A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bồi đắp tri thức, nuôi dưỡng nhân cách học sinh qua đọc sách

Phong trào đọc sách, kể chuyện qua sách được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An triển khai, một mặt phát triển văn hóa học, mặt khác bồi đắp tri thức, giá trị sống, nuôi dưỡng nhân cách cho học sinh.

Tuổi trẻ đáng giá

Trường THPT DTNT Nghệ An vừa tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2022 gồm thiết kế gian sách của từng lớp, chương trình văn nghệ đến từ CLB nghệ thuật của trường và cuộc thi kiến thức.

Trong đó cuộc thi kiến thức tổng hợp được xem là tâm điểm của ngày hội với phần thi tra lời nhanh, phác thảo bức chân dung cuộc sống bằng thơ và cuối cùng là giới thiệu sách. Đây là sân chơi lành mạnh, tạo cơ hội cho học sinh của trường giao lưu với nhau, thể hiện tài năng của mình, cũng như để lại kỷ niệm đẹp của tuổi học sinh.

Với đặc thù học sinh đến từ bản làng xa xôi xuống TP Vinh ở nội trú học tập, 2 ngôi trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An nằm trong số những trường đi đầu trong xây dựng thư viện trường học với quy mô, cơ sở vật chất hiện đại, thân thiện. Ngoài giờ học trên lớp, thư viện chính là nơi để các em tiếp thu thêm kiến thức, hiểu biết qua sách, báo. Qua đó để học sinh gắn bó, yêu trường, yêu lớp, nỗ lực học tập.

Học sinh Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An thuyết trình sắc màu cuộc sống qua họa và thơ

Lần đầu tiên Trường THPT Nghi Lộc 5 (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) tổ chức hội thi giới thiệu sách hay qua hình thức trực tuyến, nhưng đã thu hút nhiều tác phẩm chất lượng hơn mong đợi.

Theo đó, mỗi lớp cử đại diện giới thiệu một cuốn sách và chia sẻ cảm nhận, những bài học qua tác phẩm đó bằng clip gửi cho ban giám khảo. Sau vòng sơ khảo, nhà trường đã chọn được 6 bài giới thiệu đặc sắc tham dự vòng chung kết, dự thi qua thuyết trình trực tiếp.

Kết quả lớp 12A1 đã giành giải nhất với bài thuyết trình về cuốn sách "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”. Em Nguyễn Thị Hương Giang, học sinh của lớp chia sẻ, cuốn sách này của tác giả Rosie Nguyễn Viết, với những câu chuyện kể, tự sự về chính quãng thời gian tuổi trẻ của mình. Khi nhìn lại quãng thời gian thanh xuân qua đi, tác giả đã đưa ra những lời nhắn nhủ, chiêm nghiệm của mình với các bạn trẻ - đang 18 tuổi và bắt đầu bước vào đời.

“Năm nay chúng em đã học lớp 12, trước ngưỡng cửa tương lai với nhiều băn khoăn, lựa chọn. Đọc sách chúng em thấy có mình trong đó, cũng có hoài bão, ước mơ. Em nghĩ biết được tuổi trẻ đáng giá thế nào để dành thời gian học tập, theo đuổi ước mơ và biết tận hưởng những năm tháng thanh xuân đáng nhớ”, Hương Giang tâm sự.

Phần thuyết trình cuốn sách "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu" của đại diện lớp 12A1 Trường THPT Nghi Lộc 5, Nghệ An

Trước đó, phong trào đọc sách được Trường THPT Nghi Lộc 5 xây dựng và phát triển. Ngoài thư viện trường, trong mỗi lớp học cũng duy trì thư viện nhỏ để thuận lợi cho học sinh đọc sách, trao đổi, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình, học cách đánh giá, nhìn nhận sự việc ở nhiều góc độ.

Nhà trường cũng lập nhóm trên Facbook của thư viện. Hàng tuần, giáo viên phụ trách thư viên sẽ giới thiệu những cuốn sách hay theo chủ đề, chủ điểm để giáo viên và học sinh tìm đọc.

Thầy giáo Nguyễn Anh Dương – Phó Hiệu trưởng nhà trường nói thêm: Thông qua các hoạt động này, chúng tôi mong muốn phát triển văn hóa đọc cho học sinh vốn chiếm đại đa số ở vùng nông thôn. Các em thiệt thòi và hạn chế hơn so với các bạn vùng trung tâm, thành thị có điều kiện tiếp xúc với nhiều sân chơi trí tuệ cũng như kỹ năng. Vì thế, qua phong trào đọc sách, nhà trường hi vọng học sinh sẽ có thêm tri thức, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và bồi đắp giá trị sống cho các em. Giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, nhân văn.

