Giáo viên miền núi tự tin “nhập cuộc” nhờ các mô đun “tự bồi dưỡng”
Mô hình bồi dưỡng, tập huấn với nguồn học liệu “mở” thông qua chương trình ETEP đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều giáo viên vùng khó chủ động nâng cao năng lực để tự tin “nhập cuộc” Chương trình GDPT 2018.
Chuyển biến về “chất”
Buổi học môn Tiếng Việt theo Chương trình giáo dục phổ thông mới của học sinh lớp 1, điểm Pú Vang, Trường PTDTBT Tiểu học Na Sang (huyện Mường Chà, Điện Biên) diễn ra trong không khí sôi nổi.
Theo yêu cầu của cô giáo Nguyễn Thị Hồng, học sinh sẽ đọc trước lớp bài thơ mình yêu thích nhất. Vừ Thị Lan Anh xung phong thể hiện bài thơ “Bàn tay cô giáo”. Mặc dù còn đôi chút ngọng nghịu, xong bài đọc dõng dạc và sự tự tin của Lan Anh đã nhận về tràng pháo tay của các bạn cùng lớp.
Hơn 10 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, cô Hồng cho biết, khi chương trình GDPT mới được triển khai cô đã rất băn khoăn là lo lắng. “Tôi không biết mình sẽ làm thế nào để bắt nhịp được với những thay đổi mới. Nhất là việc dạy học phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh đáp ứng yêu cầu của chương trình trong bối cảnh thực tế tại đây còn nhiều khó khăn, học sinh hạn chế về giao tiếp, năng lực”, cô Hồng nói.
Tuy nhiên, theo cô Hồng, khi tham gia các khóa bồi dưỡng giáo viên thì cô đã dần tự tin, chủ động hơn với các giờ giảng. Cô bắt đầu làm quen với việc dạy học theo dự án, mô hình lớp học đảo ngược…, sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học vào từng nội dung giảng dạy.
Mỗi tiết học của cô giờ đây chủ yếu được tổ chức thành các hoạt động giáo dục để học sinh được nói, được làm, được thực hành nhiều hơn. Từ đó, tự tin hơn và chủ động nắm bắt kiến thức mới, vận dụng, liên hệ vào thực tiễn.
Tại trường PTDTBT Tiểu học – THCS Vàng Đán (huyện Nậm Pồ, Điện Biên), tiết học môn Toán của học sinh lớp 2 cũng đã có nhiều thay đổi. Giờ học là những kiến thức mở, không có trong sách giáo khoa. Những con số, phép tính đều được giáo viên truyền tải thông qua trò chơi, hoạt động nhóm.
Theo cô giáo Trịnh Thị Thơm, Hiệu trưởng nhà trường, để học sinh tự tin hơn, có lúc các em còn được “đổi vai” làm giáo viên, đứng lên bục giảng đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện phép toán của từng bạn trong lớp.
“Sự thay đổi này có được kể từ khi triển khai chương trình mới, giáo viên nhà trường được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên. Sau mỗi khóa bồi dưỡng, các cô đã tự tin và chọn lọc phương pháp phù hợp với học sinh của khối lớp. Từ đó, thấy rõ sự chuyển biến của học sinh qua từng tiết học. Các em hình thành được nhiều năng lực phẩm chất, trong đó nổi trội hơn so với các khoá trước là năng lực ngôn ngữ, tính toán, sự tự tin trong giao tiếp”, cô Thơm cho hay.
Còn theo cô giáo Trần Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Tủa Thàng, thì các mô đun bồi dưỡng có giá trị thiết thực đối với giáo viên mầm non. Đặc biệt là trong việc nâng cao kỹ năng xử lý tình huống trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Giáo viên cũng hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc, giáo dục con em. Đồng thời, thầy cô còn hướng dẫn học trực tuyến qua e-learning; giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ...
“Đây là những nội dung hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của giáo viên mầm non hiện nay. Đặc biệt là trong điều kiện thực tế ở miền núi còn nhiều yếu tố tác động, như: Sự quan tâm phối hợp của phụ huynh còn hạn chế. Do điều kiện khó khăn, nên nhiều phụ huynh chưa hiểu hết trách nhiệm của mình, đưa con đến lớp là phó mặc hoàn toàn cho cô giáo”, cô Phương nói.
Đồng bộ để tối ưu hiệu quả
Cô Phương cho rằng các mô đun bồi dưỡng hiện nay là cần thiết và hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng, kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên. Tuy nhiên, vấn đề này cũng tạo ra không ít thách thức cho nhà quản lý, nhất là đối với giáo dục vùng khó.
“Trên thực tế, một số phương pháp khó triển thực hiện, đặc biệt với những trường vùng khó, trường có đông học sinh dân tộc thiểu số. Nguyên nhân do sự thiếu hụt về nguồn lực giáo viên, nhận thức học sinh, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất. Vì thế, đa phần giáo viên hiện nay trong quá trình tiếp cận phương pháp mới sẽ chủ động chọn lọc cái nào phù hợp với học sinh, đơn vị mình thì mới triển khai áp dụng”, cô Phương chia sẻ.
Tương tự, việc triển khai các phương pháp mới tại Trường PTDTBT – TH và THCS Tân Lập, xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) cũng gặp nhiều khó khăn do sự thiếu đồng bộ. Theo cô giáo Trần Thị Vân Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường: Để phát huy tối ưu hiệu quả những phương pháp này thì cần sự quan tâm hơn nữa trong việc bổ sung biên chế giáo viên, đầu tư về cơ sở vật chất...đáp ứng yêu cầu.
“Ngoài sự chủ động sáng tạo của mỗi đơn vị nhà trường và giáo viên, trước mắt, tôi cũng mong rằng, từ tài liệu khung, các giảng viên sư phạm có thể gợi mở hướng vận dụng, giải quyết đối với các trường học ở vùng khó khăn, mang tính đặc thù. Làm sao để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vẫn áp dụng được, mang lại lợi ích cao nhất cho học sinh”, cô Lan Anh tâm sự.
Để phần nào tháo gỡ khó khăn, trong quá trình thực hiện, Ngành GD&ĐT Điện Biên đã yêu cầu các cơ sở giáo dục thường xuyên báo cáo tình hình. Qua đó, kịp thời nắm bắt vướng mắc, từng bước tháo gỡ khó khăn trong điều kiện, nguồn lực hiện có.
Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT địa phương này, hiện nay các cơ sở đã hoàn thiện rà soát, đánh giá thực trạng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… Trên cơ sở đó, ngành sẽ tham mưu đầu tư, tuyển dụng bổ sung nhằm cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra.