Đổi mới sáng tạo: Vấn đề của giáo dục đại học Việt Nam
Giáo dục đại học đang bước vào giai đoạn đòi hỏi đổi mới sáng tạo để đóng góp trực tiếp hơn cho sự thịnh vượng. Thực tế phát triển trong nước và quốc tế đặt ra những thách thức gì cho các cơ sở giáo dục đại học?
Để làm rõ những nội dung này, Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với NGND.GS Nguyễn Hữu Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội Tổ trưởng Tổ tư vấn Uỷ ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục.
Nhìn ra thế giới
- Thưa GS, các trường đại học thế giới đã trải qua những thay đổi mang tính cách mạng để đáp ứng xu hướng thay đổi trong lịch sử phát triển. GS nhìn nhận về việc này thế nào?
- Theo tài liệu của Wissema, các trường đại học thế hệ đầu tiên (first generation university - 1GU) là trường đại học siêu hình, phụng sự Chúa, xuất hiện lần đầu vào thời trung cổ (Đại học Paris năm 1200 hoặc thậm chí trước đó là Đại học Bologne năm 1088). Vào thời điểm đó, trường đại học là những nhà thờ, tu viện, chủ yếu giảng dạy với phương pháp thuyết trình một chiều bằng ngôn ngữ Latinh cùng với bảng và phấn. Những trường này chỉ tập trung củng cố chân lý phổ quát và đào tạo nhà quản lý cho xã hội đương thời.
Trong thời đại phát triển hơn, các trường đại học thế hệ thứ hai (2GU) được xác định là trường đại học định hướng nghiên cứu, tiêu biểu là Đại học Humboldt Berlin hình thành vào năm 1810. Theo đó, mối quan tâm của các trường đại học đối với chân lý phổ quát nói trên được giảm bớt để tập trung vào nghiên cứu thực nghiệm và lý thuyết logic với cách tiếp cận đơn ngành, thậm chí chuyên môn hóa rất hẹp và sâu. Đây cũng là giai đoạn bản lề cho chuyển đổi mạnh mẽ của giáo dục đại học trong thế kỷ 21, tạo tiền đề phát triển cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Science, Technology and Innovation - STI).
Các trường đại học thế hệ thứ ba (3GU) ra đời với sứ mệnh mới về đổi mới sáng tạo (ĐMST), tập trung cả sáng tạo tri thức và khai phá tri thức, đóng góp tích cực vào việc tạo ra giá trị cho xã hội thông qua hỗ trợ các nhà khởi nghiệp công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp. Khai phá tri thức, hàng hóa hóa và thương mại hóa tri thức trở thành động lực của trường đại học và trường đại học được coi là cái nôi của hoạt động khởi nghiệp bên cạnh nhiệm vụ truyền thống là đào tạo và nghiên cứu. Trong trường hợp này, sản phẩm của các trường đại học tạo ra không chỉ có nhà khoa học và nhà công nghệ, mà còn cả nhà khởi nghiệp.
Thấy gì ở Việt Nam
- Giáo dục đại học ở Việt Nam đã nhập cuộc thế nào, thưa Giáo sư?
- Năm 1906, Đại học Đông Dương - mô hình đại học tương đồng như vậy được chính quyền Pháp thành lập. Đại học Đông Dương lúc đó đã có các khoa/trường chuyên ngành như: Luật và Pháp chính; Khoa học; Y khoa; Xây dựng dân dụng; Văn khoa. Tuy nhiên, năm 1907, chỉ có 3 trường Khoa học, Văn khoa và Luật được khai giảng. Đến năm 1924, Đại học Đông Dương có thêm các trường Mỹ thuật, Nông lâm, Thú y, với tổng cộng 10 trường.
Trên thực tế, Đại học Đông Dương vừa có chức năng đào tạo lẫn nghiên cứu ứng dụng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, các nghiên cứu như vậy mới có tính chất đại cương, lặp lại và để chứng minh. Các nghiên cứu mạnh hơn tại thời điểm ấy thuộc về Viện Viễn đông Bác cổ, nằm độc lập bên ngoài đại học. Điều này có nghĩa, trong khi đại học thế giới đã chuyển sang giai đoạn giáo dục và khoa học phát triển song hành, thì ở Việt Nam giáo dục vẫn đi sau và chủ yếu chỉ có nhiệm vụ truyền thụ các kiến thức khoa học.
