường, đây là phần việc rất quan trọng, cần thiết giúp học sinh chọn lựa được ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu sử dụng lao động của địa phương và xã hội.

“Năm nay các em tham gia Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2021” do Bộ GD&ĐT tổ chức. Sản phẩm mận Mộc Châu được các em mang đến gắn liền với truyền thống du lịch tại địa phương. Sản phẩm này đã trở thành đại diện duy nhất của tỉnh Sơn La tham dự Vòng Chung kết cuộc thi và đoạt giải Khuyến khích. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho việc học sinh có thể tự lựa chọn công việc mình theo đuổi ngay từ ghế nhà trường”, thầy Hải nói.

Buổi họp phụ huynh đầu năm nay với lớp 12A2 Trường THPT Mộc Lỵ được tổ chức đặc biệt hơn mọi năm. Ở buổi họp này, cô Vũ Thị Thuỷ - chủ nhiệm lớp đã cho học sinh bày tỏ nguyện vọng, mô tả công việc mình mong muốn để tổng hợp. Tất cả đều được chuyển đến phụ huynh để mọi người hiểu được ước mơ của con em mình.

“Có thể các em không chia sẻ với phụ huynh, song sẵn sàng chia sẻ với bạn bè, thầy cô. Vì thế, tôi tổ chức để giúp phụ huynh hiểu hơn về mong muốn của các em. Từ đó giữa nhà trường và gia đình có sự phối hợp nhất định trong việc tư vấn môn học, khối thi theo năng lực của từng em. Phụ huynh cũng đã suy nghĩ thoáng hơn trong việc lựa chọn trường cho con. Tuy nhiên, vẫn có nhiều phụ huynh mong muốn con học những ngành “hot”, cơ hội việc làm cao,... mà quên đi ước mơ của các em. Tôi đã cho phụ huynh xem những nguyện vọng của con và chia sẻ, tư vấn với từng người, với hy vọng giúp phụ huynh có cái nhìn khách quan hơn”, cô Thuỷ nói thêm.

Chị Nguyễn Thị Dung có con học lớp 11 tại Trường THPT Chiềng Sinh (thành phố Sơn La) đam mê học vẽ. Vì thế, chị Dung đã luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con theo đuổi sở thích này. “Ngay từ bé cháu đã thích học vẽ, muốn thi vào Trường Đại học Kiến trúc. Tôi đã cho cháu học các lớp nâng cao để có thêm kiến thức chuyên sâu. Tôi mong muốn với lựa chọn đó cháu sẽ phát huy được khả năng, đam mê của mình”, chị Dung bộc bạch.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...