Đọc và làm theo sách

Sau hơn một năm bị gián đoạn do dịch Covid – 19, năm nay nhiều trường học tại Nghệ An đã khởi động lại “Ngày sách và bản quyền thế giới” với nhiều hoạt động thiết thực kèm theo.

Lễ phát động Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay được Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức tại Trường THCS Lý Nhật Quang, huyện Đô Lương. Sau phần lễ ngắn gọn, tại đây đã diễn ra cuộc thi giới thiệu sách kể chuyện qua sách cho học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn huyện. Nhiều câu chuyện về Bác Hồ, các anh hùng dân tộc, tấm gương học tập, lao động… được thể hiện qua lời kể, hoặc sân khấu hóa. Việc đọc sách và làm theo những bài học qua sách nhờ đó mà cụ thể, sinh động, gần gũi với học sinh hơn.

Phần thi giới thiệu sách, kể chuyện qua sách của học sinh huyên Đô Lương, Nghệ An

Không chỉ trong tuần lễ hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới, phong trào đọc và làm theo sách được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An thực hiện một cách bài bản.

Nhiều năm nay, Trường Tiểu học Nghĩa Đồng (huyện Tân Kỳ) duy trì tiết đọc sách như là hoạt động giáo dục tăng cường trong giờ chính khóa. Thời lượng bố trí là 2 tiết/tháng/lớp. Nhà trường dành riêng một phòng đọc với đầy đủ trang thiết bị. Phụ trách tiết đọc sách chính giáo viên chủ nhiệm, đã được tập huấn để lựa chọn những câu chuyện ý nghĩa, phù hợp với lứa tuổi, khả năng tiếp nhận của học sinh.

Trường Tiểu học Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An hướng học sinh đọc và làm theo sách

Theo cô Nguyễn Thị Bích Thìn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Đồng cho hay, thực tế độ tuổi tiểu học, các em chưa có chủ đích trong đọc sách, mà thường tìm kiếm truyện tranh theo sở thích và hứng thú riêng.

Vì vậy, nhà trường giao cho giáo viên triển khai các tiết đọc sách có định hướng. Giáo viên thông qua các câu chuyện, giải thích cho học sinh hiểu ý nghĩa, thể hiện cảm xúc, thái độ với các nhân vật và rút ra bài học liên hệ với bản thân. Góp phần giáo dục đạo đức, bồi dưỡng nhân cách cho các em những năm tháng đầu đời. Các thầy cô cũng giới thiệu thêm sách để học sinh tự đọc khi về nhà.

“Về phía nhà trường cũng kiểm duyệt, chọn lựa nguồn sách kỹ càng để bổ sung vào thư viện trường cũng như mỗi lớp học. Hiện chúng tôi luôn có hơn 1 nghìn đầu sách ở nhiều thể loại, được luân chuyển, thay đổi thường xuyên.

Để đảm bảo nguồn sách cho học sinh, nhà trường đã liên hệ với thư viện tỉnh Nghệ An để mượn. Mỗi năm, sẽ có 3 đợt thư viện tỉnh chuyển sách mới cho Trường Tiểu học Nghĩa Đồng và thu sách cũ. Ngoài ra, nhà trường liên hệ với các nhà hảo tâm, tổ chức nhân ái tặng sách cho học sinh”, cô Thìn nói.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Đồng, sau nhiều năm triển khai, học sinh của trường đã có thói quen đọc sách có chủ đích, học hỏi, làm theo những điều hay trong sách báo. Các em đã biết áp dụng hiểu biết, kiến thức trong sách vở vào lời nói, hành động của mình trong cuộc sống.

Thư viện tỉnh Nghệ An cũng kết nối với nhiều thư viện trường học trên địa bàn để luân chuyển sách. Hàng năm thư viên tỉnh tổ chức nhiều chuyển xe thư viện lưu động nhằm đưa sách về cho các độc giả ở các nhà trường và trở thành một hoạt động được đông đảo học sinh, giáo viên đón chờ. Về phía ngành giáo dục Nghệ An cũng nhân rộng mô hình Thư viên thân thiện, Thư viên xanh, góp phần bồi đắp cho học sinh tri thức và giá trị sống.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...