Khoa học cơ bản đã được cố GS Tạ Quang Bửu đề xướng vào những năm 1970 của thế kỷ trước. Nhưng cho đến gần đây, nghiên cứu khoa học cơ bản và công bố quốc tế mới trở thành văn hóa nhờ một phần vai trò của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) từ năm 2008 và Việt Nam đã hình thành một số cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu như ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh (đầu tiên được xếp hạng quốc tế vào những năm 2010). So sánh với lịch sử hình thành và phát triển của Mô hình Đại học Humboldt nói riêng, là thế hệ 2GU nói chung, đại học Việt Nam phát triển chậm gần trọn 200 năm, còn mới đang ở giai đoạn đầu của mô hình đại học tập trung ưu tiên vào công bố quốc tế. Chúng ta cần phải nhanh chóng vượt qua giai đoạn này, tập trung vào nâng cao chất lượng các nghiên cứu cơ bản có định hướng và đặc biệt phải tiếp cận nhanh với ĐMST thì mới mong có đóng góp vào khát vọng đất nước phồn vinh năm 2045.
Thách thức đặt ra
- Đại học không những trở thành chất xúc tác, mà còn là động lực phát triển cho sự phồn vinh của các quốc gia. Ở Việt Nam, hoạt động ĐMST và khởi nghiệp của đại học đang đứng trước thách thức gì, theo Giáo sư?
- Về thách thức thời đại, đó vừa là thách thức về việc vừa xây dựng mô hình đại học thế hệ 3GU và vừa phải đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0. Đặc biệt, khoảng cách về trình độ đào tạo, nghiên cứu và công nghệ so với thế giới còn rất lớn. Khi các quốc gia đã có nền tảng khoa học cơ bản tốt, khả năng sáng tạo cao thì hoạt động ĐMST càng thuận lợi, phát triển và quốc gia đó càng thịnh vượng. Ngược lại, càng khó khăn trong việc triển khai hoạt động ĐMST thì thịnh vượng chỉ còn là mơ ước. Không có năng lực ĐMST, trường đại học không những không có khả năng vốn hóa tri thức và gia tăng giá trị cho mình, mà còn bị CMCN 4.0 bỏ rơi, đặc biệt nền kinh tế không có được chất xúc tác từ đại học và quốc gia không có động lực để phát triển.
Về các thách thức hệ thống. Hiện nay, cả hệ thống đại học của ta hằng năm công bố số bài báo quốc tế chưa vượt qua được con số 20.000 bài (gần gấp hai lần so với Đại học Quốc gia Singapore) và trong quá trình phát triển, cả hệ thống mới sở hữu không quá 200 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích trong nước và vài chục bằng sáng chế quốc tế. Cùng với việc xây dựng văn hóa công bố quốc tế, vẫn còn có quan điểm cho rằng khoa học cơ bản là thống soái, chìa khóa vạn năng, nền tảng để phát triển tầm nhìn và hiểu biết sang các lĩnh vực khoa học khác, là nhiệm vụ chính của đại học. Thậm chí còn có ý kiến theo tiếp cận nghiên cứu quốc nội, hài lòng với nhất mẹ, nhì con, đưa tư duy và sứ mệnh của thế hệ hai cuộc kháng chiến áp đặt cho phương thức phát triển 4.0. Thêm nữa, quan điểm coi doanh nghiệp là trung tâm đã đốt cháy giai đoạn ươm tạo ĐMST trong các trường đại học.
- Để giáo dục đại học thích ứng với sự phát triển của thế hệ ba, đồng thời đáp ứng với cả các yêu cầu của CMCN 4.0 cần phải làm gì?
- Trước hết phải thay đổi căn bản tư duy. Bên cạnh tư duy khởi nghiệp sáng tạo, tư duy và kỹ năng số (hoặc thậm chí là tư duy máy tính) là thay đổi căn bản thứ hai của các trường đại học trong kỷ nguyên CMCN 4.0. Kỹ năng số liên quan nhiều đến cả công nghệ và con người. Trong thời đại kỹ thuật số, thành công chính là sự kết hợp hài hòa con người và công nghệ với nhau. Do đó, tư duy số là yếu tố quan trọng, cần thiết để tích hợp công nghệ vào các hoạt động hàng ngày và chiết xuất giá trị từ sự tích hợp đó.
Tiếp đó phát triển ĐMST phải toàn diện. ĐMST không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nghiên cứu và triển khai (R&D), không chỉ là việc giới thiệu thành công một sản phẩm mới nào đó dựa trên phát minh hoặc ứng dụng, mà còn là khả năng nhận biết và nắm bắt cơ hội, tạo ra cơ hội, chấp nhận rủi ro và vượt qua thách thức, tìm được giải pháp phù hợp để tạo ra một sản phẩm mới, giải pháp mới, dịch vụ mới, thậm chí là sự thay đổi về mô hình tổ chức để đạt được sự phát triển tối ưu cho tương lai. Đấy không chỉ giới hạn bởi các cơ chế công nghệ đẩy, thị trường kéo đơn thuần nữa.
ĐMST phải được thực hiện một cách toàn diện phải bao gồm cả về lãnh đạo và quản trị; hệ sinh thái; con người và động lực; hoạt động dạy và học; nghiên cứu khai phá tri thức… Trong đó, hoạt động đào tạo dựa vào nghiên cứu và ĐMST, đồng thời các chương trình bồi dưỡng kỹ năng và tư duy ĐMST cho người học và cộng đồng nói chung sẽ góp phần thực thi trực tiếp hành trình ĐMST của quốc gia. Trong trường hợp này, nhiều quốc gia đã áp dụng các mô hình giáo dục khai phóng (liberal arts) kết hợp với tư duy thiết kế (design thinking) rất hiệu quả.
Ngoài ra, cần phải quan tâm đến hệ sinh thái và các chuẩn mực xã hội. Trường đại học của thế kỷ 21 được đặt trong và có liên kết với môi trường xã hội, văn hóa và cả môi trường vật chất của hệ sinh thái theo nhiều chiều cạnh khác nhau. Trường đại học phải có vai trò áp dụng triết lý và các chuẩn mực của hệ sinh thái để dẫn dắt, củng cố và nâng cao các mối quan hệ phức tạp này. Theo cách tiếp cận đơn giản hơn, hệ sinh thái đại học có thể được liên hệ với ý tưởng về sự phát triển bền vững của trường đại học và ngược lại, trường đại học cần có trách nhiệm hỗ trợ sự phát triển của các hệ sinh thái đó, trong đó các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc nên được áp dụng. Cuối cùng, trong thời đại kỹ thuật số, đạo đức thông tin, bao gồm tính trung thực trong học tập, các hành vi đạo đức, các biện pháp bảo mật điện tử cần phải được đảm bảo.
- Thực tế các trường đại học có sứ mạng và năng lực khác nhau. Việc triển khai ĐMST phải được thực hiện như thế nào, nhất là đối với các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn?
- Khó khăn mà ngần ngại là ở chỗ đó, xuất phát do nhiều người nghĩ ĐMST chỉ liên quan đến công nghệ và nghiên cứu R&D. Nhân đây cũng xin nhắc lại một quan niệm đang bị nhầm lẫn về ĐMST xã hội với doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận. Thực ra, ĐMST xã hội phải được hiểu là những thay đổi cấu trúc văn hóa, chuẩn mực hoặc quy phạm của xã hội nhằm phát huy nguồn lực tập thể và cải thiện hiệu quả kinh tế - xã hội. Hình thức ĐMST xã hội nổi bật nhất là các khởi nghiệp ĐMST xã hội, bao gồm hoạt động và quy trình thực hiện để khám phá, xác định và khai thác cơ hội để phát huy thịnh vượng xã hội. ĐMST toàn diện lắm, không phải chỉ dựa vào nghiên cứu R&D, mà có cả ĐMST phi R&D, ĐMST mở…
Các trường đại học với điểm xuất phát và sứ mệnh khác nhau, dù là định hướng ứng dụng (1GU) hay định hướng nghiên cứu (2GU) đều có thể lựa chọn tiếp cận R&D hay phi R&D để xây dựng đại học ĐMST (hình 1). Mô hình đại học ĐMST (nhóm 3) này bao gồm hai tầng chính (tầng nền tảng về đào tạo và nghiên cứu truyền thống và tầng ĐMST phổ quát) và hai thành tố ĐMST đặc thù tùy chọn (tức là ĐMST đặc thù tương ứng với đại học định hướng nghiên cứu (R&D) và ứng dụng (phi R&D) (hình 2). Rất vui là ở nước ta hiện nay, một số hình mẫu đại học tiếp cận ĐMST đang được hình thành từ trường đại học khối khoa học xã hội.
- Xin cảm ơn Giáo sư!